Thứ tư, 08.03.2023 GMT+7

QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ SỐ Ở VIỆT NAM

Nền kinh tế kỹ thuật số, nền kinh tế số (hay còn gọi là nền kinh tế internet hoặc kinh tế mới) là nền kinh tế vận hành dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, kỹ thuật số.

     Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều có một chiến lược phát triển công nghệ số, các quốc gia đều tập trung vào việc nghiên cứu để có thể áp dụng công nghệ mới vào việc tăng trưởng và phát triển kinh tế. Công nghệ số, chuyển đổi số, kỷ nguyên số là tiến trình không thể đảo ngược. Đây là một xu thế toàn cầu và thực sự là cơ hội vàng cho Việt Nam hiện thực hóa khát vọng dân giàu, nước mạnh, phát triển hùng cường “sánh vai với các nước trên thế giới”.

     Quan điểm về phát triển kinh tế số ở Việt Nam được thể hiện rõ trong Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ngày 03/6/2020 có nêu tầm nhìn đến năm 2030: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.

     Quyết định số 749-QĐ/TTg nêu một số quan điểm:

     Một là, phải chuyển đổi nhận thức: Cụ thể là có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn; cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

     Hai là, người dân phải là trung tâm của chuyển đổi số. Phương tiện chính của người dân trong thế giới số là thiết bị di động thông minh. Đẩy mạnh phát triển văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia. Ưu tiên chuyển đổi số ở các lĩnh vực: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp.

     Ba là, đổi mới mạnh mẽ thể chế, coi thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số. Thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát. Chính phủ đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

     Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.

     Bốn là, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Trong đó, hợp tác quốc là giải pháp quốc tế là giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là thúc đẩy chuyển số trong xã hội, từ đó, tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, tiên phong áp dụng công nghệ mới, mô hình mới vào Việt Nam.

     Năm là, đảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế.

     Sáu là, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

     Với quan điểm chỉ đạo và mục tiêu đề ra, Đảng và Chính phủ cũng đã nêu rõ chủ trương, chính sách tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển nền kinh tế số, cụ thể là:

     Thứ nhất, để phát triển nền kinh tế số, trước tiên cần đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức, đặc biệt cần thống nhất nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước. Đi liền với đó là phát huy sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Tức là sự vào cuộc của toàn xã hội.

     Thứ hai, cần xây dựng hoàn thiện thể chế trong điều kiện nền kinh tế số; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội… để tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Khâu quan trọng trong hoàn thiện thể chế chính là cần đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng; đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.

     Thứ ba, trong xu thế hội nhập, để phát triển nền kinh tế số Việt Nam cần chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số. Đẩy mạnh hoàn thiện các chính sách tài chính, pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra. Có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp như triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia.

     Thứ tư, đẩy mạnh hoàn thiện các chính sách tài chính, pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia. Khuyến khích các công ty đa quốc gia đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Tích cực hoàn thiện pháp luật, chính sách về tài chính - tiền tệ, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển nền kinh tế số.

     Một trong những khâu quan trọng để phát triển nền kinh tế số chính là đẩy nhanh xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Xúc tiến nhanh sự hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất.

     Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Chuyển đổi số được Việt Nam đặc biệt coi quan trọng. Đảng, Nhà nước và chính phủ cũng đã đồng loạt vào cuộc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Muốn đi đến thành công thì toàn Đảng, toàn dân phải đoàn kết một lòng với quyết tâm chính trị cao, quyết tâm vươn lên không sợ khó, không sợ khổ và với khát vọng làm giàu, khát vọng Việt Nam phát triển, Việt Nam nhất định thành công trên con đường phát triển đất nước, con đường đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế số, xã hội số trong thời gian ngắn nhất có thể và tranh thủ tốt nhất mọi thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đi đến CNXH, để Việt Nam trở thành một nước thực sự: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

     Tài liệu tham khảo:

     1. Quyết định số 749-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ngày 03/6/2020.

     2. Lê Quốc Lý (2021). Nền kinh tế số - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb Lao động.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quan-diem-phat-trien-nen-kinh-te-so-o-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com