| ||
Những sự kiện nổi bật về kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 | ||
1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10/2022 đến ngày 01/01/2022. Là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp và chúc mừng Ban Lãnh đạo mới của Trung Quốc sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai bên đã ra Tuyên bố chung 13 điểm, mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực, trong đó có tăng cường kết nối giữa khuôn khổ kinh tế song phương "Hai hành lang, một vành đai" với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đồng thời kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương quan hệ, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt đối với hai nước. Ông khẳng định Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng nỗ lực tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương. 2. Việt Nam mở cửa bầu trời Sau gần hai năm đóng cửa bầu trời, từ ngày 15/2/2022, Việt Nam mở lại toàn bộ đường bay quốc tế và tiến tới cởi bỏ nhiều quy định phòng, chống Covid-19 như xét nghiệm, khai báo y tế… Quyết định nhằm khơi thông giao thương giữa Việt Nam với các nước, khôi phục hoạt động du lịch - ngành kinh tế đóng góp khoảng 09% GDP cả nước. Tuy nhiên, do nhiều thị trường vẫn đóng cửa, lạm phát toàn cầu, giá cả leo thang… lượng khách quốc tế tới Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, cách xa con số mục tiêu 05 triệu. Ở giai đoạn hoạt động bình thường như năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách nước ngoài, tổng thu đạt 32,8 tỷ USD. 3. GDP tăng trưởng cao hàng đầu khu vực Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao trong năm 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD - lập đỉnh mới sau kết quả gần 670 tỷ USD năm ngoái; vốn FDI thực hiện gần 20 tỷ USD là mức tăng cao nhất trong 05 năm qua; thu ngân sách nhà nước tăng gần 8% so với 2021. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động gấp 1,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Dù GDP năm 2022 tăng trưởng nhanh và có nhiều chỉ số vĩ mô tốt, trong những tháng cuối năm, Việt Nam chịu nhiều áp lực từ nguy cơ suy thoái toàn cầu. Xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế - bị ảnh hưởng. Việt Nam đã ghi nhận việc đơn hàng giảm dần, rơi mạnh ở hai quý cuối và tình trạng này có thể kéo dài đến giữa năm 2023. Điều này khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động hàng loạt, chi phí sản xuất tăng cao trong khi các kênh huy động vốn bị ách tắc cũng đang bủa vây, tạo nhiều thế khó cho doanh nghiệp. 4. Trung ương ban hành nghị quyết về đất đai Năm 2022, Trung ương Đảng ban hành hàng loạt nghị quyết. Một trong những điểm nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 về chính sách đất đai với chủ trương quan trọng - bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định mức "phù hợp với giá phổ biến trên thị trường". Việc thu hồi đất chỉ làm sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đất công dùng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi. Người có nhiều nhà, đất, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang sẽ bị áp thuế cao. 5. Áp lực lạm phát gia tăng Chỉ số CPI năm 2022 của Chính phủ là 3,87% cho thấy lạm phát vẫn được kiểm soát dưới mục tiêu 04% của Quốc hội. So sánh với nhiều nước trong khu vực, mức tăng CPI của Việt Nam tương đối thấp trong bối cảnh bóng ma lạm phát phủ bóng toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là mức cao nhất trong 06 năm (2017 - 2022) của CPI và 2022 cũng là năm áp lực lạm phát được người tiêu dùng cảm nhận rõ nét qua sự leo thang về giá của nhiều mặt hàng. Đầu tiên là xăng dầu - mặt hàng thiết yếu với người dân - liên tiếp lập đỉnh, lên kỷ lục 32.870 đồng một lít. Mặt bằng giá mới của nhiều hàng hoá, dịch vụ cũng được tăng theo xăng dầu, bào mòn túi tiền của người tiêu dùng. Cuối năm, dù xăng đã hạ nhiệt, giá nhiều hàng hóa vẫn không giảm theo. Tương tự, trước những bất ổn kinh tế, địa chính trị, giá vàng SJC năm qua cũng lần đầu đạt ngưỡng 74,4 triệu, cao nhất từ trước đến nay. Sau khi lập đỉnh, giá vàng về vùng dưới 70 triệu và duy trì ở mức này. Giá USD ngân hàng cũng lập kỷ lục mới ở tháng 9 khi có lúc giao dịch ở mức 23.960 đồng, cao hơn 04% so với đầu năm. 6. Khan hiếm xăng dầu 2022 là năm "dị biệt" của xăng dầu khi vừa chịu ảnh hưởng mạnh từ thế giới vừa trải qua tới 03 lần thị trường thiếu nhiên liệu. Đỉnh điểm là vào tháng 8, hàng loạt cây xăng tại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam đồng loạt đóng cửa. Người dân chen chúc hàng giờ chờ tới lượt đổ nhiên liệu. Khan hiếm xăng dầu sau đó lan ra phía Bắc, nhiều cây xăng ngừng hoặc bán nhỏ giọt. Ngoài tác động từ thế giới, nguyên nhân khiến thị trường năm nay bất ổn, là các doanh nghiệp đầu mối phải nhập hàng ở thời điểm giá cao, bán ra lúc giá thấp nên bị lỗ; chi phí kinh doanh xăng dầu tăng vọt nhưng không được điều chỉnh kịp thời vào giá cơ sở. Cùng đó, Bộ Công thương tước giấy phép kinh doanh xăng dầu với 05 doanh nghiệp đầu mối ở phía Nam từ 30 đến 45 ngày, trong khi chưa có kịch bản ứng phó, điều phối hàng để bù đắp... càng "bồi" thêm khó khăn về nguồn cung. Thị trường xăng dầu hiện tạm ổn sau những nỗ lực điều phối từ cơ quan quản lý. Bộ Công thương đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi một số quy định trong kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 95-NĐ/CP năm 2022) để lập lại trật tự thị trường. 7. Khủng hoảng y tế sau đại dịch Sau những tháng ngày chống Covid-19 khốc liệt chưa từng có, ngành y tế năm 2022 ngổn ngang khó khăn, thách thức. Nổi cộm là vấn đề thiếu thuốc, vật tư. Số liệu thống kê giữa năm cho thấy, 82% cơ sở y tế và 57% bệnh viện trung ương thiếu thuốc. Vật tư tiêu hao, hóa chất… cũng trong tình trạng tương tự. Bệnh nhân phải tự tìm mua thuốc, kim tiêm, dây truyền dịch... trong khi các bệnh viện phải vay mượn thuốc lẫn nhau. Nguyên nhân là dịch bệnh kéo dài, nguồn cung đứt gãy, vướng mắc trong đấu thầu mua sắm, hàng loạt quan chức y tế vướng lao lý khiến bệnh viện chùn tay trong quyết sách mua sắm đầu tư công... Khủng hoảng khác của ngành y khi gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc trong 18 tháng khiến nhiều bệnh viện công thiếu nhân lực, ảnh hưởng điều trị, chăm sóc người bệnh. Lý do được đề cập là lực lượng y bác sĩ bị tác động tâm lý sau những ngày tháng khốc liệt của đại dịch, thu nhập thấp... Chính phủ, Bộ Y tế đã tìm cách tháo gỡ vướng mắc nhưng dự báo tình trạng thiếu thuốc còn kéo dài, xu hướng nhân viên y tế thôi việc tiếp tục tăng. 8. Nhiều ủy viên Trung ương bị kỷ luật Tiếp tục chủ trương chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ", năm 2022, 06 ủy viên Trung ương đã bị khai trừ, cách chức, cho thôi chức - nhiều nhất tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (tháng 01/2021) và nhiều gấp rưỡi cả nhiệm kỳ Đại hội XII. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh bị khai trừ Đảng ngày 6/6 vì những sai phạm trong vụ Việt Á. Sau đó, ông Long bị cách chức Bộ trưởng Y tế, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội; ông Anh bị bãi nhiệm chức danh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Hai ông đồng thời đã bị khởi tố, tạm giam. Liên quan vụ Việt Á, ngày 03/10, Trung ương khai trừ Đảng Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Phạm Xuân Thăng. Trước đó, ông Thăng bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc chỉ đạo làm trái trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Trong năm, ủy viên Trung ương bị kỷ luật còn có các ông Nguyễn Thành Phong (Phó ban Kinh tế Trung ương, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh), Bùi Nhật Quang (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Huỳnh Tấn Việt (Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên). Cả ba ông được cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII do vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. 9. Xử lý hàng loạt sai phạm trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu Hơn một thập kỷ từ sự việc Dược Viễn Đông, thị trường mới chứng kiến những vụ "thao túng chứng khoán" chấn động. Những nhóm cổ phiếu đầu cơ "làm mưa, làm gió" như FLC hay Louis Holdings vào tầm ngắm. Người đứng đầu những hệ sinh thái này, Trịnh Văn Quyết và Đỗ Thành Nhân, bị khởi tố cùng tội danh thao túng, thổi giá cổ phiếu. Việc giới hạn nhà đầu tư tham gia và nâng cao yêu cầu phát hành trái phiếu riêng lẻ khiến giá trị phát hành rơi thẳng đứng. Một phần nguyên nhân đến từ lòng tin của nhà đầu tư, khi nhiều sai phạm bị khởi tố. Khởi đầu là đợt phát hành hơn 9.000 tỷ đồng trái phiếu của Tân Hoàng Minh, nối tiếp là Vạn Thịnh Phát. 10. SEA Games lần thứ hai diễn ra tại Việt Nam Khoảng 10.000 vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài... đến từ 11 đoàn thể thao Đông Nam Á đã góp mặt tại SEA Games 31. Bốn mươi môn thi đấu được tổ chức tranh 526 bộ huy chương. Sau lần đầu đăng cai năm 2003, Việt Nam lần thứ hai làm chủ nhà Đại hội, dù phải tổ chức muộn một năm vì Covid-19. Đại hội kết thúc bằng trận chung kết bóng đá nam tối ngày 22/5 trên sân Mỹ Đình, khi Việt Nam thắng Thái Lan 1 - 0, bảo vệ Huy chương vàng. Chủ nhà lần thứ hai đứng đầu bảng tổng sắp với 205 Huy chương vàng, phá kỷ lục Đại hội và hơn đoàn nhì Thái Lan 113 Huy chương vàng. ThS. Nguyễn Thị Kim Sự Phòng QLĐT & NCKH (Tổng hợp) | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhung-su-kien-noi-bat-ve-kinh-te-xa-hoi-viet-nam-nam-2022 | ||
|