Thứ năm, 12.01.2023 GMT+7

Biện pháp khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên phải coi trọng việc học tập và xác định đó là một nhiệm vụ quan trọng. Người chỉ rõ: “Học tập là công việc suốt cuộc đời” và phải học toàn diện; trong đó, học tập lý luận chính trị (LLCT) một cách hăng say, bền bỉ, để nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, để đi đúng đường lối nhân dân, để làm người, làm việc, làm cán bộ.

     Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của mạng internet và mạng xã hội, nhiều hình thức giải trí mới cuốn con người, nhất là các bạn trẻ vào vòng xoáy của “thế giới ảo” trên không gian mạng, tình trạng con người trở nên lười nghiên cứu, lười học hỏi trở nên phổ biến. Đặc biệt, đối với những bộ môn được coi là khô khan như “lý luận chính trị”, các bạn trẻ lại càng lười học, ngại học hơn.

     Lớp Trung cấp LLCT Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh khóa 1 (năm học 2022 - 2023) có 70 học viên đến từ các cơ quan, đơn vị khác nhau. Thời gian học tập từ đầu khóa đến nay chưa dài nhưng lớp học đã thể hiện khá rõ những ưu điểm như: Đa số học viên ý thức được tầm quan trọng của việc học LLCT nên có thái độ học tập nghiêm túc, chấp hành tốt nội quy, quy chế lớp học; trong giờ học tích cực chủ động lĩnh hội tri thức ngay trên lớp, một số học viên phát huy được năng lực của bản thân, về nhà có ý thức dành thời gian đọc tài liệu, tham khảo giáo trình để vận dụng kiến thức đã được học vào trong công tác.

     Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, lớp học còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như: Còn hiện tượng đi học muộn, quên giáo trình, một số học viên chưa chủ động, tích cực phát biểu xây dựng bài, số ít còn sử dụng điện thoại trong giờ học, có học viên ghi chép bài chưa đầy đủ các nội dung bài giảng... Điều này cho thấy, có biểu hiện lười học chính trị, ngại học chính trị ở một bộ phận học viên; do vậy, cần có giải pháp tích cực từ cả nhà trường, thầy cô giáo, ban cán sự lớp và cá nhân mỗi học viên thì mới khắc phục được những hạn chế nêu trên.

     Để khắc phục tình trạng này, cô giáo chủ nhiệm, các giảng viên lên lớp đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chia lớp học thành các tổ, phân công tổ trưởng, tổ phó để đôn đốc học viên học tập. Cùng với đó, các thầy cô còn tổ chức bài giảng theo hình thức tăng phần hỏi đáp, gắn lý luận với thực tiễn để khích lệ học viên sáng tạo trong học tập LLCT. 

 

Quang cảnh một tiết học của lớp Trung cấp LLCT Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh khóa 1

     Lớp thường xuyên có những hoạt động ngoài giờ, xây dựng đề cương theo từng nội dung đề mục khác nhau để học viên trong lớp nắm được dàn ý chính của bài học. Đồng thời, thường xuyên sưu tầm tài liệu, hình ảnh, thông tin về các nội dung của bài học trên nhóm chung, góp phần tạo hứng thú, thói quen nghiên cứu và chia sẻ thông tin về LLCT cho các học viên trong lớp. 

     Về lâu dài, để khắc phục tình trạng lười học, ngại học LLCT, cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của LLCT, kiến thức lý luận cho cán bộ, đảng viên. Một trong những biện pháp rất quan trọng là phải đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục LLCT, làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thấy rõ việc học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận là quyền lợi và trách nhiệm của mình; coi đó là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời, không bao giờ là đủ. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục triệt để cách nhìn nhận học LLCT không vì mục đích tự hoàn thiện mình, mà vì lý do thăng tiến, lấy bằng cấp, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Các nhà trường cần đổi mới toàn diện công tác giáo dục LLCT. Đây là giải pháp quan trọng, có tác động trực tiếp đến các chủ thể của công tác giáo dục LLCT đó là “dạy và học”.   

     Những năm gần đây, Trường Chính trị tỉnh đã có sự đổi mới trong công tác dạy và học LLCT. Trong các bài giảng của thầy, cô giáo đã gắn lý luận với thực tiễn, chú trọng các bài thực hành gần gũi với công việc, cuộc sống của mỗi học viên, từ đó khơi dậy hứng thú, chủ động, tự giác tìm hiểu, xử lý tình huống trong các bài học, từng bước khắc phục tình trạng ngại học LLCT trong học viên. 

     Cùng với đổi mới nội dung, chương trình dạy học, nhà trường cũng cần thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục LLCT, theo hướng động viên, khích lệ, tạo hứng thú cho người học. Bởi lẽ, mục đích của việc học tập LLCT là để thấm nhuần quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… để đưa vào cuộc sống xã hội. Do đó, đổi mới hình thức, phương pháp có tác động trực tiếp đến động cơ, thái độ học tập của cán bộ, đảng viên, tạo cho họ lòng say mê, thường xuyên tự học tập, tự tu dưỡng để nâng cao trình độ LLCT, đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. 

     Hằng năm, nhà trường đều tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề như “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”; Tọa đàm kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân các ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh. Học viên đang theo học tại nhà trường được tham gia tham luận, từ đó làm sâu sắc hơn nhận thức của học viên về các vấn đề được thảo luận, tọa đàm; đồng thời, khích lệ việc tự học, tự nghiên cứu lý luận để áp dụng vào thực tiễn sinh động. 

     Việc tích cực học tập LLCT, nâng cao trình độ là thể hiện trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, tầm, trí tuệ, đạo đức để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: việc “lười học tập LLCT trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Chính vì vậy, hiểu rõ “căn bệnh” nguy hiểm này, cùng những hệ lụy của nó để đề ra giải pháp khắc phục là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đặc biệt, với mỗi đảng viên trẻ, việc khắc phục tình trạng lười học, ngại học LLCT cũng chính là một thử thách để rèn luyện bản thân, nâng cao trình độ, bản lĩnh, trí tuệ của người đảng viên, đóng góp tích cực cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

                                        ThS. Phạm Thị Hồng Thúy

                             Học viên lớp Trung cấp LLCT ĐUK CCQ tỉnh K1

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=bien-phap-khac-phuc-tinh-trang-luoi-hoc-ngai-hoc-ly-luan-chinh-tri
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com