Thứ ba, 20.12.2022 GMT+7

Giá trị lịch sử từ tác phẩm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946

Tác phẩm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ra đời cách đây 76 năm (19/12/1946 - 19/12/2022) như là lời hịch kêu gọi toàn dân tộc nhất tề đứng lên chống lại ách xâm lược của thực dân Pháp.

     Tác phẩm ra đời trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn thử thách khó khăn: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân ta chưa được hưởng tự do độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Phápquay lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Pháp đơn phương xé bỏ mọi cam kết trong Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, triển khai các hoạt động quân sự, tìm mọi thủ đoạn phá hoại nền độc lập, tự do mà nhân dân vừa giành lại được. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế xã hội của nước ta trong giai đoạn này cũng hết sức khó khăn, ảnh hưởng của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm đặt nước ta trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

      Ngày 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” với nội dung:

     “Hỡi đồng bào toàn quốc!

     Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

     Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

     Hỡi đồng bào!

     Chúng ta phải đứng lên!

     Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

     Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

     Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

     Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

     Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

     Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”

     Tác phẩm chưa đầy 200 từ nhưng chứa đựng những giá trị lịch sử sâu sắc về tinh thần yêu nước, ý chí khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam.

     Mở đầu tác phẩm, Bác nhấn mạnh tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, khẳng định rằng: Việt Nam không muốn chiến tranh, Việt Nam đã tìm mọi giải pháp để có hòa bình nhưng chính dã tâm của thực dân Pháp đã buộc nhân dân Việt Nam phải một lần nữa đứng lên đấu tranh để giữ vững nền độc lập dân tộc.

     Ngay sau lời khẳng định về truyền thống yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa của dân tộc ta, Bác đã khơi dạy quyết tâm không khoan nhượng trước âm mưu xâm lược của Pháp. Người khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

     Tiếp đó, Bác kêu gọi toàn dân đứng dậy, đoàn kết, nhất trí một lòng để đánh đuổi kẻ thù chung của toàn dân ta. Người nói: “Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

     Đáp lại Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nhất tề đứng lên bằng những loạt đại bác đầu tiên từ Pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch; mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Quân và dân Thủ đô Hà Nội đã anh dũng, không sợ hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến của quân thù. Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp mọi miền cả nước cũng đồng loạt đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước với niềm tin tất thắng!

     Về giá trị lịch sử:

     Một là, tác phẩm như là một văn kiện thể hiện đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng và nhân dân ta, có tác dụng cổ vũ, thôi thúc và động viên toàn dân nhất tề đứng lên đánh giặc. Lời hiệu triệu của Người trong tác phẩm là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, đất nước, thôi thúc cả dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới để giành độc lập dân tộc. Lời kêu gọi của Bác đã làm lay động con tim của hàng triệu triệu người dân Việt Nam, cùng đoàn kết đứng lên, vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Lời kêu gọi của Bác thực sự là một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự về khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn diện.

     Hai là, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến khẳng định khát vọng hòa bình, ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, khát vọng hòa bình và mong muốn hòa bình để xây dựng đất nước là khát vọng cháy bỏng của dân tộc ta.

     Ba là, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã để lại những bài học sâu sắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là bài học về tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Nền quốc phòng toàn dân trước hết được xây dựng vì mục đích hòa bình, giữ gìn sự ổn định để phát triển đất nước. Tư tưởng đó được kế thừa trong lịch sử dân tộc và được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Để có được hòa bình, “chúng ta phải nhân nhượng” và quyết “hy sinh tất cả” để bảo vệ độc lập khi Tổ quốc lâm nguy.

     Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta chỉ rõ: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”. Trong đó, “Các thế lực thù địch cấu kết với các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là phá hoại nền tảng chính trị, tư tưởng, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.

     Phát huy những giá trị sâu sắc từ tư tưởng của Bác trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, mỗi người Việt Nam cần phát huy trách nhiệm của mình, trân trọng nền hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân, gia sức thi đua học tập, lao động, sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, khơi dạy khát vọng xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, dân giàu, nước mạnh như Bác Hồ kính yêu vẫn hằng mong muốn.

 

ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền

 

Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=gia-tri-lich-su-tu-tac-pham-loi-keu-goi-toan-quoc-khang-chien-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ngay-19121946
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com