| ||
Một số điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 | ||
Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 với nhiều điểm mới nổi bật, giúp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra. Sau đây là một số điểm mới đáng chú ý trong Luật Thanh tra năm 2022: Một là, tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành. Đây là một trong những điểm mới nổi bật của Luật Thanh tra 2022, đó là được thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Luật Thanh tra năm 2010 không quy định thanh tra tổng cục, cục mà chỉ quy định thanh tra chuyên ngành. Luật Thanh tra năm 2022 đã đưa quy định Thanh tra tổng cục, cục từ nghị định do Chính phủ ban hành vào trong Luật do Quốc hội ban hành nhằm thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan thanh tra. Theo Điều 18 Luật Thanh tra năm 2022, thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà tổng cục, cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra tổng cục, cục được thành lập trong 03 trường hợp sau: - Theo quy định của luật; - Theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; - Tại tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ. Hai là, quy định về thời gian ban hành kết luận thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Theo đó, Điều 78 Luật Thanh tra năm 2022 quy định về thời hạn ban hành kết luận thanh tra như sau: - Thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định. - Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo. Trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra. Trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất 30 ngày từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải ban hành kết luận thanh tra. Ba là, về các hành vi bị nghiêm cấm. Luật Thanh tra năm 2022 kế thừa Luật Thanh tra năm 2010 quy định về 09 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: lạm quyền trong quá trình thanh tra; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra; không cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra… Bốn là, về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra. Luật thanh tra năm 2022 chia làm 05 nhóm cơ quan thực hiện thanh tra thay vì 02 nhóm như luật cũ, đó là: Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan Cơ yếu chính phủ; Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Năm là, UBND tỉnh có quyền thành lập thanh tra sở. Cụ thể tại khoản 2, Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022, thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây: - Theo quy định của luật; - Tại cơ sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; - Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Sáu là, phải có sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra. Tại Chương VI Luật Thanh tra năm 2022, đã có sự quy định về sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra. Cụ thể, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan điều tra có trách nhiệm phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước. Điểm mới này giúp xử lý các trường hợp bị chồng chéo, trùng lặp từ các khâu, các giai đoạn có mối quan hệ với nhau giữa hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước và hoạt động điều tra. Ngoài ra, trong Luật Thanh tra năm 2022, bổ sung các điều kiện đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước; sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên… Theo Điều 117 Luật Thanh tra năm 2022, kể từ ngày 01/7/2023, Luật Thanh tra năm 2010 sẽ hết hiệu lực thi hành. Đối với những cuộc thanh tra có quyế định thanh tra trước ngày Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thì vẫn tiếp tục áp dụng Luật Thanh tra năm 2010 để thực hiện. CN. Vi Thị Kim Ngân Khoa Nhà nước & pháp luật | ||
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-diem-moi-cua-luat-thanh-tra-nam-2022 | ||
|