Thứ sáu, 27.01.2023 GMT+7

Hiệp định Pari năm 1973 - Hành trình khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Câu nói đã thể hiện khát vọng hòa bình, trở thành động lực cho cả dân tộc Việt Nam trong suốt những năm tháng lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Thắng lợi của Hiệp định Pari vào ngày 27/01/1973 là kết quả của cuộc đấu trí đầy cam go, thử thách giữa ta với Mỹ, thể hiện bản lĩnh chính trị tự chủ, sáng tạo cùng khát vọng hòa bình của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần quan trọng kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ - Ngụy của dân tộc.

     Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 13, tháng 01/1967 chỉ rõ: "Ðấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định. Thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường". Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng, cùng với mặt trận quân sự, ta đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Tháng 6/1967, sau nhiều lần tìm hiểu ý đồ của Mỹ trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã tính toán và lập kế hoạch cho một trận đánh quyết liệt, hứa hẹn sẽ gây nên “một cú đập lớn”để buộc Hoa Kỳ phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam.

     Cuộc tổng tiến công và nổi dậy dịp Tết Mậu Thân 1968 của quân dân ta ở miền Nam và những thắng lợi của miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ đã buộc đế quốc Mỹ đơn phương xuống thang chiến tranh bằng việc chấm dứt ném bom xuống miền bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, đồng thời cử đại diện đàm phán với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa nhằm tìm một giải pháp cho cuộc chiến tranh Mỹ - Việt Nam.

     Ngày 13/5/1968, cuộc họp chính thức đầu tiên giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ khai màn cho quá trình đàm phán trên bàn hội nghị. Tuy nhiên, phải đến ngày 16/01/1969, hội nghị 04 bên gồm: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam), Mỹ, Việt Nam cộng hòa (chính phủ Ngụy Sài Gòn) mới chính thức bắt đầu. Cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán diễn ra phức tạp, gay go và luôn gắn chặt với diễn biến trên chiến trường “gắn chiến trường với đàm phán, đàm phán phục vụ chiến trường”. Cuối tháng 3/1971, sau những thắng lợi quan trọng của ta ở Đông Bắc Campuchia và Ðường 9 - Nam Lào, mặt trận đấu tranh ngoại giao có điều kiện thuận lợi hơn để ép Mỹ xuống thang chiến tranh, tiếp tục nghiêm túc đàm phán với các điều khoản do Việt Nam đưa ra.

     Ðể tăng sức ép với Mỹ, ta đã phát huy thế chủ động trên chiến trường, tăng cường các cuộc đấu tranh trên mặt trận quân sự. Ngày 30/3/1972 ta mở cuộc tổng tấn công chiến lược xuân hè đánh trên 05 mặt trận lớn, phá nát tuyến phòng thủ mạnh nhất của Mỹ Ngụy ở miền Nam. Ngày 13/7/1972, Tổng thống Mỹ chấp nhận họp lại Hội nghị 04 bên tại Pari. Đến ngày 20/10/1972, Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận trong đó có nội dung Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân tại miền Nam Việt Nam và dự định ký chính thức vào ngày 31/10. Tuy nhiên sau đó, lấy lý do chính quyền Thiệu kiên quyết từ chối, Mỹ đưa ra một số yêu cầu sửa đổi khoảng 70 điểm đã thỏa thuận, trong đó có nội dung yêu cầu phía miền Bắc Việt Nam phải rút quân. Trong suốt các cuộc đàm phán các bên vào tháng 11, các điều khoản sửa đổi phía chính quyền Thiệu đưa ra bị bác bỏ. Đến tháng 12/1972, chỉ còn một vấn đề quan trọng duy nhất cần giải quyết là vấn đề vĩ tuyến 17. Ngày 12/12/1972, trong một cuộc họp riêng, cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger đã thỏa thuận đợi Lê Đức Thọ về Hà Nội xin ý kiến của Bộ Chính trị rồi bàn tiếp về vĩ tuyến 17. Thế nhưng, ngày 18/12/1972, ngay khi cố vấn Lê Đức Thọ vừa về đến Việt Nam, Mỹ đã dội trận mưa bom ở miền Bắc bằng cuộc tập kích chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm (từ 18 đến 29/12/1972) với âm mưa “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, tạo sức ép trên bàn đàm phán, nhưng Mỹ đã thất bại. Mỹ buộc phải ký chính thức Hiệp định về chấm dứt  chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào buổi chiều ngày 27/01/1973. Vậy là, cuộc đấu trí, đấu lý gay go, căng thẳng trên bàn đàm phán Pari giữa ta và Mỹ diễn ra trong 04 năm 08 tháng 16 ngày (từ tháng 5/1968 đến tháng 01/1973), với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn đã kết thúc với thắng lợi thuộc về ta, mở đường cho thắng lợi mùa xuân năm 1975, thống nhất Tổ quốc.

     Toàn cảnh phòng họp nơi ký tắt Hiệp định Paris, ngày 27/01/1973

 (Nguồn: Ảnh TTXVN)

     50 năm đã qua đi (1973 - 2023) nhưng giá trị của sự thắng lợi Hiệp định Pari vẫn còn nguyên giá trị, để lại những bài học quý báu cho nền ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là phương châm “nguyên tắc vững chắc, sách lược linh hoạt” và luôn giữ vững bản lĩnh độc lập, tự chủ, tích cực chủ động, sáng tạo để tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua nguy cơ, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

          ThS. Hoàng Thị Phương Thảo

                                                                        Khoa Xây dựng Đảng

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=hiep-dinh-pari-nam-1973-hanh-trinh-khat-vong-hoa-binh-cua-dan-toc-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com