Thứ ba, 13.12.2022 GMT+7

SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ Ở KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ, GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHUYÊN MÔN

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương Hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ về nội dung sinh hoạt chi bộ thường kỳ, định hướng sinh hoạt chuyên đề của từng loại hình chi bộ, với nội dung yêu cầu đặt ra khi sinh hoạt chi bộ: Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, tùy điều kiện nhiệm vụ cụ thể, Bí thư cần lựa chọn một số vấn đề mới, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên để tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề nhằm tập trung sự lãnh đạo của chi bộ, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

          Từ thực tiễn sinh hoạt chuyên đề tại Chi bộ khoa Lý luận cơ sở cho thấy: Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó, sinh hoạt chuyên đề là nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính giáo dục và là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

          Do vậy những năm gần đây, Chi bộ khoa Lý luận cơ sở chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ và đặc biệt là sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề gắn với nhiệm vụ nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực cho đội ngũ giảng viên là đảng viên của đơn vị bằng việc lựa chọn những vấn đề về chuyên môn liên quan đến nội dung giảng dạy để nghiên cứu, các chuyên đề tìm hiểu  các quy định của pháp luật gắn với việc thực hiện các quy chế của nhà trường, các nghị quyết, luật pháp, quy định, kỹ năng nghiệp vụ, tìm ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, để từ đó, đưa ra những giải pháp thiết thực, phù hợp để tổ chức tháo gỡ, khắc phục.  

          Nội dung các buổi sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ được lựa chọn phù hợp với nhiệm vụ của khoa. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm chi bộ luôn tổ chức nghiên cứu, xây dựng và sinh hoạt 04 chuyền đề cho 04 quý. Năm 2022, chi bộ đã xây dựng 04 chuyên đề điển hình phục vụ nâng cao chất lượng công tác như: Quý 1: “Chi bộ lãnh đạo thực hiện tốt Bộ quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; Quý 2:“Chi bộ khoa Lý luận cơ sở lãnh đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo”; Quý 3: “Chi bộ khoa Lý luận cơ sở nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết số 19-NQ/TW Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quý 4: “Đảng viên chi bộ khoa Lý luận cơ sở tích cực phấn đấu thi đua xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 1 giai đoạn 2022 - 2027”.

          Để buổi sinh hoạt chuyên đề đạt chất lượng, hiệu quả, thiết thực đối với các đảng viên, ngay từ đầu năm Chi bộ khoa đã xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề cụ thể cho từng quý theo hướng dẫn của cấp trên, phân công cụ thể từng đảng viên nghiên cứu, chuẩn bị đề cương, nội dung chuyên đề. Đến nay, việc tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề đã trở thành nền nếp, nội dung và cách thức tổ chức buổi sinh hoạt được thực hiện một cách bài bản có khoa học, phù hợp với chuyên môn. Thông qua sinh hoạt chuyên đề giúp cho đảng viên nhìn nhận, đánh giá được công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, cấp ủy đối với hoạt động của đơn vị; đồng thời, đánh giá được việc chọn chuyên đề sinh hoạt hàng quý phải sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện cho phù hợp đối với từng đảng viên, tránh hình thức, xa rời thực tiễn, phù hợp để bồi dưỡng cho đảng viên. Qua sinh hoạt các chuyên đề, đã đưa ra được nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để làm tốt hơn các nội dung của chuyên đề, giúp ích cho việc cập nhập kiến thức, thúc đẩy việc tự học, tự nghiên cứu của giảng viên là đảng viên trong chi bộ.

          Qua thực tế nhận thấy, công tác chuẩn bị, xây dựng và triển khai chuyên đề, thì người thu được nhiều lượng kiến thức, kết quả nhất chính là người trực tiếp nghiên cứu, xây dựng viết các bài tham luận của chuyên đề. Vì vậy, việc phân công luân phiên đảng viên trong chi bộ xây dựng báo cáo chuyên đề và lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của các bài tham luận chuyên đề, thì việc xây dựng chuyên đề phải được đề ra kế hoạch từ đầu quý, phân công đảng viên chuẩn bị từ trước đề cương và phải cử đảng viên có chuyên môn cao về nội dung của chuyên đề đó hoặc trực tiếp đồng chí Bí thư chi bộ và Lãnh đạo Đảng ủy phải kiểm duyệt dự thảo đề cương và chỉnh sửa, định hướng xây dựng đề cương, xây dựng nội dung chuyên đề, chỉ ra cách nghiên cứu, tiếp cận vấn đề, rồi đưa ra tập thể chi bộ thảo luận, đóng góp, nhằm bảo đảm nội dung chuyên đề khi xây dựng phải có chất lượng tốt. Sau khi sinh hoạt chuyên đề xong, các bài viết có thể được đăng tải trên Website nhà trường.

          Với cách làm như vậy, việc sinh hoạt chuyên đề ở Chi bộ khoa Lý luận cơ sở đã mang hiệu quả, thành công, phát huy được tinh thần trách nhiệm, ý thức vì tập thể của mỗi đảng viên; phát huy triệt để nguyên tắc tự phê bình và phê bình trên tinh thần xây dựng, hợp tác, thể hiện được tính đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyên môn được giao.

          Nhờ thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp, đã nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của đảng viên về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, góp phần quan trọng vào những sự thay đổi theo chiều hướng tốt lên, khắc phục được các tồn tại hạn chế đem lại kết quả tốt hơn trong thời gian qua của đơn vị khoa Lý luận cơ sở.

           Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế việc sinh hoạt chuyên đề còn một số mặt hạn chế như việc chuẩn bị nội dung chuyên đề của một số đảng viên chưa kỹ, các đảng viên không được phân công thì thường không nghiên cứu về nội dung chuyên đề để góp ý nên trong sinh hoạt một số đảng viên thảo luận chuyên đề còn chưa thật sôi nổi, số ý kiến tham gia của đảng viên chưa đồng đều, còn thụ động phải chỉ định mới phát biểu, chủ yếu tập trung ở người được phân công xây dựng chuyên đề và đồng chí Bí thư.

          Qua những nội dung đã làm được trong thời gian qua, những hạn chế trong sinh hoạt chuyên đề, để nâng cao hiệu quả trong sinh hoạt chuyên đề cần quan tâm một số nội dung chuẩn bị tốt hơn việc sinh hoạt chuyên đề trong năm 2023 như sau:

          Một là, xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên đề phải từ đầu năm, để phân công, định hướng và có thời gian cho các đảng viên chuẩn bị. Việc chuẩn bị, lựa chọn chuyên đề cần khắc phục tồn tại, hạn chế của từng đảng viên trên cơ sở yêu cầu công việc của khoa chuyên môn để từ đó giao việc xây dựng chuyên đề, để tự nghiên cứu, tự học, tự tìm hiểu, tự nhận biết tồn tại, hạn chế của mình là từ nguyên nhân gì và cần đưa ra giải pháp gì để khắc phục. Chi bộ thảo luận thông qua đề cương, họp bàn thống nhất nội dung sinh hoạt chuyên đề cụ thể cho phù hợp. Đảng viên được phân công chuẩn bị nội dung chuyên đề phải nghiên cứu kỹ, xây dựng đề cương chi tiết, thu thập số liệu, tài liệu có liên quan một cách đầy đủ nhất để xây dựng tham luận, chuẩn bị thảo luận trong buổi sinh hoạt chuyên đề của chi bộ.

          Hai là, tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề: Theo kế hoạch sinh hoạt chuyên đề cụ thể từng tháng của quý, đảng viên được phân công phải chuẩn bị đề cương, nội dung, Bí thư phải kiểm duyệt và cung cấp bản dự thảo cho các đảng viên trong chi bộ nghiên cứu trước, chủ động chuẩn bị để tham gia đóng góp ý kiến trong cuộc họp. Trong sinh hoạt chuyên đề, người được phân công chuẩn bị trình bày báo cáo trước chi bộ, sau đó thảo luận; các đảng viên trong chi bộ cùng tham gia góp ý, xây dựng, đề xuất giải pháp và kết luận buổi sinh hoạt. Tổ chức như vậy, đảng viên được phân công chuẩn bị nội dung sẽ nâng cao trình độ và khả năng diễn thuyết. Việc chủ động tìm đọc các tài liệu liên quan, chuẩn bị nội dung của từng đảng viên và tham gia thảo luận sẽ hình thành nhận thức mới cho đảng viên, góp phần nâng cao trình độ của đảng viên và tính hấp dẫn trong sinh hoạt chi bộ.

           Ba là, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt chuyên đề: Việc phổ biến, quán triệt chỉ bằng lời nói trong suốt một buổi sinh hoạt là một trong những nguyên nhân gây nên sự khô khan, đơn điệu cho đảng viên khi dự sinh hoạt chi bộ. Cần áp dụng hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên đề gắn với việc đi thực tế ở địa phương cơ sở như: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở các địa chỉ đỏ di tích lịch sử, các mô hình kinh tế điển hình tiến tiến, các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới... Từ đó, làm tăng sự sinh động, hấp dẫn cho buổi sinh hoạt chuyên đề, thu hút sự tập trung cao độ của đảng viên và quan trọng hơn là nâng cao kiến thức thực tế gắn với nhiệm vụ giảng dạy của giảng viên khoa Lý luận cơ sở.

          Bốn là, sau buổi sinh hoạt chuyên đề: Đảng viên được phân công chuẩn bị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các đảng viên, hoàn chỉnh chuyên đề để có thể đăng tải lên trang Website của nhà trường và gửi đăng báo địa phương. Chi bộ họp rút kinh nghiệm buổi sinh hoạt, rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế để buổi sinh hoạt chuyên đề lần sau tổ chức được tốt hơn; đồng thời, tham gia để hoàn chỉnh chuyên đề, thống nhất kết luận những vấn đề trong chuyên đề, có thể rút ra nghị quyết hoặc kết luận chuyên đề của chi bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

          Như vậy, để việc sinh hoạt chuyên đề mang lại hiệu quả cao thì cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và thời gian sinh hoạt cho phù hợp với tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ chuyên môn hằng năm của khoa Lý luận cơ sở. Chi ủy, Bí thư chi bộ phải định hướng chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt; chọn những việc cụ thể, thiết thực, liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ để thảo luận, bàn biện pháp chỉ đạo. Tùy theo kết quả của sinh hoạt chuyên đề, chi bộ có thể kết luận chuyên đề để tổ chức thực hiện; hoặc nếu trong sinh hoạt chuyên đề còn nhiều vấn đề phải cân nhắc, chưa thể kết luận thì người chủ trì sinh hoạt chuyên đề nên gợi mở một số vấn đề đảng viên tiếp tục nghiên cứu. Cấp ủy cấp trên trực tiếp thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc sinh hoạt chuyên đề ở cơ sở. Quan tâm, chú trọng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên hiện nay.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=sinh-hoat-chuyen-de-o-khoa-ly-luan-co-so-gop-phan-nang-cao-chat-luong-sinh-hoat-chi-bo-nang-cao-chat-luong-chuyen-mon
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com