Thứ sáu, 10.03.2023 GMT+7

TRÁCH NHIỆM CỦA GIẢNG VIÊN KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ VỚI VIỆC TÍCH HỢP NỘI DUNG VỀ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh được giao nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiến thức bổ trợ trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị.

          Nội dung các bài giảng trong bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiến thức bổ trợ được phân chia như sau: Triết học: 11 bài; Kinh tế chính trị: 06 bài; Chủ nghĩa xã hội khoa học: 07 bài; Tư tưởng Hồ Chí Minh: 06 bài; Kiến thức bổ trợ: 15 bài. Nội dung các bài giảng của môn học này đều được tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

          Môn Triết học Mác - Lênin, các bài giảng tập trung khẳng định, làm rõ hơn tính khoa học, tính cách mạng của triết học Mác - Lênin; đấu tranh phản bác các quan điểm phủ nhận, xuyên tạc học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, quan điểm về giai cấp, nhà nước, chuyên chính vô sản…

          Môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, các bài giảng không chỉ khẳng định, bổ sung, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ, chủ nghĩa xã hội, dân chủ xã hội chủ nghĩa mà còn tập trung phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

          Môn Kinh tế chính trị, các bài giảng tiếp tục làm rõ tính khoa học trong các quan điểm của các nhà kinh điển Mác - Lênin về học thuyết giá trị hàng hóa, giá trị thặng dư, phản bác những quan điểm phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

          Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh lồng ghép các nội dung khẳng định giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

          Môn Kiến thức bổ trợ, cập nhật các quan điểm, nội dung mới theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, làm sâu sắc hơn một số vấn đề lý luận đồng thời cập nhật những vấn đề thực tiễn mới đang đặt ra trong một số lĩnh vực như: quốc phòng, an ninh; hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn mới, bảo vệ môi trường; hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng...; vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

          Đội ngũ giảng viên khoa Lý luận cơ sở luôn xác định nhiệm vụ là phải nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp khả dụng nhằm không chỉ truyền đạt kiến thức lý luận hàn lâm đến người học mà còn phải tạo được sự hấp dẫn, cuốn hút nhằm phát huy mạnh mẽ sự ảnh hưởng của phần học này đối với học viên. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Kiến thức bổ trợ vào tính tất yếu của việc xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Bác Hồ lựa chọn; làm cho tự mỗi giảng viên trở thành "pháo đài" trong công tác đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Để thực hiện nhiệm vụ cao cả của người giảng viên lý luận chính trị, mỗi giảng viên khoa Lý luận cơ sở phải thấy rõ được trách nhiệm của mình, và phải thực hiện tốt các nhiệm vụ tích hợp Nghị quyết số 35-NQ/TW vào bài giảng như sau:

          Thứ nhất, tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vào nội dung sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, thao giảng, dự giờ của khoa chuyên môn.

          Mỗi tuần khoa tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên môn tại văn phòng khoa để các giảng viên trong khoa trao đổi, bàn luận các vấn đề chính trị xã hội đang diễn ra, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới ban hành để đưa vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học; 03 tháng, chi bộ lãnh đạo khoa chuyên môn tổ chức 01 buổi sinh hoạt chuyên đề với những nội dung thiết thực gắn với nhiệm vụ giảng dạy: Vận dụng và tích hợp Nghị quyết số 35-NQ/TW vào giảng dạy các phần học trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị; nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết số 19-NQ/TW Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vào giảng dạy môn kiến thức bổ trợ...

           Thứ hai, tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn ở cơ sở. Hằng năm, khoa triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học đến toàn thể giảng viên, các giảng viên trong khoa tích cực tham gia các đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở, cấp khoa để nâng cao năng lực nghiên cứu, tổng hợp, tích lũy kiến thức, làm phong phú thêm kiến thức từ lý luận vận dụng vào thực tiễn, nâng cao năng lực ứng phó với những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn ở cơ sở cho giảng viên trong khoa. Như đề tài khoa học: "Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn thành phố Việt Trì trong giai đoạn hiện nay. Thực trạng và giải pháp"; vận dụng Chỉ thị số 05-CT/TW và Nghị quyết số 35-NQ/TW vào giảng dạy môn học Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ; "Vận dụng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX vào giảng dạy phần học "Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam" trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ"; “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đáp ứng yêu cầu tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng”.

          Thứ ba, tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo Trung cấp lý luận chính trị vào hệ thống bài viết trên Bản tin "Thông tin Lý luận và thực tiễn", Website, fanpage... của nhà trường và các tạp chí, báo chí ở tỉnh và Trung ương.

          Thứ tư, giảng viên khoa Lý luận cơ sở, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền và sức lan tỏa của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến học viên, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

          Thứ năm, mỗi giảng viên khoa Lý luận cơ sở không ngừng trau dồi rèn luyện đạo đức, phong cách người giảng viên lý luận chính trị theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị  về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với quyết tâm  học tập và thực hiện tốt chuyên đề toàn khóa 2021 - 2025: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là nội dung rất cần thiết cho giảng viên lý luận chính trị, góp phần tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh đồng bộ và toàn diện công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.

          Vì vậy, khẳng định việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác lại những luận điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, của cả hệ thống chính trị, liên quan đến sự tồn vong của Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chính vì vậy, giảng viên khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ phải là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Mỗi giảng viên phải giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Khi giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tin sắt son với Đảng thì việc giảng dạy lý luận chính trị sẽ có chất lượng, hiệu quả cao. Trong quá trình giảng bài, giảng viên thể hiện rõ tính khoa học, tính Đảng và tính chiến đấu trong từng nội dung. Như vậy, giảng viên sẽ giúp học viên một lần nữa hiểu rõ, nắm vững kiến thức lý luận chính trị và tiếp thêm niềm tin vững chắc vào Đảng, vào con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=trach-nhiem-cua-giang-vien-khoa-ly-luan-co-so-voi-viec-tich-hop-noi-dung-ve-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-vao-giang-day-trung-cap-ly-luan-chinh-tri
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com