Thứ ba, 10.01.2023 GMT+7

Quản lý theo tư tưởng của Malik

GS. TS Fredmund Malik sinh ngày 01/9/1944, là một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất châu Âu về quản lý, lãnh đạo và quản trị. Ông được biết đến như là người tiên phong của quản lý hiện đại dựa trên hệ thống điều khiển học, là cha đẻ của lý thuyết "Cuộc chuyển đổi thế kỷ 21". Ông cũng là người sáng lập Hệ thống quản lý Malik (Malik ManagementSystems).

     Dưới góc nhìn củaFredmund Malik thì quản lý là chức năng quan trọng nhất, cốt lõi của mọi xã hội, mọi cộng đồng, mọi tổ chức. Sự vận hành của xã hội phụ thuộc vào quản lý, không một hệ thống xã hội nào có thể tồn tại và phát triển mà không có quản lý. Đúng như Peter Drucker "cha đẻ" của Quản trị hiện đại thế kỷ 20 đã nói rằng: "Không có quốc gia kém phát triển, chỉ có quốc gia quản lý kém dẫn đến kém phát triển mà thôi".

     Khác với các quan niệm phổ biến về quản lý, cho rằng "Quản lý là sự tác động từ hệ thống quản lý đến hệ thống bị quản lý...", "quản lý là sự phối hợp các nỗ lực cá nhân để đạt được mục tiêu của nhà quản lý"... Malik cho rằng: "Quản lý là chuyển đổi các nguồn lực thành giá trị". Đây là cách tiếp cận về quản lý từ ngoài vào trong, nó khác biệt với các quan niệm về quản lý phổ biến trên thế giới chủ yếu tiếp cận: quản lý từ trong ra ngoài. Cách tiếp cận của Malik chỉ ra yêu cầu tìm kiếm nguồn lực, quảng bá, phát huy giá trị của tổ chức là công việc quan trọng hàng đầu mà các nhà quản lý cần chú tâm thực hiện trong thực tế là chỉ có thể tìm nguồn lực và giá trị từ bên ngoài một tổ chức.

      Quản lý là kỹ năng có thể học được. Đó là một nghề và cũng là một nghệ thuật. Nó tuân theo các quy tắc chuyên nghiệp đã được biết đến và chứng minh là hữu ích trong các ngành nghề khác. Fredmund Malik chỉ ra, cách quản lý duy nhất một người cần học là quản lý đúng và tốt. Nhà quản lý ở mọi lĩnh vực, ngành nghề và mọi cấp độ cần học và nắm vững những yếu tố chính của nghề quản lý là: 05 nhiệm vụ, 06 nguyên tắc, 07 công cụ thiết yếu nhằm đảm bảo được 02 mục tiêu cốt lõi của quản lý, đó là hiệu quả (quản lý đúng) và hiệu suất (quản lý tốt).

     Thứ nhất, 05 nhiệm vụ:

     Nhiệm vụ một là: đề ra mục tiêu. Nhà quản lý có thể "đề ra mục tiêu" hay "thống nhất mục tiêu" hoặc "đặt ra mục tiêu" tùy theo hoàn cảnh, nhưng luôn phải đảm bảo là có mục tiêu và mục tiêu đó phải rõ ràng, chính xác.

     Nhiệm vụ hai là: tổ chức. Các nhà quản lý phải tổ chức các công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, bao gồm cả sắp xếp tổ chức và xây dựng quy trình vận hành. Bằng cách tự mình thực hiện hay nhờ các chuyên gia tư vấn nhưng phải đảm bảo công việc được tổ chức một cách hợp lý, đúng chức năng.

     Nhiệm vụ ba là: ra quyết định. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà quản lý. Trong việc đưa ra quyết định mọi thứ được gắn kết với nhau một cách chặt chẽ.

     Nhiệm vụ bốn là: kiểm soát, đo lường, đánh giá. Nhà quản lý cần lựa chọn hình thức kiểm soát, công cụ đo lường và đảm bảo tính khách quan trong đánh giá.

     Nhiệm vụ năm là: phát triển con người. Không cố gắng thay đổi họ (nhân viên), chấp nhận con người của họ và cố gắng phát huy tối đa năng lực của họ (tận dụng điểm mạnh, làm mờ điểm yếu).

     Thứ hai, 06 nguyên tắc:

     Nguyên tắc một, hướng vào kết quả. Nhà quản lý cần phải có một sự nỗ lực liên tục và có hệ thống để đạt được sự hướng vào kết quả của bản thân mình và cá nhân, bộ phận dưới quyền.

     Nguyên tắc hai, đóng góp vào tổng thể. Nhà quản lý phải làm rõ cách mà mỗi cá nhân đóng góp vào tổng thể làm cơ sở cho sự tự điểu chỉnh, tự phối hợp hoặc tự sắp xếp trong tổ chức.

     Nguyên tắc ba, tập trung vào một vài thứ. Nhà quản lý không thể thành công mãi trong nhiều lĩnh vực nên chỉ cần tập trung vào một số công việc nhất định.

     Nguyên tắc bốn, sử dụng điểm mạnh. Mọi người đều có điểm mạnh - điểm yếu. Nhà quản lý phải biết sử dụng điểm mạnh của mình và của từng nhân viên để đạt hiệu quả làm việc một cách tự nhiên.

     Nguyên tắc năm, lòng tin. Nhà quản lý cần làm mọi cách để xây dựng lòng tin của nhân viên và phòng tránh bất cứ điều gì làm lay chuyển lòng tin đó.

     Nguyên tắc sáu, suy nghĩ tích cực. Các nhà quản lý giỏi luôn suy nghĩ tích cực và hướng tới các giải pháp bởi vì họ biết rằng thái độ tiêu cực và thất vọng sẽ cản trở thành công.

     Thứ ba, 07 công cụ:

     Công cụ một, các cuộc họp. Nhà quản lý và các nhân viên cần phải cố gắng để đảm bảo tạo ra các cuộc họp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, theo dõi sát sao, tạo ra kết quả thiết thực.

     Công cụ hai, các báo cáo. Chữ viết, hình ảnh, biểu đồ... trong các báo cáo (văn bản nói chung) phải được sử dụng để đảm bảo cho bảo cáo là công cụ để hướng tới hiệu quả quản lý.

     Công cụ ba, thiết kế công việc và kiểm soát nhiệm vụ đã giao. Nhà quản lý  cần quan tâm thiết kế công việc trong tổ chức một cách cẩn thận, theo cấu trúc và logic đúng đắn. Lựa chọn cách kiểm soát hiệu quả nhiệm vị đã giao cho các cá nhân, bộ phận.

     Công cụ bốn, phương pháp làm việc cá nhân. Nhà quản lý phải quan tâm đến cách làm việc của các cá nhân để đảm bảo cho mỗi cá nhân trong tổ chức đều làm việc có phương pháp và hệ thống, chi tiết và chuyên nghiệp.

     Công cụ năm, ngân sách và hoạch định ngân sách. Ngân sách là một công cụ tích hợp và kiểm soát quan trọng bậc nhất trong một tổ chức. Các nhà quản lý có kỹ năng hoạch định, quản lý ngân sách hiệu quả. 

     Công cụ sáu, đánh giá thành tích công tác. Nhà quản lý phải tạo điều kiện cho mọi người thực hiện và chịu trách nhiệm về công việc được giao, vì vậy, đánh giá kết quả công việc là một trong những công cụ cần thiết. Công cụ này không phải được dùng để (và cũng không thể) đạt được tính khách quan tuyệt đối mà là để giảm thiểu sai sót ngẫu nhiên trong quản lý. Nhà quản lý cần có hệ thống đánh giá thành tích nhân viên. 

     Công cụ bảy, "xả thải" một cách hệ thống. Nhà quản lý phải phát hiện và loại bỏ những thứ đã lỗi thời một cách có hệ thống.

     Có thể thấy, hệ thống quản lý Malik đề ra các giải pháp nhấn mạnh vào việc liên kết chéo trí thông minh, sáng tạo, chuyên môn và kinh nghiệm của tất cả những người liên quan, với số lượng lớn. Những nội dung cốt lõi về quản lý đúng và tốt - cách thức quản lý duy nhất mà một người cần phải học cho dù là quản lý ở lĩnh vực nào, mọi người đều có thể là một nhà quản lý cho dù họ có nghiên cứu nó hay không.

     Vận dụng vào thực tiễn Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ hiện nay, tư tưởng về quản lý của Malik một trong những tài liệu tham khảo quan trọng để Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo việc áp dụng tư duy hệ thống và hệ thống quản lý Malik vào xây dựng, phát triển nhà trường, trở thành một trong những trường đi đầu trong hệ thống các trường chính trị.Việc nghiên cứu, thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp về tư duy hệ thống, công cụ hệ thống, quản lý hiệu quả… sẽ tăng cường hiệu quả của lãnh đạo và quản lý của nhà trường. Trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng và phát triển nhà trường đạt chuẩn, đáp ứng yêu đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, nhà trường rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai kế hoạch xây dựng trường chính trị đạt chuẩn đảm bảo tiến độ, nhằm góp phần ngày càng nâng cao vị thế và uy tín của nhà trường.

ThS. Nguyễn Việt Hòa

                                                                    Trưởng khoa Nhà nước & pháp luật

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quan-ly-theo-tu-tuong-cua-malik
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com