Thứ năm, 12.01.2023 GMT+7

Sự cảnh báo các căn bệnh trong công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giải pháp cho Đảng ta hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ, đồng thời Người rất “nhạy cảm” nhận diện những căn bệnh tiềm ẩn trong đó. Sau gần một thế kỷ, những cảnh báo đó của Người vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc đấu tranh đẩy lùi các căn bệnh nguy hại trong công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

     1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo về các căn bệnh trong công tác cán bộ

     Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người cũng đã dành nhiều tâm sức để dày công rèn luyện đội ngũ cán bộ ở nước ta. Với một nhãn quan chính trị đặc biệt, có khả năng dự đoán thiên tài, Người đã sớm chỉ ra nhiều căn bệnh trong công tác cán bộ của Đảng:

     Thứ nhất, đó là căn bệnh cô độc, hẹp hòi. Biểu hiện của nó chính là “khuynh hướng chật hẹp và bao biện. Việc gì cũng do Việt Minh làm”1, không biết huy động công sức của người khác vào sự nghiệp cách mạng. Đó là thái độ thiếu tin cậy, nhìn người chỉ nhìn vào khuyết điểm trong khi người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Đó còn là sự phân biệt người trong Đảng - người ngoài Đảng; đối với người ngoài Đảng nhiều khi quá khắt khe. Căn bệnh “dốt lý luận, coi khinh lý luận” của không ít đảng viên còn dẫn đến sự nghi kỵ đối với tầng lớp trí thức và quy kết họ là “lý luận suông”. Căn bệnh hẹp hòi hết sức nguy hiểm bởi nó không chỉ ngăn trở sự đoàn kết trong Đảng mà còn làm tổn hại khối đại đoàn kết toàn dân, làm cho Đảng rời xa dân chúng, trở nên cô độc mà “cô độc thì nhất định thất bại2.

     Thứ hai, đó là căn bệnh tư túng, bè phái, cánh hẩu. Biểu hiện của nó là “ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là việc hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”3. Phê phán căn bệnh này, Hồ Chí Minh nói rõ: Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất, làm Đảng bớt mất nhân tài, làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí và gây ra những mối nghingờ.

     Thứ ba, đó là căn bệnh cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Biểu hiện của nó là “không muốn cấp trên điều động cán bộ, hoặc khi điều động thì chỉ đùn những cán bộ kém ra. Có vật liệu gì dù mình có thừa, hoặc không cần đến, cũng thu giấu đi, không cho cấp trên biết, không muốn chia sẻ cho nơi khác”4. Căn bệnh địa phương chủ nghĩa còn thể hiện ở việc thiếu đoàn kết giữa cán bộ do Trung ương phái đến và cán bộ địa phương.

     Thứ tư, đó là căn bệnh công thần, coi thường tập thể và cán bộ trẻ. Biểu hiện của nó là “việc to làm không nổi, việc nhỏ không chịu làm. Làm việc thì lờ mờ, học hành thì biếng nhác”5. Tự coi mình là bậc “tiền bối”, công trạng, kinh nghiệm có thừa nên hay “lên lớp”, “nạnh kẹ” với cán bộ trẻ, rằng “tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào, mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, chủ nhiệm”6.

     2. Nhận diện các căn bệnh trong công tác cán bộ hiện nay

     Đại hội Đảng VI (1986) thừa nhận: Những sai lầm, khuyết điểm trong hoạt động của Đảng và Nhà nước bắt nguồn từ sự trì trệ, chậm đổi mới trong công tác cán bộ. Vì thế, trong suốt thời kỳ đổi mới,công tác cán bộ được coi là vấn đề “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt” là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII (6/1997) đã ban hành Nghị quyết số 03 - NQ/TW về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Thực hiện nghị quyết đó, công tác cán bộ đã dần dần đi vào nền nếp, quy trình công tác cán bộ đã ngày càng chặt chẽ nhưng nhiều vấn nạn chưa được đẩy lùi. Trước thực trạng đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, tiếp tục khẳng định: “Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII khẳng định: “Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt: Công tác cán bộ đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng… Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện một số nội dung còn hình thức.”7. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”8. Cán bộ và công tác cán bộ không những là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là khâu then chốt trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta; điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, coi công tác cán bộ là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.     

     Có thể khẳng định: “Nổi cộm” nhất lúc này chính là căn bệnh “chạy chức, chạy quyền”với nhiều hình thức: Chạy phiếu trước khi bầu; chạy vị trí trước khi phân công công tác; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm, chạy tội trước khi điều tra, xét xử... Do việc “chạy” đã thành “thông lệ bất thành văn” nên ngay cả cán bộ đủ tiêu chuẩn cũng vẫn “chạy”… cho “chắc ăn”. Vì thăng tiến bằng con đường “chạy” nên họ phải thu hồi “vốn” bằng sự tham nhũng. Để đẩy lùi bệnh “chạy”, ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, trong đó xác định rõ thế nào là chạy chức chạy quyền, thế nào là bao che cho việc chạy chức, chạy quyền và các chế tài xử lý vi phạm tương ứng.   

     Căn bệnh “con ông cháu cha”, địa phương chủ nghĩa, cánh hẩu... cũng rất đáng lo ngại. Căn bệnh công thần, coi thường lớp trẻcũng vẫn tồn tại trong công tác cán bộ, có không ít lãnh đạo vẫn xa cách, coi thường cấp dưới, ít tin cậy lớp trẻ. “Trồng người” là việc rất công phu, nếu không quan tâm, tin cậy, trao cho lớp trẻ cơ hội khẳng định mình trong thực tiễn thì sẽ xảy ra nguy cơ hụt hẫng thế hệ kế cận. Một căn bệnh mới, được nói đến nhiều trong thời gian gần đây là căn bệnh “tư duy nhiệm kỳ”, tức là lợi dụng nhiệm kỳ công tác để làm lợi cho cá nhân, bỏ qua lợi ích của tập thể và xã hội. Biểu hiện rõ nhất của căn bệnh này là, người lãnh đạo ở “buổi hoàng hôn của nhiệm kỳ” hoặc trước khi chuyển công tác thường làm “chuyến tàu vét”, tức ký tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ tràn lan, thậm chí có sự “châm chước” hay “cho nợ” tiêu chuẩn. Một biểu hiện khác nữa là những cán bộ lãnh đạo có đủ điều kiện tái cử trong nhiệm kỳ mới thì thường rơi vào trạng thái “giữ mình”, chỉ giải quyết những vấn đề ngắn hạn, thời vụ, có lợi cho mình mà né tránh những công việc phức tạp, gai góc vì sợ “mất phiếu”.

     3. Giải pháp đấu tranh các căn bệnh trong công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

     Trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục các căn bệnh đó, cần có sự phối hợp hành động của nhiều chủ thể. Cụ thể:

     Một là, kiên trì tuyên truyền, giáo dục đạo đức nhằm nâng cao trách nhiệm, thức tỉnh lương tâm, lòng tự trọng của mỗi cá nhân khi thực thi chức phận của mình. Mấu chốt của vấn đề nằm ở tư cách đạo đức. Vì thế, phải kiên trì “gieo các hạt mầm đạo đức”, làm cho cán bộ thấm dần điều mà Hồ Chí Minh căn dặn, rằng “mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công… Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những người tài năng hơn mình”9. Họ cũng phải được cảnh báo nghiêm khắc về hậu quả của những việc “làm trái” và kết cục đen tối dành cho những kẻ tham nhũng để tự lựa chọn cách sống, cách làm việc hợp đạo lý, tránh những bi kịch về sau.

     Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, bổ sung, sửa đổi, ban hành quy định mới về công tác cán bộ theo hướng công khai, minh bạch. Trước hết, cần tập trung rà soát, điều chỉnh, sửa đổi những luật pháp, quy định không còn phù hợp. Tiếp đó, phải hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng định lượng, đa chiều, liên tục cho từng vị trí trong bộ máy công quyền, kiên quyết không cho “nợ” tiêu chí khi cất nhắc, đề bạt. Phải tiếp tục đổi mới quy trình bầu cử theo hướng mở rộng dân chủ trực tiếp, bầu cử có số dư, mở rộng quyền ứng cử, tiến cử để tránh sự áp đặt và tìm được người xứng đáng. Cần nhanh chóng xây dựng quy chế về việc “từ chức” và “buộc từ chức” để nó trở thành nếp thường trong công tác cán bộ. Đặc biệt, phải quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, của cơ quan tham mưu trong tất cả các “khâu” của công tác cán bộ theo phương châm “quyền đến đâu thì trách nhiệm đến đó”.

     Ba là, phát huy vai trò kiểm tra của Trung ương, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và tố giác sai phạm trong công tác cán bộ. Khi công tác kiểm tra có kết quả thì không chỉ kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu theo Chỉ thị của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) mà còn phải xử lý các vụ việc tiêu cực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc “không có vùng cấm”. Phải kiên quyết hủy bỏ, thu hồi những quyết định không đúng về công tác cán bộ đồng thời xử lý nghiêm, kể cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ. Phải có cơ chế khuyến khích, bảo vệ nhân dân và nhà báo tố giác, phanh phui các vụ việc tiêu cực.

     Bốn là, nâng cao trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ có thẩm quyền trong công tác cán bộ. Muốn tránh sai phạm, người làm công tác cán bộ phải thực hiện nguyên tắc “từ yêu cầu công việc mà tìm người chứ không phải vì người mà tìm việc” và “dùng người chỉ vì người”. Khi tuyển chọn, cất nhắc cán bộ thì phải dựa trên tài đức của người đó. Ngược lại, nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang thì có tội với Đảng, với nhân dân. Đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác nhân sự cũng phải là những người công tâm, chính trực, thạo chuyên môn và biết “đối nhân, xử thế”.

ThS. Đỗ Thị Thuý Hoa

           Khoa Xây dựng Đảng

     Tài liệu tham khảo:

     1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, t.4, tr.19.

     2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.278.

     3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.297.

     4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5,tr.277.

     5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.298. 

     6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.274.

     7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

     8. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.2, tr.230.

     9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.123.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=su-canh-bao-cac-can-benh-trong-cong-tac-can-bo-cua-chu-tich-ho-chi-minh-va-giai-phap-cho-dang-ta-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com