Thứ tư, 11.01.2023 GMT+7

Vận dụng phong cách năng động, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu về sự rèn luyện phẩm chất tự chủ, năng động, sáng tạo trong mọi lúc, mọi nơi. Người luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo, không giáo điều, rập khuôn, không sao chép của người khác, tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, tìm hiểu rõ bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn. Học tập và làm theo Bác về phong cách tư duy sáng tạo, các văn kiện của Đảng đề cập nhiều lần, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đã có gần 50 lần nhắc đến từ “sáng tạo”, trong đó có những từ, cụm từ đáng chú ý như: “đổi mới sáng tạo”, “khởi nghiệp sáng tạo”, “phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm”, “phát huy sức sáng tạo”, “năng lực sáng tạo”… trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân. Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nét độc đáo được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:

     Thứ nhấtquan niệm của Hồ Chí Minh về tư duy tự chủ được thể hiện sâu sắc qua cách nghĩ không lệ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi, không giáo điều. Theo Người, tự chủ tức là tự mình làm chủ mọi suy nghĩ và hành động của mình, dựa vào sức mình là chính, có tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm nhưng tự mình phải suy nghĩ, tìm tòi, tự bản thân phải thấy được trách nhiệm với công việc được giao và định ra những biện pháp nhằm giải quyết công việc của mình.

     Thứ hai, năng động là tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm và sáng tạo là sự say mê, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần hoặc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới mà không bị gò bó, phụ thuộc vào cái đã có. Sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù; sẵn sàng từ bỏ những cái cũ, lạc hậu, tìm tòi, đề xuất những cái mới để có thể trả lời được những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống đặt ra.

     Năng động là cơ sở để sáng tạo và sáng tạo là động lực để năng động. Năng động, sáng tạo là phẩm chất cần thiết của người lao động trong xã hội hiện đại, nó giúp con người có thể vượt qua những ràng buộc của hoàn cảnh, rút ngắn thời gian để đạt được mục đích đã đề ra một cách nhanh chóng, tốt đẹp. Trong xu thế phát triển của xã hội ngày nay, yếu tố năng động và sáng tạo là một trong những yếu tố cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên.

     Thứ ba, tính tự chủ, năng động, sáng tạo của Hồ Chí Minh là quá trình học hỏi, thấm nhuần sâu sắc sự chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lênin.Nhờ tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo, Người đã phát triển nhiều luận điểm mới rất quan trọng để phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với điều kiện, tình hình của Việt Nam trong quá trình hoạt động cách mạng của Người.

     Thứ tư, trong làm việc và ứng xử, Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự tự chủ, năng động, sáng tạo, tìm cách làm mới, linh hoạt. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ như là sợi dây cột chân, cột tay người ta… Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức được rằng, tư duy là điểm xuất phát của mọi việc, muốn có hành động đúng phải có tư duy đúng. Người cán bộ, đảng viên có phong cách tư duy cách mạng và khoa học sẽ luôn phát huy được tính tự chủ, năng động, sáng tạo và hoàn thành mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công.

     Hiện nay, nhà trường có tổng số 42 giảng viên và giảng viên kiêm chức, nhiệm vụ chính của giảng viên là giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH) và thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn khác theo sự phân công. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, các giảng viên của nhà trường đã luôn nghiêm túc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tính năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

     Thứ nhất, đối với nhiệm vụ giảng dạy và quản lý lớp học:

     Một là, về công tác soạn, giảng: Mỗi giảng viên đều luôn nhận thức trong công tác giảng dạy phải luôn đổi mới, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào mỗi bài giảng là vô cùng cần thiết. Vì vậy, mỗi giảng viên luôn tích cực trau dồi kiến thức, tự tìm tòi từ sách báo, đồng nghiệp, thầy cô để nâng cao năng lực giảng dạy của bản thân. Sự sáng tạo gắn liền với việc tư duy, nhận thức về những lĩnh vực khác nhau, đồng thời kết hợp với việc sử dụng các công cụ hiện đại như: các phần mềm, ứng dụng, máy tính, điện thoại thông minh… Mỗi khi soạn bài, giảng viên thường sử dụng các phần mềm để soạn giảng như: phần mềm Word, Powerpoint, làm các video clip giúp cho bài giảng có tính sinh động, dễ hiểu hơn. Đặc biệt, đối với những bài giảng cần tổng hợp nhiều bảng biểu, sơ đồ minh họa về những số liệu minh chứng cụ thể, việc soạn giáo án trình chiếu sẽ giúp cho giảng viên tiết kiệm được thời gian và truyền đạt kiến thức đến học viên một cách hiệu quả hơn. Trong nửa đầu năm 2022, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên nhà trường đã chuyển hình thức giảng dạy trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Trước đòi hỏi đó, mỗi giảng viên khi tham gia giảng dạy cũng đều được tập huấn thành thạo về kỹ năng sử dụng phần mềm Microsoft Teams để phục vụ cho việc giảng dạy và quản lý học viên.

     Đối với hoạt động tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường: Nhà trường luôn tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo trong mỗi năm học, theo đúng quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Với mỗi bài giảng, tiết giảng, giảng viên đều đổi mới, vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực để các môn học lý luận chính trị không bị khô cứng, khó hiểu, giúp bài giảng đảm bảo tính lý luận gắn liền với thực tiễn, phù hợp với mỗi địa phương, cơ sở. Sau mỗi buổi thi, Chủ tịch Hội đồng đào tạo - khoa học đều tổ chức rút kinh nghiệm tại chỗ đối với các bài thi về: giáo án; nội dung kiến thức bài giảng; phương pháp, phương tiện dạy học; phong cách sư phạm; thời gian thực hiện các nội dung bài giảng… Qua đó, các giảng viên có thể nhận biết được những ưu điểm, hạn chế của mình và tiếp thu, rút kinh nghiệm cho các bài giảng khác, giảng viên sẽ tự điều chỉnh bài giảng của mình tốt hơn, nâng cao hiệu quả hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường. 

     Hai là, về công tác quản lý lớp học: Về công tác chủ nhiệm lớp, qua việc nắm bắt toàn diện đối tượng người học, giáo viên chủ nhiệm lớp có cơ sở để tham mưu cho Lãnh đạo trường về việc đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy sát với đối tượng người học, nhằm đem lại hiệu quả cao hơn. Hiện nay, cán bộ, giảng viên của nhà trường đều sử dụng các phương pháp quản lý học viên một cách linh hoạt, sáng tạo như: việc điểm danh sĩ số học viên bằng sơ đồ, phát phiếu điểm danh vào mỗi buổi học… để đảm bảo sự chặt chẽ, khách quan, công bằng. Hay việc nhập điểm, tính điểm trung bình toàn khóa của học viên các lớp, thay cho việc làm thủ công thì hiện nay các cán bộ, giảng viên của nhà trường đều sử dụng cách tính điểm trên phần mềm Excel để tiết kiệm thời gian, đồng thời đảm bảo tính chính xác, hiệu quả cao.

     Thứ hai, đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học:

     Một là, về công tác thực hiện các đề tài NCKH: Giảng viên luôn tích cực tham gia các đề tài NCKH với tinh thần trách nhiệm cao. Hằng năm, bình quân nhà trường triển khai thực hiện từ 05 đề tài NCKH các cấp trở lên. Năm 2022, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện 05 đề tài NCKH cấp cơ sở, trong đó có 01 đề tài được hỗ trợ ngân sách của tỉnh; tiếp tục thực hiện việc tham gia biên soạn 01 đề tài NCKH cấp tỉnh; hiện nay, nhà trường đang xây dựng thuyết minh đề tài NCKH cấp Bộ năm 2022. Các đề tài NCKH đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, đều là những đề tài mới, không đi theo lối mòn sẵn có, không sao chép, cóp nhặt thành quả của các đề tài khác, đều được đánh giá cao, có tính ứng dụng tốt. Do vậy, để đảm bảo tính sáng tạo trong mỗi đề tài NCKH, các giảng viên cần tìm hiểu và nghiên cứu các nội dung, chủ đề, sáng kiến có tính mới, không trùng lặp, có tính thực tiễn cao để vận dụng vào từng cơ quan, đơn vị, địa phương và từng lĩnh vực cụ thể.

     Hai là, về việc viết bài xuất bản Bản tin “Thông tin Lý luận và thực tiễn” và Trang thông tin điện tử của nhà trường: Bản tin và Trang thông tin điện tử là kênh thông tin chính thống, diễn đàn trao đổi thông tin hữu ích thể hiện những trải nghiệm, cảm xúc, tư duy của đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường. Hiện nay, nhà trường duy trì xuất bản 02 số bản tin/năm, với dung lượng mỗi số khoảng 30 bài viết theo các chủ đề khác nhau. Trong thời gian qua, hoạt động của Trang thông tin điện tửnhà trường luôn ổn định và thường xuyên. Các thông tin tuyên truyền đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời và toàn diện về các lĩnh vực hoạt động của nhà trường trong tháng. Bình quân hằng tháng có khoảng 35 - 40 tin, bài được đăng tải. Tính đến ngày 26/10/2022, Trang thông tin điện tửcủa nhà trường đã có tổng số 3.626 bản tin và thu hút 2.104.734 lượt bạn đọc truy cập. Ngoài ra, các giảng viên còn tích cực viết bài cho các báo Trung ương và địa phương, của nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau như: Tạp chí Dân tộc, Tạp chí dạy học ngày nay, Báo Phú Thọ... Các bài báo đều là sản phẩm của sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, chất lượng bài viết tương đối tốt, được đánh giá cao.  

     Tuy nhiên, việc vận dụng phong cách năng động, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và NCKH của cán bộ, giảng viên vẫn còn một số hạn chế như: Vẫn còn một số ít tiết giảng ở một số bài giảng của giảng viên tính ứng dụng thực tiễn chưa cao, chưa áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực. Một số giảng viên chưa tích cực viết bài cho các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương; kinh nghiệm, phương pháp NCKH của một số cán bộ, giảng viên còn hạn chế, thông tin, số liệu phục vụ của một số đề tài chưa đáp ứng đẩy đủ mục tiêu đã đặt ra…

     Để việc vận dụng phong cách năng động, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và NCKH của cán bộ, giảng viên trong thời gian tới đạt kết quả tốt, cần thực hiện một số giải pháp sau:

     Đối với Ban Giám hiệu nhà trường, Lãnh đạo các khoa, phòng: Cần tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền đến mỗi cán bộ, đảng viên về giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và phong cách tư duy tự chủ, năng động, sáng tạo của Bác nói riêng để phục vụ cho công tác chuyên môn của nhà trường. Đồng thời, cần có chế độ, chính sách khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ, đảng viên làm việc tốt, tận tụy, chủ động và sáng tạo trong công việc.

     Đối với mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên: Phải luôn tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, rèn luyện phong cách tư duy, có tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo. Cần nâng cao hơn nữa kỹ năng viết bài, kỹ năng tổng hợp, không ngừng đổi mới, sáng tạo và thường xuyên trao đổi, kết hợp với việc đi nghiên cứu thực tế để lấy số liệu thực tiễn, áp dụng trong quá trình viết bài. Mỗi giảng viên cần xây dựng kế hoạch làm việc trong năm học thật khoa học, linh hoạt giữa công việc chuyên môn và các hoạt động khác để các công việc đều diễn ra thuận lợi và đạt kết quả cao. Đồng thời, mỗi cán bộ, giảng viên phải luôn nêu gương sự sáng tạo, cải tiến và nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc để lan tỏa, lôi cuốn những người khác cùng làm theo.

ThS. Hà Thị Thu Lan

                                                                                         Phòng QLĐT & NCKH

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-phong-cach-nang-dong-sang-tao-cua-chu-tich-ho-chi-minh-trong-thuc-hien-nhiem-vu-giang-day-va-nghien-cuu-khoa-hoc-cua-can-bo-giang-vien
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com