Thứ tư, 11.01.2023 GMT+7

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở tại các trung tâm chính trị cấp huyện

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, chú trọng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để trang bị thế giới quan khoa học, phương pháp làm việc biện chứng cho cán bộ, đảng viên, giúp họ có kiến thức lý luận, nhận thức đúng đắn thế giới khách quan, tránh sai lầm trong nhận thức và cải tạo thực tiễn.

     Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả tích cực. Việc học tập lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh. Số lượng cán bộ cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tăng nhanh, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng đạo đức cách mạng, củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng.

     Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có 12 trung tâm chính trị với đội ngũ giảng viên đông đảo, trong đó có 53 giảng viên chuyên trách, trên 100 giảng viên kiêm chức là các đồng chí Lãnh đạo Thường vụ, Ban Chấp hành huyện ủy. Đây là đội ngũ quan trọng trong công tác tuyên truyền giá trị chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở. Với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở; hằng năm, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về nhiệm vụ công tác giáo dục lý luận chính trị, Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo cấp ủy, trung tâm chính trị phối hợp với các ban, ngành liên quan rà soát đối tượng, xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên ở cơ sở. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí ngay từ đầu năm cho việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo kế hoạch đã được xây dựng. Trên cơ sở kế hoạch đã được cấp ủy phê duyệt, Ban Tuyên giáo cấp huyện, trung tâm chính trị đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện theo từng tháng, quý và năm đảm chất lượng và hiệu quả.

     Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện chặt chẽ, quy trình mở lớp được thực hiện nghiêm túctừ khâu chiêu sinh, làm thủ tục nhập học, khai giảng, phân công giáo viên chủ nhiệm, giảng viên giảng dạy; thành lập ban chỉ đạo lớp học, ban cán sự lớp, tổ chức giảng dạy, quản lý học viên, thảo luận, viết bài thu hoạch, chấm bài và xét kết quả học tập của học viên, tổ chức bế giảng và cấp giấy chứng nhận cho học viên theo đúng quy định.Đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học như thao giảng, dự giờ, toạ đàm rút kinh nghiệm, kiểm tra hồ sơ, giáo án... Từng bước đổi mới phương pháp ra đề kiểm tra theo hướng tăng khả năng tìm tòi, độc lập suy nghĩ, phương pháp luận của học viên; kết thúc mỗi lớp học, học viên được phát phiếu đánh giá nhận xét giảng viên về chất lượng giảng dạy. Việc thực hiện các khâu từ khai giảng, duy trì dạy và học, tổng kết bế giảng, khen thưởng và cấp chứng chỉ, chứng nhận kịp thời, đúng quy định.

     Đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học viên làm trung tâm, gắn lý luận với thực tiễn, hướng dẫn kỹ năng nhận biết, đánh giá, xử lý tình huống ở cơ sở; áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như làm việc nhóm, gợi mở - vấn đáp, sử dụng bản đồ tư duy, máy chiếu trong quá trình giảng dạy; khuyến khích giảng viên vận dụng các kiến thức thực tiễn vào bài giảng, làm phong phú nội dung bài giảng. Hiện nay, 100% giảng viên chuyên trách ở các Trung tâm chính trị đã ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin để soạn giáo án điện tử, sử dụng các phương pháp tích cực trong quá trình giảng dạy.

     Trong hoạt động, các trung tâm chính trị cấp huyện luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ, nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, năng lực, kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình, tổ chức các lớp học phù hợp với từng thời điểm và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Cùng với việc tuân thủ các quy định, quy chế của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các trung tâm chính trị còn yêu cầu giảng viên chú trọng bổ sung, cập nhật những vấn đề thời sự, vấn đề mới theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu, vừa đổi mới nội dung bài giảng, việc lồng ghép nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng với những nội dung cụ thể. Hằng năm, các huyện, thị, thành đều hoàn thành và vượt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở  cả về số lớp và số học viên. Trung bình mỗi năm thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị khoảng trên 300 lớp với gần 30.000 học viên. Thực tế đã cho thấy, qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trình độ, năng lực của cán bộ, đảng viên ở cơ sở được nâng lên rõ rệt, biết vận dụng vào thực tiễn ở từng địa phương, đơn vị góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn công tác ở địa phương, đơn vị ngày một hiệu quả hơn.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở của tỉnh hiện nay cũng còn có hạn chế nhất định.Một số cấp ủy đảng cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác  đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; chưa nhận thức đầy đủ về bồi dưỡng cán bộ là công việc thường xuyên; chưa tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên tham gia học tập. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý luận, chưa chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho người học, thời gian trao đổi chưa nhiều, việc gắn giữa lý luận và thực tiễn của giảng viên chưa nhuần nhuyễn, thiếu sinh động, chưa thật sự tạo hứng khởi và là cơ sở để người học vận dụng vào thực tiễn công việc. Năng lực, phương pháp giảng dạy của một số giảng viên vẫn còn hạn chế, chưa gắn kết, vận dụng tốt giữa lý luận và thực tiễn, chưa phát huy được tính sáng tạo, tích cực chủ động của học viên. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị dù được tăng cường, nhưng chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao; điều kiện vật chất, kỹ thuật ở một số Trung tâm chính trị còn thiếu, lạc hậu... 

     Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, trong thời gian tới, cấp ủy cấp huyện và các trung tâm chính trị cấp huyện trong tỉnh cần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau:

     Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở trước yêu cầu mới. Các cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trung tâm chính trị bám sát tình hình, nhiệm vụ của địa phương, thực hiện tốt chức năng phối hợp đào tạo, tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trên địa bàn cấp huyện. Làm cho các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên có nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay.

     Hai là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các trung tâm chính trị đủ biên chế theo quy định số 208-QĐ/TW, ngày 08/11/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trung tâm chính trị cấp huyện. Bố trí đội ngũ cán bộ quản lý (giám đốc, phó giám đốc) và đội ngũ giảng viên chuyên trách đủ về số lượng và đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ, năng lực, tâm huyết với nghề, đặc biệt đội ngũ giảng viên chuyên trách. Xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn đủ khả năng thực hiện các chuyên đề theo yêu cầu. Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, tổ chức thao giảng, dự giờ, tham gia hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng, trao đổi kiến thức lý luận và thực tiễn.

     Ba là, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đề cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở. Nội dung bài giảng gắn lý luận với thực tiễn, thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức mới, tình hình, chủ trương, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, đối tượng kết nạp đảng; bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; thông tin thời sự, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Thực hiện nghiêm công tác quản lý, tổ chức lớp học; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cấp huyện và cấp ủy cơ sở tăng cường công tác phối hợp, quản lý việc học tập của học viên. Đề cao và phát huy tinh thần tự học, tự rèn luyện của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

     Bốn là, hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn công tác giáo dục lý luận chính trị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, cấp ủy cấp huyện, thị, thành tiếp tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp với địa phương, đơn vị. Đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, học tập theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

     Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, các cơ quan chuyên trách, theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện tốt hoạt động của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.

CN. Nguyễn Hải Quân

Trưởng phòng LLCT & LSĐ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nang-cao-chat-luong-cong-tac-dao-tao-boi-duong-ly-luan-chinh-tri-cho-can-bo-dang-vien-o-co-so-tai-cac-trung-tam-chinh-tri-cap-huyen
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com