Thứ tư, 11.01.2023 GMT+7

Nâng cao tính thực tiễn giảng dạy phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị

Công tác giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị tỉnh là một hoạt động quan trọng của công tác tư tưởng; góp phần thiết thực nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

     Đối tượng đào tạo ở trường chính trị có nét đặc thù riêng; là những cán bộđương chức và dự nguồntrong cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, cơ sở. Đây là những người trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nướcđi vào cuộc sống; góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói riêng và công cuộc đổi mới đất nước nói chung. Để đạt mục đích và yêu cầu của công tác giáo dục lý luận chính trị; đòi hỏi cấp thiết cần được đặt ra là mỗi giảng viên phải nêu cao tính thực tiễn trong mỗi bài học nhằm chứng minh tính đúng đắn, khoa học của lý luận và định hướng cho mỗi học viên giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn ở cơ quan, đơn vị công tác.

     Phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị gồm 12 bài. Các chuyên đề của phần học tập trung nghiên cứu những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về các lĩnh vực cụ thể. Bao gồm: Kinh tế; văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, an sinh - xã hội; dân tộc, tôn giáo; đảm bảo quyền con người; thi đua, khen thưởng và quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đây là một trong những phần học có dung lượng dài nhất trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị. Về kết cấu của từng chuyên đề, cơ bản chia ra làm 03 phần chính: Phần thứ nhất, hệ thống lý luận chung về lĩnh vực cần nghiên cứu; phần thứ hai, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước ta về lĩnh vực đó; phần thứ ba, đánh giá tình hình thực hiện các lĩnh vực trong thực tế và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp.

     Để phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” đảm bảo tính thực tiễn và có sức thuyết phục; giảng viên khi lên lớp cần chú ý một số vấn đề sau:

     Thứ nhất, giảng viên cần nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt và sự cần thiết của việc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị nói chung và phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” nói riêng. Lý luận gắn liền với thực tiễn vừa là một vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa là nguyên tắc không thể thiếu trong công tác giảng dạy lý luận chính trị. Bài giảng có tính thực tiễn sẽ làm cho lý luận từ chỗ khó hiểu, phức tạp thành những vấn đề gần gũi, giản dị, dễ tiếp thu; từ đó, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

     Thứ hai, giảng viên phải cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cơ bản theo tinh thần mới nhất trong các văn bản của Đảng, Nhà nước để bổ sung vào bài giảng; tuyệt đối tránh tình trạng nói sai quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đồng thời, chú trọng cập nhật những chủ trương, chính sách phát triển của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh về các lĩnh vực đời sống xã hội trong từng giai đoạn cụ thể.

     Giảng viên chủ động trang bị và cập nhật kiến thức thực tiễn cho bản thân bằng nhiều cáchthức khác nhau: Tích cực khai thác thông tin từ sách, báo, tạp chí; các phương tiện thông tin đại chúng; mạng internet… để có thực tiễn đa chiều, sau khi đã phân tích, chọn lọc và kiểm nghiệm. Thường xuyên nghiên cứu các tài liệu chính thống như Văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết các Hội nghị Trung ương, các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành và các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch do Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành tỉnh Phú Thọ ban hành; đây là kiến thức thực tiễn có giá trị và có độ tin cậy cao. Tăng cường đi thực tế về cơ sở (xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp…), gặp gỡ trao đổi với cán bộ, chuyên viên, công chức làm việc trực tiếp ở các lĩnh vực chuyên môn; thăm quan các mô hình kinh tế, các cách làm hay, hiệu quả để có thực tiễn trực tiếp sinh động theo các chương trình học tập kinh nghiệm của nhà trường và từng khoa chuyên môn.

     Việc cập nhật thường xuyên, kịp thời chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh sẽ giúp giảng viên có một phông nền tảng kiến thức lý luận và thực tiễn sâu rộng, phong phú, phục vụ thiết thực cho việc tham chiếu vào các chuyên đề trong phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam”; thổi “hồn” các chủ trương, chính sách của Đảng truyền tải được vào bài giảng, truyền ngọn lửa cách mạng, nguyện vọng nhân dân vào trong nhận thức chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

     Thứ ba, giảng viên cần nâng cao năng lực soạn, giảng theo hướng hiện đại, hiệu quả. Thực tiễn đa dạng và phong phú, đòi hỏi người giảng viên lựa chọn kiến thức thực tiễn phù hợp với nội dung bài giảng;trình độ nhận thức, tư duy của người học và đặc điểm từng địa bàn huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phải đảm bảo tính khoa học khi đưa các yếu tố thực tiễn vào bài giảng; yếu tố thực tiễn phải có tính điển hình, tính thời sự, tính chính xác, có địa chỉ rõ ràng và phù hợp nội dung lý luận đang cần được phân tích chứng minh.

     Việc đảm bảo cho bài giảng gắn với thực tiễn cần tránh khuynh hướng thời sự hoá bài giảng; chỉ đơn thuần nêu thực tế mà không phân tích, đánh giá, khái quát để phục vụ bài giảng hoặc định hướng tư tưởng cho học viên. Giảng viên vừa phải truyền thụ tri thức cho người học một cách có hệ thống, lôgic; mặt khác, giúp học viên củng cố niềm tin, giá trị sống góp phần phát triển con người toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ.

     Thứ tư, giảng viên cần quan tâm và chú trọng đầu tư thiết kế bài giảng trên Powerpoint, lựa chọn các từ khóa ngắn gọn, sơ đồ rõ ràng, hình ảnh tiêu biểu, phù hợp… tạo ra sự sinh động trong tiết giảng và gây hứng thú cho học viên, để học viên dễ nhớ, dễ hệ thống được bài học. Đồng thời, giảng viên cần linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp giảng dạy; ứng dụng và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và các phương tiện dạy học hiện đại để tăng tính trực quan và tương tác trong quá trình giảng dạy; khích lệ sự tìm tòi, đi sâu nghiên cứu và chủ động, sáng tạo của học viên. Đây là nền tảng quan trọng để giảng viên vượt qua rào cản của thói quen, phương pháp cũ, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực trao đổi, thảo luận với người học theo hướng cởi mở, dân chủ, hạn chế việc truyền đạt kiến thức một chiều.

     Bên cạnh phương pháp truyền thống là thuyết trình,trong quá trình giảng phần học này trên lớp, giảng viên có thể sử dụng các phương pháp tích cực như:phỏng vấn nhanh, hỏi đáp, thảo luận nhóm và đặc biệt là phương pháp tình huống. Giảng viên cần chuẩn bị các tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn công tác an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo, thi đua, khen thưởng... Trên cơ sở đó, học viên sẽ vận dụng kiến thức lý luận để đưa ra và lựa chọn phương án tối ưu, giải quyết hiệu quả và phù hợp với chuyên môn công tác và thực tiễn tại địa phương, cơ sở.

     Thứ năm, giảng viên cần định hướng cho học viên cách liên hệ thực tiễn đối với nội dung từng chuyên đề. Quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước là ở tầm vĩ mô, qua việc nghiên cứu các chuyên đề đã học, học viên cần có sự vận dụng vào thực tiễn địa phương, cơ sở. Đối với từng lĩnh vực cụ thể, địa phương đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng bằng những chính sách cụ thể như thế nào? Kết quả đạt được đến đâu? Còn hạn chế gì? Trong thời gian tới cần đưa ra những giải pháp gì để khắc phục. Tất cả những nội dung này cần được giảng viên hướng dẫn rõ ràng trong các buổi giảng và thảo luận trên lớp. Đó là những định hướng để học viên xây dựng chương trình, kế hoạch ở địa phương, đơn vị, đưa ra giải pháp phù hợp với vị trí công tác đúng theo đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Điều này sẽ giúp học viên nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, liên hệ với những yêu cầu, điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao.

     Tóm lại, để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học trong Chương trình Trung cấp lý luận chính nói chung và phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” nói riêng;giảng viên khoa Xây dựng Đảng cần nâng cao tính thực tiễn nhằm đảm bảo ý nghĩa thiết thực, sựsinh động, thuyết phục cho từng bài giảng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường.

ThS. Trần Thị Hải Yến

Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nang-cao-tinh-thuc-tien-giang-day-phan-hoc-duong-loi-chinh-sach-cua-dang-nha-nuoc-viet-nam-trong-chuong-trinh-trung-cap-ly-luan-chinh-tri
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com