Thứ tư, 04.01.2023 GMT+7

Vai trò của việc vận dụng các nghị quyết của Đảng vào giảng dạy lý luận chính trị

Giảng dạy lý luận chính trị là một hình thức để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Giảng dạy lý luận chính trị ở Việt Nam ở bất kỳ thời điểm nào, giai đoạn nào cũng hết sức cần thiết, bởi “Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và với chế độ ta”.(1)

     Công tác lý luận chính trị nói chung và công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận cho người học. Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị là một trong những điều kiện tiên quyết quan trọng đưa những kiến thức trong giáo trình thẩm thấu vào nhận thức của người học, từ đó chuyển hóa thành hành động thực tế của học viên ở cơ sở.

     Theo Quyết định số 31-QĐ/TW ngày 01/01/1997 của Bộ Chính trị khóa VIII, ban hành thể loại văn bản, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng, thì “Nghị quyết là văn bản ghi lại các quyết định được thông qua ở đại hội, hội nghị cơ quan lãnh đạo Đảng các cấp, hội nghị đảng viên về đường lối, chủ trương, chính sách, kế hoạch hoặc các vấn đề cụ thể”.

     Như vậy, có thể hiểu nghị quyết của Đảng là những định hướng phát triển đất nước, là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, thể hiện ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội đã được Đại hội Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua. Do đó, sau khi nghị quyết được ban hành, cấp ủy các cấp phải tổ chức học tập, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề cho sự thành công trong tổ chức thực hiện nghị quyết, đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống.

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của việc học tập nghị quyết của Đảng. Người cho rằng: "Cần nghiên cứu sâu để thấm nhuần tinh thần nghị quyết; nghiên cứu càng sâu thì càng thêm phấn khởi, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt. Nhưng cán bộ thấm nhuần chưa đủ. Phải làm cho tinh thần nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, làm cho mọi người thấy hết thắng lợi, khả năng và khó khăn của ta, thấy rõ khả năng của ta to lớn hơn khó khăn nhiều, làm sao cho mọi người vui vẻ, hăng hái làm tròn nhiệm vụ, vì khi nhân dân vui vẻ, hăng hái thì mọi khó khăn sẽ vượt được".(2)

     Nhận thức tầm quan trọng đó, thời gian qua việc học tập, nghiên cứu, vận dụng nghị quyết của Đảng vào giảng dạy lý luận chính trị tiếp tục được quan tâm, có nhiều đổi mới, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

     Trước hết, khi nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng nghị quyết, Văn kiện của Đảng người giảng viên sẽ có kiến thức phong phú, hiểu đầy đủ, đúng đắn những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, thấy được sự phù hợp của nghị quyết trong tình hình thực tiễn của đất nước. Người giảng viên sẽ nắm vững những quan điểm tư tưởng, nhận thức đúng và đủ các nội dung mới, cốt lõi của nghị quyết. Nhận thức đúng thì hành động mới đúng, các mục tiêu, nhiệm vụ mới được thực hiện hiệu quả, đáp ứng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong quá trình từ nhận thức đến hành động, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nghị quyết là những bước đi đầu tiên cần làm thật tốt, mới có thể tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận, quyết tâm cao trong nhân dân, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi nghị quyết.

     Thứ hai, trong giảng dạy lý luận chính trị, khi giảng viên đã hiểu đúng, hiểu sâu nội dung của nghị quyết, sẽ có cách truyền đạt và vận dụng vào bài giảng phù hợp giúp học viên dễ tiếp thu, nắm vững nội dung cơ bản các nghị quyết, nhất là những bài học kinh nghiệm, mục tiêu, chỉ tiêu, các đột phá chiến lược. Người học sẽ có cái nhìn bao quát, tiếp thu quan điểm, chủ trương một cách đúng đắn và có thể triển khai, vận dụng, truyền đạt đến quần chúng nhân dân, vận động nhân dân.

     Thứ ba, nghiên cứu, vận dụng nghị quyết của Đảng vào giảng dạy lý luận chính trị, cùng với kiến thức thực tiễn và khả năng truyền đạt của giảng viên sẽ giúp người học vận dụng những nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Từ đó, có những giải pháp thiết thực giúp địa phương phát triển kinh tế, xã hội đúng định hướng, nâng cao đời sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

     Thứ tư, nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết của Đảng vào giảng dạy lý luận chính trị sẽ trang bị cho người học những lý luận, quan điểm đúng, giúp người học không hoang mang, dao động trước những luận điệu xuyên tạc của những thế lực thù địch, có những quan điểm, bài viết đấu tranh chống những tư tưởng không chính thống, đồng thời định hướng cho người dân hiểu và có niềm tin vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo.

     Trên cơ sở quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ, thấu đáo nội dung nghị quyết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần cụ thể hóa nghị quyết vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị, tổ chức, nhanh chóng xây dựng chương trình hành động gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Các chương trình hành động này phải có tính sáng tạo và bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả, góp phần cải tạo hoàn cảnh, giúp cho kinh tế - xã hội địa phương, đơn vị ngày càng phát triển, người lao động có việc làm, đời sống nhân dân được nâng lên.

     Quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và là yêu cầu tất yếu với giảng viên trường chính trị cấp tỉnh. Giảng viên trường chính trị không chỉ là người cung cấp tri thức như những giảng viên ở các cơ sở đào tạo khác mà còn là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng. Trong quá trình soạn giảng lý luận chính trị một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu là cần phải thường xuyên cập nhật những văn bản, nội dung kiến thức mới cả về lý luận và thực tiễn. Việc tìm hiểu và cập nhật những nội dung mới trong các nghị quyết vào giảng dạy là nhiệm vụ chuyên môn cần thực hiện thường xuyên, liên tục của mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Giảng viên cần vận dụng đúng đắn, phù hợp với những nội dung phần học, bài học để thực hiện tốt, đảm bảo mục tiêu giảng dạy của từng bài trong môn học, để đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình giảng dạy. Đồng thời, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng là nhiệm vụ quan trọng của giảng viên. Hoạt động nghiên cứu vận dụng nghị quyết của Đảng vào giảng dạy cũng góp phần nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học của mỗi giàng viên.

     Mặt khác, học viên học Trung cấp lý luận chính trị là những cán bộ đương chức hoặc dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp cơ sở trở lên. Chính vì vậy, việc nâng cao nhật thức lý luận của đội ngũ cán bộ là một trong những đòi hỏi tất yếu và cấp thiết trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc học viên cần và phải cập nhật những lý luận khoa học, những kiến thức đầy đủ, những nội dung mới trong quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là yêu cầu tất yếu để củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan nhà nước. Từ đó, sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng, có nhận thức đúng đắn, đầy đủ để đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong cơ quan nhà nước,góp phần đưa nghị quyết, chính sách vào cuộc sống, thực hiện thành công sự lãnh đạo của Đảng trênmọi lĩnh vực của đời sốngxã hội.

     Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói chung và khoa Lý luận cơ sở nói riêng luôn có ý thức chủ động và thường xuyên cập nhật quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng việc cập nhật nội dung các nghị quyết của Đảng để phục vụ và thực hiện quá trình soạn giảng và các hoạt động chuyên môn. Việc cập nhật đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào giảng dạy là yêu cầu tất yếu trong nhiệm vụ chuyên môn của giảng viên; đồng thời, sẽ cung cấp và thông tin đến người học những nội dung mới nhất, chính xác nhất liên quan đến nội dung của bài học. Khi cập nhật được những nội dung này sẽ tăng tính thuyết phục, chính xác, đáng tin cậy và tính thời sự cho bài giảng… Từ đó, tăng tính hấp dẫn cho bài giảng của mỗi giảng viên.

     Có thể nói, việc học tập, quán triệt, vận dụng nghị quyết của Đảng vào giảng dạy lý luận chính trị góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống, nâng cao khả năng nhận thức về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; qua đó, tạo sự tin tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tích cực thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng

                                                                     Khoa Lý luận cơ sở

     Tài liệu tham khảo:

     1. Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

     2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2002, t.10, tr.265.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=vai-tro-cua-viec-van-dung-cac-nghi-quyet-cua-dang-vao-giang-day-ly-luan-chinh-tri
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com