Thứ ba, 31.01.2023 GMT+7

Một số vấn đề khi soạn giáo án giảng dạy các bài “Kiến thức bổ trợ” - Chương trình Trung cấp lý luận chính trị

Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc Ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khối “Kiến thức bổ trợ” được thiết kế đưa vào giảng dạy, bao gồm 15 bài với mục tiêu làm sâu sắc hơn một số vấn đề lý luận đã học trong chương trình đồng thời cập nhật những vấn đề thực tiễn mới đang đặt ra trên một số lĩnh vực như: Quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; vấn đề cán bộ, công chức, viên chức; vấn đề phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; vấn đề quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; vấn đề bảo vệ môi trường. Các bài học được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức cấp phòng và tương đương; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; cán bộ lực lượng vũ trang nhân dân.

          Xuất phát từ thực tiễn yêu cầu về nội dung kiến thức, đối tượng người học, để có giáo án khoa học, công phu, bài giảng hay, cuốn hút, giảng viên khi soạn bài cần tập trung những vấn đề sau:

          Một là, khi soạn bài giảng, giảng viên phải nắm chắc, tuân thủ đúng mẫu giáo án theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc Ban hành quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc thực hiện đúng quy định về mẫu giáo án giảng sẽ thể hiện được tính khoa học, tính logic trong bài giảng, tiết giảng; các bước sẽ tiến hành giảng, các phương pháp và phương tiện, thời gian thực hiện trong mỗi phần nội dung kiến thức của bài học, từ đó giúp giảng viên chủ động được khung kiến thức và phương pháp, cũng như lượng thời gian sẽ sử dụng trong mỗi phần kiến thức của bài.

          Hai là, trong khi soạn giảng, giảng viên cần xác định được mục tiêu cần đạt qua bài giảng, bao gồm về kiến thức, về kỹ năng và về tư tưởng. Có thể nói, việc xác định được mục tiêu một cách rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và chính xác giúp giảng viên lựa chọn và sắp xếp kiến thức và lựa chọn phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học viên.    

          Ba là, nghiên cứu kỹ giáo trình và tìm kiếm các tài liệu chuẩn bị cho bài giảng.Khối kiến thức bổ trợ là một nội dung mới trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị ở các trường chính trị tỉnh hiện nay. Hơn nữa, nội dung các chuyên đề bài giảng của khối kiến thức này có tính thực tiễn khá cao; tích hợp nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Chính vì vậy, giảng viên khi soạn giảng cần nghiên cứu kỹ giáo trình để nắm bắt các nội dung cơ bản nhất sẽ truyền đạt đến học viên. Đồng thời, một trong những công việc hết sức quan trọng là cần cập nhật kiến thức mới, những nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, nghị quyết của tỉnh, của địa phương vào trong bài giảng; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật mới của Nhà nước; tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch.

          Mặt khác, giảng viên cần dành thời gian nghiên cứu, tham khảo những tài liệu có liên quan đến nội dung bài giảng để có thể hiểu sâu, hiểu thấu đáo các vấn đề; từ đó làm cho việc trình bày các kiến thức của bài giảng được thực hiện một cách tự tin, chính xác, sâu sắc. Bởi lẽ, kiến thức được chuẩn bị trong bài giảng phong phú bao nhiêu thì bài giảng lại càng có sức thuyết phục bấy nhiêu. 

          Bốn là, trong quá trình soạn giảng, đòi hỏi giảng viên cần xác định đúng nội dung cốt lõi hay vấn đề trong tâm của bài giảng. Trong mỗi bài học có nhiều nội dung, việc xác định chính xác nội dung cốt lõi của bài giảng giúp giảng viên chủ động hơn về nội dung kiến thức cũng như phân bổ thời gian cho từng nội dung hợp lý và khoa học hơn. Việc xác định kiến thức trọng tâm rất quan trọng, quyết định hướng đi của buổi giảng. Bởi vì khi xác định đúng, bài giảng của giảng viên sẽ trở nên cô đọng, súc tích, vững chắc và đạt được mục tiêu bài học.

          Năm là, nội dung bài giảng phải được thể hiện đầy đủ, chi tiết trong giáo án. Trong từng nội dung, gắn liền với việc phân tích, diễn giải làm rõ các ý chính mang tính chất lý luận là những ví dụ, dẫn chứng minh hoạ nhằm làm rõ nét hơn những kiến thức lý luận. Nội dung giáo án phải thể hiện đầy đủ kể cả những vấn đề liên hệ thực tế hay những ví dụ cụ thể để minh họa nhằm làm tăng tính thuyết phục, làm phong phú, sinh động thêm nội dung bài giảng. Các ví dụ cần mang tính khái quát, mang tính đại diện cao. Việc thể hiện chi tiết phân tích bài giảng, ví dụ minh họa trong giáo án là hết sức cần thiết, tránh những sai xót trong quá trình giảng như: Phân tích, dẫn chứng ví dụ thiếu khoa học, không mang tính đại diện, thậm chí ngẫu hứng sai về mặt tri thức,…

          Sáu là, trong khi soạn giáo án bài giảng, giảng viên cũng cần thể hiện phần định hướng cho học viên, nhất là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý ở cơ sở nhìn nhận, đánh giá, vận dụng nội dung kiến thức bài học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn ở cơ sở. Đây là một nội dung rất quan trọng trong giáo án của giảng viên, là một yêu cầu để bài giảng đi vào trong cuộc sống, để rèn luyện kỹ năng và định hướng tư tưởng cho người học, cũng như phản ánh tính chiến đấu, tính đảng của một bài giảng lý luận chính trị. 

          Nhìn chung, chuẩn bị tốt giáo án là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định trong chất lượng bài giảng khối Kiến thức bổ trợ trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, góp phần trực tiếp vào việc triển khai thực hiện tốt quy định mới về soạn giáo án theo quy định của Học viện; cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, đáp ứng yêu đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh hiện nay.

TS. Nguyễn Thị Lan

Khoa Lý luận cơ sở

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-van-de-khi-soan-giao-an-giang-day-cac-bai-kien-thuc-bo-tro-chuong-trinh-trung-cap-ly-luan-chinh-tri
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com