Thứ sáu, 23.12.2022 GMT+7

Quan điểm của Đảng về phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng

Kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế tồn tại khách quan trong lịch sử, có đóng góp lớn cho quá trình phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc phát huy vai trò của hợp tác xã và luôn muốn hợp tác xã được thành lập ở nhiều nơi trong cả nước, từ làng mạc đến tỉnh thành.[1]

     Thầm nhuần tư tưởng của Người, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về kinh tế tập thể được ban hành và tổ chức thực hiện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.

     Kế thừa quan điểm về phát triển kinh tế tập thể của các kỳ đại hội, Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có phạm vi hoạt động rộng lớn, với vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững”[2], nêu rõ kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã[3], “đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác còn chậm, nhiều hợp tác xã chưa làm tốt vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ”[4] và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực”.[5]

     Ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII của Đảng ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới".

     Theo đó kết quả phát triển kinh tế tập thể ở nước ta sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá IX là: có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, chính sách, pháp luật, mô hình, số lượng, ngành nghề, quy mô, trình độ, cơ cấu tổ chức, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân[6]; Nêu rõ việc phát triển khu vực kinh tế tập thể chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra; Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng phân tích nguyên nhân của hạn chế và  từ đóđưa ra năm quan điểm chỉ đạo sau:

     Thứ nhất, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước.

     Quan điểm xác định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể đối với nền kinh tế và một lần nữa khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đồng thời nêu rõ muốn tồn tại và phát triển bền vững, kinh tế tập thể cần tuân thủ các nguyên tắc hoạt động nhất định, có quan hệ biện chứng với các thành viên.

     Thứ hai, kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó, hợp tác xã là nòng cốt. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn.

     Tổ chức kinh tế tập thể có mục đích kinh tế - xã hội và nhân văn, bên cạnh lợi ích kinh tế của tập thể, cần coi trọng lợi ích của các thành viên, sự trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể, đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích với nhà nước và cộng đồng. Quan điểm cho thấy sự cần thiết phải tăng cường liên kết các hình thức hợp tác để nâng cao năng lực của hợp tác xã đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tránh tình trạng yếu kém, lỏng lẻo trong liên kết bên trong và bên ngoài của hợp tác xã như hiện nay.

     Thứ ba, kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích luỹ và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế tập thể.

     Quan điểm nêu rõ cơ cấu tổ chức, hoạt động của kinh tế tập thể và phương thức gắn kết thành viên với hợp tác xã nhằm thu hút sự tham gia tích cực của các thành viên hợp tác xã vào quá trình hoạt động và phát triển kinh tế tập thể. Nguyên tắc đối nhân đảm bảo cho các thành viên hợp tác xã được bình đẳng trong hưởng thụ quyền lợi khi tham gia. Ngoài ra, hình thức phân phối trong loại hình kinh tế tập thể có tính đến mức độ tham gia dịch vụ, góp vốn và hiệu quả lao động. Nguyên tắc tự nguyện cần được tuân thủ khi các thành viên liên kết với nhau trong hợp tác xã đảm bảo phát huy tối đa vai trò của kinh tế tập thể.

     Thứ tư, phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và của thành viên.

     Việc đánh giá hiệu quả của tổ chức kinh tế tập thể chủ yếu dựa vào số lượng, chất lượng thành viên tham gia và lợi ích mà tổ chức mang lại cho thành viên và cộng đồng trên các phương diện. Do vậy, cần phát triển hài hoà cả về số lượng và chất lượng; Đặc biệt chú trọng xây dựng chính sách đối với hợp tác xã nông nghiệp, để thu hút được đông đảo nông dân tham gia, hướng nền kinh tế tiểu nông cá thể vào kinh doanh tập thể, từ đó nâng cao đời sống cho người nông dân, làm cho quyền lợi và nghĩa vụ của hợp tác xã và thành viên hợp tác xã ngang dần với quyền lợi và nghĩa vụ của các ngành kinh tế khác trong xã hội; chú ý đến xu thế phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

     Thứ năm, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.

     Quan điểm xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế tập thể, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của quần chúng trong tham gia phát triển kinh tế này. Quá trình phát triển kinh tế tập thể là sự liên kết tự nguyện của các thành viên hợp tác xã nhưng cũng rất cần đến sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị về các nguồn lực như: tài chính, đào tạo, bảo vệ quyền và lợi ích của hợp tác xã và các thành viên.

     Đối với tỉnh Phú Thọ, cần có những biện pháp thiết thực để phát triển mạng lưới hợp tác xã, với chủ trương: Chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm của các hợp tác xã; khuyến khích phát triển hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới[7] nhằm góp phần vào sự nghiệp xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

ThS. Trần Thu Thuỷ

Khoa Nhà nước & pháp luật

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 2, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2009, Tr.215.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H.2021, tập 1, tr.129, tr.130.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H.2021, tập 1, tr.31.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H.2021, tập 1, tr.81.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H.2021, tập 1, tr.240.

[6]Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2022, Tr.122 - 124.

[7]Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quan-diem-cua-dang-ve-phat-trien-va-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-tap-the-theo-nghi-quyet-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-xiii-cua-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com