Thứ hai, 30.01.2023 GMT+7

Một số kỹ năng cơ bản của cán bộ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng được xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mục tiêu tổng quát của Chương trình xây dựng nông thôn mới là: Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế từng bước hiện đại, có cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường văn hóa được bảo vệ, an ninh trật tự an toàn, xã hội được giữ vững, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

     Sau khi triển khai thực hiện trên toàn quốc, Chương trình đã thu được những kết quả bước đầu; nhiều mô hình, nhiều cách làm hiệu quả ở các địa phương đã được ghi nhận và nhân rộng, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 11/2022: Cả nước có 5.869/8.225 xã (71,4%) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; 05 tỉnh là:Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

     Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố cơ bản là kỹ năng và tâm huyết của đội ngũ cán bộ cơ sở. Để phát huy hơn nữa vai trò trong xây dựng nông thôn mới,đội ngũ cán bộ cơ sở cần tiếp tục rèn luyện, bồi dưỡng, phát huy một số kỹ năng cần thiết sau:

     Thứ nhất, kỹ năng lập kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

     Từ kế hoạch của Trung ương, của tỉnh, của huyện, mỗi xã phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể cho địa phương mình. Nếu xã nào xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương thì sẽ phát huy được thế mạnh, lợi thế và đạt được các tiêu chí sớm nhất; xã nào không chủ động, không xây dựng được quy hoạch, kế hoạch riêng cho mình thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện xây dựng nông thôn mới. Muốn có bản quy hoạch, kế hoạch cụ thể, chi tiết, phù hợp với thực tiễn thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương phải có kỹ năng xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch tốt. Để làm được điều đó người cán bộ cơ sở phải xác định rõ các tiêu chí xã nông thôn mới cần thực hiện trong thời gian cụ thể gắn với điều kiện, đặc thù của địa phương về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội và các nguồn lực. Bên cạnh đó, cần xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân; cách thức thực hiện, sự phối hợp trong lãnh đạo, điều hành giữa Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể để tạo sự thống nhất, đồng bộ, phát huy hết lợi thế và tránh sự trùng lặp, chồng chéo.

     Thứ hai, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện mục tiêu, chương trình xây dựng nông thôn mới.

     Thực tế đã chứng minh, trong xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền, vận động là một trong những biện pháp cơ bản, quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện. Cán bộ cơ sở cần tập trung tuyên truyền chủ trương,đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và Quyết định số 319/QĐ-TTg về quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, vai trò chủ thể của nông dân, trách nhiệm của tổ chức Hội; những gương tập thể và cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật; đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tham gia đóng góp công sức xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn.

     Chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng đa dạng, phù hợp, thiết thực và hiệu quả như tuyên truyền miệng; tuyên truyền thông qua sử dụng hệ thống thông tin đại chúng; tuyên truyền thông qua các hình thức trực quan như khẩu hiệu, panô, áp phích, tranh ảnh, tờ rơi; tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tổ chức tổ chức các hội thi “Tuyên truyền viên giỏi”, “Nhà nông đua tài”; tuyên truyền thông qua các hoạt động tham quan thực tế, học tập gương người tốt, việc tốt.

     Thứ ba, kỹ năng thu thập, xử lý thông tin trong lãnh đạo, điều hành.

     Trong xây dựng nông thôn mới, sau khi chương trình, kế hoạch đã được thông qua, các quyết định đã thống nhất, trong quá trình triển khai thực hiện đội ngũ cán bộ cơ sở cần phải thường xuyên nắm tình hình, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra để thực hiện; cập nhật thông tin các cấp, các ngành chỉ đạo và đặc biệt là thông tin từ thực tiễn, từ người dân để có sự chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp. Cụ thể khi đưa các tiêu chí, nội dung trong xây dựng nông thôn mới vào thực hiện ở các địa phương thì có một số tiêu chí và nội dung có thể dễ đạt được ở địa phương này nhưng lại khó, thậm chí không thể đạt được ở địa phương khác. Vì vậy, khi triển khai thực hiện, cán bộ lãnh đạo địa phương phải nắm rõ thông tin định hướng của cấp trên đồng thời nắm được thông tin từ thực tế (số liệu, báo cáo...), đặc biệt là ý kiến của người dân để báo cáo lên cấp trên hoặc có những điều chỉnh cho phù hợp. Yêu cầu thông tin đến với cán bộ lãnh đạo phải đầy đủ, chính xác và kịp thời.

     Có thể khẳng định, Chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự là luồng gió mới, tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và góp phần to lớn làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được; nhân rộng những mô hình, những cách làm hay để các địa phương học tập và một điều quan trọng là cần quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở thực sự có năng lực, vững vàng về bản lĩnh và thành thạo về kỹ năng lãnh đạo, điều hành, tuyên truyền, vận động để tiếp tục công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên phạm vi cả nước.

                                                           ThS. Trần Thị Hải Yến

Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-ky-nang-co-ban-cua-can-bo-co-so-trong-xay-dung-nong-thon-moi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com