Thứ tư, 22.02.2023 GMT+7

CẬP NHẬT, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 27-NQ/TW CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VÀO GIẢNG DẠY PHẦN HỌC “CNXH VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CNXH Ở VIỆT NAM”

Hội nghị lần thứ sáu khóa XIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, cho ý kiến và ban hành các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng với đất nước và sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay, đưa ra những định hướng trong thời gian tới. Trong các nghị quyết được thông qua và ban hành tại Hội nghị Trung ương sáu khóa XIII có Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ quan điểm, mục tiêu, trọng tâm và những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là những nội dung, vấn đề mới cần được quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện không chỉ trong Đảng, với các đảng viên mà cần lan rộng tới toàn thể nhân dân và toàn xã hội. Trong giảng dạy lý luận chính trị cần phải cập nhật vào nội dung bài giảng để góp phần vào công tác phổ biến, tuyên truyền và vận dụng thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

     Khi giảng dạy phần học “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, giảng viên cần bổ sung, cập nhật nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới để làm rõ và đảm bảo tính thời sự, kịp thời của nội dung bài học. Cụ thể:

     Trong bài 22: Đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, khi giảng dạy đặc trưng thứ bảy: Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo cần bổ sung, cập nhật nội dung Mục tiêu tổng quát mà Đảng ta đã nêu ra trong Nghị quyết: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”.

     Với bài 23: Những phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, khi giảng dạy mục 7: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, giảng viên cần cập nhật nhiều nội dung của Nghị quyết vào giảng dạy. Với tiểu mục 7.1. Nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, giảng viên cần giới thiệu quan điểm và cập nhật mục tiêu cụ thể, nội dung trọng tâm trong Nghị quyết 27 để học viên nắm được quan điểm, chủ trương mới nhất của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Học viên cần nắm được: 

     Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

     - Hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán. Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, được kiểm soát hiệu quả.

     - Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp.

     - Hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; bảo đảm Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội; phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương; cơ bản hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.

     - Hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

     - Tổ chức bộ máy nhà nước cơ bản tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, liêm chính, chí công, vô tư.

     Trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn hiện nay:

     - Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.

     - Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

     - Ðẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

     Ở tiểu mục 7.2. Biện pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của bài 23, giảng viên cần cập nhật 10 nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới:

     - Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

     - Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

     - Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

     - Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

     - Tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp.

     - Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

     - Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

     - Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

     - Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

     - Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

     Việc cập nhật, bổ sung nội dung này sẽ giúp học viên nắm được mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong quá trình xây dựng Nhà nước Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Bên cạnh đó, người học cũng nắm được những nội dung mới nhất, tổng quát nhất trong xây dựng Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, việc giảng viên cập nhật nội dung nghị quyết mới của Đảng vào giảng dạy, nghiên cứu cũng góp phần tuyên truyền và đưa nghị quyết đến với nhân dân.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cap-nhat-bo-sung-mot-so-noi-dung-cua-nghi-quyet-so-27-nqtw-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-vao-giang-day-phan-hoc-cnxh-va-con-duong-di-len-cnxh-o-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com