Thứ ba, 10.01.2023 GMT+7

Một số kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nam Định

Nam Định là trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của Tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Có diện tích tự nhiên 1.671 km2, dân số gần 2 triệu người. Tỉnh Nam Định có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 9 huyện với 226 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 188 xã, 22 phường và 16 thị trấn. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định đã sớm hoàn thành. Trước khi sáp nhập, toàn tỉnh có 3.674 thôn, xóm, tổ dân phố; sau khi sáp nhập giảm còn 2.154 thôn, xóm, tổ dân phố tương ứng với 2.154 trưởng thôn, xóm, tổ dân phố (giảm hơn 41%).

     Trải qua quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, Nam Ðịnh luôn tự hào là một trong những mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích các Vương Triều Trần với hào khí Ðông A rực rỡ.Những năm qua, trong lĩnh vực văn hóa xã hội, ngành giáo dục, đào tạo của Nam Định giữ vững thành tích 25 năm liên tục nằm trong top dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, thi tốt nghiệp THPT 05 năm đứng thứ nhất toàn quốc. Ở lĩnh vực kinh tế, Nam Định đã đạt được những thành tựu nổi bật, đặc biệt thành tựu nổi bật nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

     Là điểm sáng trong xây dựng NTM của cả nước, tỉnh Nam Định xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và không có có điểm dừngcủa các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia tích cực của người dân. Tỉnh đã phát huy các lợi thế, khắc phục mọi khó khăn, dựa vào sức dân, sáng tạo trong phương pháp thực hiện. Ngay từ những ngày đầu xây dựng NTM, Nam Định đã xác định: lợi thế lớn nhất của tỉnh đó là nguồn lực từ nhân dân, vì vậy tỉnh đã bám sát quan điểm người dân làm trọng tâm - vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng như là đối tượng thụ hưởng. Đến nay Nam Định đã đạt 106/204 xã thị trấn (52%) đạt chuẩn NTM nâng cao. Đời sống vật chất, tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa, sự hài lòng của người dân nông thôn trong xây dựng NTM được nâng lên; nhiều thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư trở thành những “miền quê đáng sống”. Nhiều xã đã xây dựng hệ môi trường sinh thái nông thôn: đường có điện, có hoa; sông không rác; cán bộ chuyên cần; nhân dân đồng thuận. Nhiều con đường tuyến xã đã được các hội, đoàn thể và nhân dân trồng hoa ven đường. Hầu hết các tuyến đường giao thông của xã đã được nhân dân đóng góp đầu tư hệ thống đèn đường chiếu sáng; có nước sạch, có lò đốt rác sinh hoạt. Dòng sông và kênh mương thường xuyên được dọn dẹp rác thải thường xuyên.

     Với những kết quả đã đạt được trong xây dựng NTM, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã đề ra.

Lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ và Lãnh đạo Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài đồng chí Trường Chinh trong khuôn viên nhà trường 

     Thực hiện nhiệm vụ được Tỉnh ủy Phú Thọ giao xây dựng, biên soạn “Bộ Tài liệu bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ cho trưởng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong tình hình mới”; Tháng 8/2022, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã tổ chức đoàn đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Nam Định để học tập kinh nghiệm, bổ sung luận cứ thực tiễn vào Bộ tài liệu đang biên soạn. Từ kết quả đi nghiên cứu thực tế của nhà trường cho thấy; một trong những yếu tố để xây dựng thành công NTM ở tỉnh Nam Định đó là vai trò quan trọng của đội ngũ trưởng xóm (khu dân cư) trong xây dựng NTM, bởi họ thực sự giữ vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là người đi đầu trong phong trào xây dựng NTM. Họ luôn đóng vai trò hạt nhân trong công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục nhân dân trong thôn xóm đồng thuận xây dựng nông thôn mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư. Luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, như: hiến đất mở rộng đường giao thông, các công trình hạ tầng khác, trồng hoa, vệ sinh môi trường, xây dựng tường rào, cổng ngõ...

     Từ thực tiễn hoạt động nhiều năm, đội ngũ trưởng xóm của tỉnh Nam Định đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để đạt được hiệu quả trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở thôn, xóm (khu dân cư) như sau:

     Một là, Đảng ủy xã, thị trấn cần ra Nghị quyết chuyên đề đúng thời điểm, kịp thời để lãnh đạo nhân dân xây dựng NTM.

     Hai là, cán bộ, đảng viên trong xã (nhất là Bí thư chi bộ, Trưởng xóm)phải đầu tàu, tiên phong, gương mẫu trong xây dựng NTM của xã, của xóm(khu dân cư).

     Ba là, cần tổ chức thực hiện tốt dân chủ trong xây dựng NTM. Với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụhưởng. Phát huy dân chủ công khai để dân biết, dân tự làm, tự giám sát. Lựa chọn xóm và gia đình là cơ sở hạt nhân để thực hiện.

     Bốn là, biết phát huy nội lực trong xã, tranh thủ ngoại lực để tạo ra nguồn kinh phí để thực hiện xây dựng NTM.

     Năm là, bí thư chi bộ, trưởng xóm cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chương trình xây dựng NTM, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận và quyết tâm trong việc triển khai thực hiện chương trình.

     Sáu là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân trong xây dựng xóm và gia đình NTM. Tùy từng đặc điểm cụ thể của từng xóm để chọn cách vận động, huy động nguồn vốn thực hiện,… Động viên những người có uy tín, nhiệt huyết tham gia tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới ở xóm…

     Bảy là, cần lựa chọn các nội dung, tiêu chí thuận lợi để triển khai trước, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy hoạch, chọn những sản phẩm có thế mạnh để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.Xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, kế thừa cơ sở hạ tầng cũ, đồng thời tu bổ, xây dựng các công trình mới phự hợp với quy hoạch và tiêu chíNTM.

     Tám là, cần làm tốt công tác sơ kết, khen thưởng, rút kinh nghiệm,nêu gương các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác xây dựng NTM để khơi dậy phong trào; phát huy kết quả đó đạt được, đồng thời khắc phục ngay những tồn tại, rút kinh nghiệm về những tồn tại trong công tác chỉ đạo cũng như thực hiện để có biện pháp khắc phục kịp thời.

     Xây dựng nông thôn mới đóng vai trò quan trọng, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; góp phần ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộccủa địa phương.Kết quả của Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu mà tỉnh Nam Định đạt được đã cho thấy sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Với việc tham khảo những cách làm sáng tạo của tỉnh Nam Định, bắt đầu xây dựng NTM từ thôm, xóm (khu dân cư), đi đầu là trưởng thôn, xóm, tin tưởng rằng đề tài khoa học của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ sẽ có những kiến nghị, đề xuất thiết thực để góp phần sớm thực hiện thành công công cuộc xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên quê hương Đất Tổ.

ThS. Ngô Thị Lan Hương

Phó Trưởng phòng QLĐT & NCKH

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-kinh-nghiem-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-tinh-nam-dinh
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com