Thứ tư, 22.02.2023 GMT+7

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, XUYÊN TẠC CHỐNG PHÁ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã nêu ra 07 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 35, Đảng đã xác định mục tiêu, phương châm chỉ đạo xuyên suốt và thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra. Trong đó, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là một giải pháp cấp thiết.

          Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên phong. Để đấu tranh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết phải bảo vệ vững chắc nội bộ. Nội bộ đoàn kết, không dao động, không "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thì các thế lực thù địch dù có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt đến mấy cũng khó bề làm lung lay ý chí, niềm tin của quần chúng Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì thế, việc đầu tiên là cần có biện pháp đấu tranh, khắc phục, thực trạng: một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ phai nhạt lý tưởng mà còn thiếu niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh phê phán triệt để hệ tư tưởng cá nhân, tư sản, tư tưởng xã hội dân chủ, chủ nghĩa thực dụng tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tiếp tục khẳng định chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là con đường duy nhất đúng, bởi nó vừa thể hiện tính cách mạng triệt để, vừa phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Bên cạnh đó, việc củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị, hệ thống chính trị xã hội và nhân dân cần được tăng cường; phê phán, bác bỏ các quan điểm, tư tưởng và ý đồ thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Việc phát hiện, xử lý kịp thời những âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng từ các thế lực thù địch, vạch mặt những phần tử cơ hội chính trị, ngăn chặn những hành vi xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, ngăn chặn sự chia rẽ mối đoàn kết gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và lực lượng vũ trang phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, cụ thể là của bộ máy chính quyền các cấp phải được nâng cao; xử lý đúng đắn những mâu thuẫn nội bộ trong các tầng lớp Nhân dân; không để tích tụ, tạo tâm lý bất bình và các "điểm nóng" về an ninh trật tự trong xã hội. Hoạt động đấu tranh, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh. Quyết tâm làm trong sạch từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng. Căn cứ vào đặc điểm, điều kiện, vị trí công tác, phạm vi nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải xây dựng kế hoạch phấn đấu hợp lý. Nội dung kế hoạch học tập, phấn đấu bao gồm: Lý luận chính trị (trình độ hiểu biết, khả năng vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước), rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng ý thức kỷ luật, luôn có ý thức gắn bó chặt chẽ với quần chúng, lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp của tập thể và quần chúng; thường xuyên kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự mình đấu tranh với chính mình trước mọi cám dỗ của tiêu cực xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường.

          Về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ bổn phận, trách nhiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Phải nhận thức rõ rằng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, của cơ quan tuyên giáo, mà là trách nhiệm của chính mình. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối tránh thái độ thờ ơ khi bắt gặp những luận điệu xuyên tạc, đả kích nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn phải xuất phát từ những hành động cụ thể gắn với công việc, cuộc sống hằng ngày; không xa hoa, không lãng phí, không gây mất đoàn kết nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là trung tâm của trí tuệ, hạt nhân của sự đoàn kết, thống nhất ở địa phương, trong cơ quan công tác; giữ vững niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi phát hiện các trường hợp cán bộ, đảng viên hoặc người dân có những phát ngôn thể hiện sự bất mãn hay thái độ thiếu nghiêm túc khi bình luận về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về Đảng, hay thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội có biểu hiện lệch lạc, không đúng mực về một số vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội thì cán bộ, đảng viên phải kịp thời báo cáo cấp ủy; đồng thời chủ động phân tích, khuyên can để chấn chỉnh nhận thức, đả thông tư tưởng cho họ. Chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn, tuyệt đối không im lặng cho qua, vì im lặng cho qua sẽ khiến cán bộ, đảng viên hoặc người dân đó tự huyễn hoặc và ngộ nhận, cho rằng mình nghĩ đúng, hiểu đúng, nói đúng nên không ai lên tiếng hoặc không dám lên tiếng phản đối.
Mặt khác, cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội vừa là một thành viên, vừa phải thực hiện được vai trò nêu gương của mình; cẩn trọng khi tham khảo, sử dụng thông tin đăng tải trên mạng xã hội; thông tin thiếu kiểm chứng về nguồn gốc; thông tin có sự sai biệt so với thông tin chính thức. Mỗi người phải hành động một cách lý trí khi đăng tải bài viết, biểu thị cảm xúc, thích hoặc chia sẻ các liên kết và khi tham gia những cuộc thảo luận về các chủ đề trên mạng xã hội; tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp mỗi ngày, đồng thời phản biện lại những thông tin sai trái, phiến diện của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt những nhiệm vụ và trách nhiệm của mình nêu trên sẽ góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch ngăn chặn hiệu quả, giảm tác hại từ những âm mưu, chiêu trò, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần ổn định tư tưởng xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trong giai đoạn hiện nay.

          Để nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong đấu tranh ngăn chặn luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch hiện nay, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

          Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đấu tranh ngăn chặn luận điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm phát huy tốt hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục của cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên. Quán triệt các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh ngăn chặn luận điểm sai trái của các thế lực thù địch với vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường tuyên truyền, vận động thu hút đông đảo quần chúng nhân dân từ thành phố đến vùng nông thôn, từ đồng bằng đến vùng núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ở những nơi đặc biệt khó khăn để nhân dân tích cực hưởng ứng tích cực việc đấu tranh ngăn chặn, phản bác các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch.

          Hai là,xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc triển khai các nhiệm vụ đấu tranh, phản bác, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ quan, đơn vị. Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh chính trị, bí thư cấp ủy là người lãnh đạo cao nhất tại địa phương. Xác định vai trò của cấp ủy trong việc chỉ đạo tổ chức, xây dựng lực lượng đấu tranh trên không gian mạng. Tăng cường sự phối hợp đấu tranh giữa các cơ quan, đơn vị nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo 35 và có sự thống nhất hoạt động của Ban chỉ đạo 35 từ Trung ương đến địa phương.

          Ba là, xây dựng đông đảo lực lượng đấu tranh, nâng cao chất lượng của đội ngũ báo cáo viên, biên tập viên trong hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các tòa soạn báo, trang tin điện tử. Đảm bảo đội ngũ làm báo có năng lực chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có ý chí chiến đấu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Xây dựng lực lượng đấu tranh trên không gian mạng nhằm huy động các lực lượng phối hợp là các nhà báo, đội ngũ trí thức là giảng viên ở các trường đại học, các viện nghiên cứu tham gia đăng bài, huy động các cây bút sắc sảo là cán bộ, đảng viên, hưu trí, lão thành cách mạng tham gia bút chiến trên không gian mạng. Tổ chức mạng lưới các cộng tác viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu công nghệ thông tin tham gia tác chiến trên không gian mạng (like, share, comment, report...). Sử dụng thông tin tuyên truyền trên trang tuyên truyền chính thức để thông tin đến với đông đảo người đọc.

          Bốn là, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên truyền đấu tranh. Đặc biệt cần trang bị tốt kiến thức, kỹ năng ứng phó với các tình huống xảy ra để đội ngũ cán bộ, đảng viên vận dụng sáng tạo sự chỉ đạo của cấp trên vào các tình huống đấu tranh cụ thể. Thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng các kỹ năng xử lý tình huống, xử lý khủng hoảng truyền thông, kỹ năng tuyên truyền trên lĩnh vực an ninh tư tưởng cho đội ngũ báo cáo viên, tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ năng “đối thoại” cho cán bộ, đảng viên nhằm kịp thời cung cấp thông tin và trang bị kỹ năng, nghiệp vụ đấu tranh.

          Năm là, có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ viết bài, cộng tác viên tuyên truyền. Khen thưởng đúng những người hoàn thành tốt trách nhiệm đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của thế lực thù địch. Xử phạt, kỷ luật nghiêm người làm sai nhiệm vụ dẫn đến lộ lọt thông tin bí mật gây hậu quả. Xây dựng chính sách tốt để thu hút, tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực giỏi quản lý thông tin mạng, đặc biệt là những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, ưu tiên những người giỏi ngoại ngữ đảm bảo chống lại được lực lượng thù địch sử dụng mạng để tuyên truyền.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-giai-phap-nang-cao-trach-nhiem-cua-doi-ngu-can-bo-dang-vien-trong-dau-tranh-phan-bac-luan-dieu-sai-trai-xuyen-tac-chong-pha-nen-tang-tu-tuong-cua-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com