Thứ ba, 13.12.2022 GMT+7

CẢM NHẬN TỪ MỘT CHUYẾN ĐI THỰC TẾ TẠI QUY NHƠN - BÌNH ĐỊNH

Xe từ từ lăn bánh đưa chúng tôi xuống sân bay Nội Bài, đến với vùng đất Quy Nhơn, Bình Định. Cả đoàn ai cũng háo hức và mong chờ, vì có nhiều người chưa một lần đến Quy Nhơn, Bình Định.

     Máy bay hạ cánh xuống sân bay Phù Cát, một sân bay lưỡng dụng ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến Quy Nhơn là một thành phố lớn ven biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch của tỉnh Bình Định, Việt Nam. Trước khi thuộc về Việt Nam, Quy Nhơn là đất của người Champa nên xung quanh thành phố hiện vẫn tồn tại nhiều di tích Chăm. Sau năm 1975, Quy Nhơn thành thị xã tỉnh lỵ trực thuộc tỉnh Nghĩa Bình rồi chính thức trở thành thành phố năm 1986. Đến năm 1989, trở thành tỉnh lỵ của tỉnh bình Định cho đến nay. Với sự phát triển không ngừng của mình, Quy Nhơn đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010, được bình chọn là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á bởi tạp chí du lịch Rough Guides của  Anh vào năm 2015 và lọt vào top 20 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2020 do Hostelworld xếp hạng. Mục tiêu phát triển của thành phố là phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm vùng duyên hải miền Trung. Đến năm 2035, là trung tâm kinh tế biển quốc gia theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển tạo sức lan toả đến hệ thống đô thị toàn tỉnh Bình Định và vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Phát triển khu kinh tế Nhơn Hội làm động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội. Đến năm 2050, là một trong những thành phố quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và Đông Nam Á.

     Hiện nay cơ cấu các ngành kinh tế của Quy Nhơn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ lệ ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP. Quy Nhơn có các khu công nghiệp nổi tiếng như: Khu công nghiệp Phú tài, Long Mỹ, Nhơn Hội A, Nhơn Hội B, Nhơn Hội C;  cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Bùi Thị Xuân, Nhơn Bình, Quang Trung…

     Quy Nhơn xác định tập trung phát triển kinh tế cảng biển - du lịch nên những năm qua tỉnh đầu tư nâng cấp Cảng Quy Nhơn để trở thành đầu mối chuyển tiếp hàng hóa quá cảnh cho một số tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Cămpuchia qua Quốc lộ 19, Cảng có thể tiếp nhận tàu 30.000 DWT, công suất 04 triệu tấn/năm. Cảng Thị Nại là cảng tổng hợp địa phương, nâng cấp 160 mét cầu cảng, nạo vét luồng tuyến để tiếp nhận tàu từ 10.000 DWT trở lên. Cảng dầu Quy Nhơn được quy hoạch xây dựng có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 DWT, công suất đạt 0,8 triệu tấn/năm. Tỉnh Bình Định cùng với tỉnh Phú Yên là hai tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng khai thác cá ngừ và xuất khẩu ra nước ngoài.

     Cùng với phát triển cảng biển thì một trong lợi thế không thể không kể đến ở Quy Nhơn là đường biển và các thắng cảnh từ biển được thiên nhiên ưu đãi. Đến Quy Nhơn không thể không nhắc tới các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như:

     Ghềnh Ráng Tiên Sa: Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 03 km về hướng Đông Nam. Thắng cảnh Ghềnh Ráng trải dọc bờ biển, uốn lượn hàng cây số, nước biển trong xanh. Nơi đây, có bãi Đá Trứng (với vô số hòn đá tròn nhẵn như trứng chim khổng lồ) là quần thể sơn thạch còn gọi là Bãi tắm Hoàng hậụ (Nam Phương Hoàng hậu từng đến tắm ở đây), dấu vết tận cùng phía đông của dãy núi Xuân Vân. Ngoài ra, nơi đây còn có mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử nằm trên đồi Thi Nhân và Lầu Bảo Đại.

     Biển Quy Hòa: Bên cạnh biển Quy Hòa có bệnh viện phong Quy Hòa, khá đơn sơ mộc mạc nhưng có lẽ vì vậy mà nơi đây cho ta cảm giác mộc mạc, thanh thản.

     Eo Gió: Có lẽ bất kỳ ai đến Eo Gió lần đầu đều không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những rặng núi đá cao chót vót, trập trùng với những hang động kỳ vĩ, đàn chim én lượn chao quanh. Eo Gió đẹp theo kiểu hoang sơ bởi những rặng núi có hình thù kỳ lạ vươn ra biển lớn, ôm trọn một vòng tạo thành một eo biển hút gió. Sóng biển vỗ rì rào thay nhau vờn chân núi, nhè nhẹ vào vách đá. Trong lòng Eo Gió, một bãi biển cát vàng khá rộng, sóng êm êm khiến bạn như thả trôi mình vào thiên nhiên. Nhìn xa xa, phía trước bãi biển, những cụm đảo mang nhiều hình thù kỳ lạ lô nhô trên mặt nước. Bên vách núi, những hang động với cái tên rất ngộ nghĩnh: hang Kỳ Co, hang Ba Nghé… thu hút rất nhiều chim yến đến đây sinh sống. Đến Eo Gió, bạn phải leo 01 giờ lên đỉnh núi cao chót vót mới chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp kỳ vĩ của đất trời. Đường lên đỉnh tuy gập ghềnh, khó đi nhưng bù lại cho bạn cảm giác bồng bềnh, khó tả khi nhìn Eo Gió dưới chân mình hiện ra như một chiếc tàu cá chuẩn bị lao ra biển lớn. Nếu soi ống nhòm, bạn có thể thấy rõ những rặng san hô trong nước xanh trong vắt, xung quanh là những đàn cá tung tăng bơi lội.

     Hải đăng cổ Cù Lao Xanh: Từ đây, nhìn được toàn bộ khu vực đảo và chiêm ngưỡng được cảnh biển bao la phía xa, trong lòng chợt phóng khoáng nhớ một câu thơ “Muốn nhìn xa nghìn dặm, lên nữa một tầng lầu”. Men xuống theo hướng Tây Bắc của ngọn hải đăng là Suối Giếng Tiên. Tên suối này xuất phát từ một tương truyền rằng, xưa kia vào những đêm trăng sáng các nàng tiên trên trời xuống đây để du ngoạn. Các nàng tiên rủ nhau cởi xiêm áo, tắm mát và vui đùa rồi mới bay trở về trời.

     Đảo Yến Quy Nhơn: Đây là xứ sở của loài chim yến. Cứ mỗi xuân đến, tiết trời ấm áp, chim yến rủ nhau từng đàn đông nghịt đến đây làm tổ, trên địa phận bán đảo Phương Mai. Dãy Triều Châu ăn ra biển, trải dài khoảng 15km, tạo thành những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp với tên gọi: Hòn Mai, hòn Chóp Vung, núi Đen… trong đó, có ngọn núi phía nam mang tên Hòn Yến. Ngoài ra, Quy Nhơn còn có các danh lam thắng cảnh khác như: Tháp Đôi, chùa Long Khánh, chùa Sơn Long là di tích danh lam nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch quan tâm.

     Ẩm thực Quy Nhơn với nhiều món ăn nổi tiếng mà quý khách không thể bỏ qua như,Bún chả cá (đây là món bún ngon không chỉ người dân trong tỉnh thích mà còn là một món ăn hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước đến với Quy Nhơn). Bánh xèo tôm nhảy (món Bánh xèo đặc biệt với nhân bánh là những con tôm đất đỏ au và tròn mẩy, vẫn còn nhảy tanh tách khi mới bắt lên). Bánh hỏi cháo lòng (tổ hợp của hai món Bánh hỏi và Cháo lòng).

     Đến với Quy Nhơn, Bình Định, chúng tôi cảm nhận được con người đất võ mến khách, thân thiện, kiên cường, nghĩa hiệp. Có câu: “Hẹn nhau ta về miền trung, Bình Ðịnh vang bóng địa linh anh hùng", câu thơ nói lên khí chất kiên cường, nghĩa hiệp của con người đất võ. Đặc biệt khi nói đến con gái Bình Định, không thể quên câu thơ “Ai về Bình Định mà xem, con gái Bình Định cầm roi đi quyền”.

     Một lần đến Quy nhơn, Bình Định, thiên nhiên và con người thật gần gũi, thiết tha. Lên xe trở về Phú Thọ, chúng tôi đều tự nhủ một ngày gần nhất sẽ quay trở lại đất võ để cảm nhận những đổi thay trong thời gian tới. Nếu bạn chưa đến Quy Nhơn, Bình Định, hãy một lần đến và cảm nhận.

     Tài liệu tham khảo:

  1. Http://binhdinh.gov.vn.
  2. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 09 tháng và nhiệm vụ trọng tâm quý 4/2022.
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cam-nhan-tu-mot-chuyen-di-thuc-te-tai-quy-nhon-binh-dinh
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com