Thứ tư, 11.01.2023 GMT+7

Chuyển đổi số gắn với việc xây dựng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn trong thời gian tới

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức và cộng đồng về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số. Để chuyển đổi số phải dựa trên nền tảng bốn công nghệ số tiêu biểu là: Trí tuệ nhân tạo (AI); internet vạn vật (Tot); cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata); và điện toán đám mây (Cloud Comfruting). Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, còn gọi là Chương trình thông minh hóa quốc gia với 03 trụ cột: Chính phủ số; kinh tế số và xã hội số để xây dựng quốc gia hùng cường với thông điệp: Made in Việt Nam.

     Việc chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, đang trở thành xu thế tất yếu, tác động mạnh mẽ tới các quốc gia, khu vực. Tạo ra nguồn lực mới cho sự phát triển mới, ngành nghề mới cho xã hội, đưa con người làm việc theo một quy trình công nghệ mới, hiện đại, hiệu quả, giải phóng năng lượng, sức sản xuất xã hội; kiến thiết hạ tầng cơ sở và kiến trúc thượng tầng hiện đại với một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia lớn, tiện ích và thông minh cho khai thác, sử dụng.

     Chuyển đổi số là một trong đột phá chiến lược nhằm đưa nước ta bứt phá, đi tắt, đón đầu công nghệ thông minh để phát triển đất nước ở các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số đem lại không ít những lợi ích căn bản đáp ứng việc thực hiện quyền học tập của học sinh, sinh viên, học viên, điển hình là việc chuyển đổi số sẽ tạo ra không gian học tập mới mọi lúc, mọi nơi phù hợp với mọi đối tượng và điều kiện học tập của mỗi cá nhân để tiếp thu kiến thức, tri thức tốt nhất; loại bỏ những giới hạn về khoảng cách, tối ưu thời gian học, nâng cao tư duy cho người học; thu thập thông tin, tài liệu học tập không giới hạn với kho tàng kiến thức, tài liệu khổng lồ trên mạng internet nhờ công nghệ điện toán đám mây; tìm kiếm, khai thác phương pháp, cách thức học tập nhanh chóng bằng các tài liệu thiết bị trực tuyến; tiết kiệm được chi phí cho việc học tập; người học có nhiều sự lựa chọn khóa học, chương trình học, thời gian học, lớp học phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của bản ttrì.

     Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đương lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Đối tượng học viên của nhà trường rất đa dạng, phong phú với đặc thù là cán bộ, công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội nên việc tham gia vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên là rất cần thiết nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, việc chuyển đổi số ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.

     Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh.

     Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thông tin để phục vụ cho công tác giáo dục, quản lý và phục vụ. Hiện nay, 100% các khoa, phòng đều được trang bị máy tính, mạng intenet tốc độ cao (cả ở nhà hiệu bộ, khu ký túc xá, khu giảng đường, các hội trường, phòng họp); 100% giảng viên soạn giảng trên máy tính, giáo án điện tử đảm bảo tính khoa học, tính lôgich làm cho bài giảng ngày càng chất lượng hơn, thu hút sự quan tâm, học tập của học viên, đồng nghiệp ở mỗi tiết giảng, bài giảng của mình. Trang bị hệ thống camera giám sát để phục vụ hệ thống quản lý… trong giai đoạn chuyển đổi số, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Tuy nhiên, trước đòi hỏi ngày càng cao về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trong tình hình mới, nhà trường còn những hạn chế, khó khăn nhất định như: Một bộ phận cán bộ, giảng viên còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; hạ tầng kỹ thuật thông tin, thiết bị tin học, phần mềm ứng dụng cho việc dạy và học, quản lý học viên chưa đồng bộ; việc số hóa, cập nhật tài liệu điện tử, thư viện điện tử, phần mềm điện tử còn hạn chế; việc chia sẻ, khai thác dữ liệu chưa được phong phú, thường xuyên; việc ban hành văn bản điện tử trong quản lý, điều hành chưa được mở rộng, mới chỉ tập trung ở Lãnh đạo trường và Trưởng các khoa, phòng.

     Việc ban hành và chuyển văn bản, quản lý văn bản số theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy cũng được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường triển khai nghiêm túc và hiệu quả, đến nay nhiều văn bản của nhà trường được ban hành trên cơ sở văn bản số, số hóa chữ ký trên văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển văn bản, quản lý văn bản trong công tác điều hành, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ tới các đơn vị khoa, phòng đảm bảo nhanh, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí không cần thiết.

     Xuất phát từ những lý do trên, đặc biệt từ thực trạng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ trong điều kiện xây dựng và đạt chuẩn trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý nền nếp, thường xuyên, hiệu quả, khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX; việc xây dựng đề án trường chính trị đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương, ngoài việc cần thực hiện các tiêu chí về xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức của trường; công tác đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính thì việc xây dựng trường chính trị đạt chuẩn gắn với việc chuyển đổi số là điều kiện cần và đủ để đảm bảo thực hiện các tiêu chí trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

     Một là, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ trong việc thực hiện chuyển đổi số gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà trường linh hoạt, chủ động, sáng tạo bằng việc quy định trong Nghị quyết của Đảng bộ trường, cụ thể hóa trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường; xây dựng đề án trường chính trị chuẩn đề nghị Tỉnh ủy phê duyệt.

     Hai là, tăng cường phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thông suốt về tư tưởng và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trong toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường gắn với việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy số, quản lý số và học tập số đáp ứng yêu cầu của xã hội số hiện nay.

     Ba là, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, các thiết bị tin học thiết thực phục vụ giảng dạy, mua sắm các phần mềm phục vụ giảng dạy, quản lý phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Đồng thời, xây dựng, ban hành nội quy số, quy chế học viên số; quy chế học tập số đảm bảo đúng quy định và triển khai thực hiện nghiêm túc tới từng lớp học.

     Bốn là, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên về kiến thức, kỹ năng sử dụng các thiết bị tin học, an toàn thông tin để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nhà trường trong giai đoạn mới.

     Năm là, triển khai đồng bộ công nghệ số trong dạy - học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học; quản lý; thư viện số; tài liệu số... tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, học viên tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác; chủ động, mạnh dạn áp dụng mô hình dạy học hiện đại dựa trên nền tảng số hiệu quả phù hợp với đối tượng và nhu cầu học tập của học viên.

     Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ - 65 năm xây dựng và phát triển, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà. Để tiếp tục phát huy truyền thống đó, thời gian tới Đảng ủy, Ban Giám hiệu và tập thể đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên xác định mục tiêu xây dựng trường chính trị đạt chuẩn gắn với xu thế mới - chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cán bộ cho Đảng, cho Nhà nước, đặc biệt là cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và cán bộ giảng dạy lý luận chính trị. Việc thực hiện các tiêu chí xây dựng trường chính trị chuẩn gắn với chuyển đổi số là phù hợp với xu thế quốc tế hóa, xã hội số hiện nay theo hướng đồng bộ, hệ thống, khoa học, hiện đại; đội ngũ giảng viên đạt chuẩn, đủ phẩm chất, năng lực; chất lượng đào tạo, bồi dương ngày càng được nâng cao, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chất lượng, hiệu quả góp phần tích cực trong hoạch định chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, địa phương; xây dựng môi trường văn hóa trường Đảng chuẩn mực, kiểu mẫu; cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, quản lý hiện đại đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.

ThS. Đoàn Thị Hồng Việt

                                                          Khoa Nhà nước & pháp luật

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=chuyen-doi-so-gan-voi-viec-xay-dung-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho-dat-chuan-trong-thoi-gian-toi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com