Thứ tư, 30.11.2022 GMT+7

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HỌC VIÊN TRONG HỌC TẬP TÁC PHẨM CỦA TỔNG BÍ THƯ, NHẰM BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dài hơn 450 trang, gồm tập hợp hệ thống 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư từ khi chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến cuối năm 2021. Qua đó, Tổng Bí thư tập trung lý giải các câu hỏi lớn của đất nước như: CNXH là gì? Vì sao Việt Nam lại lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng CNXH ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa và đặt ra vấn đề gì? Bằng sự trăn trở cùng với tư duy lý luận sắc bén, tầm nhìn chiến lược, tất cả những câu hỏi trên đều được Tổng Bí thư luận giải một cách ngắn gọn, dễ hiểu, súc tích.

     Đồng thời, Tổng Bí thư cũng nêu vấn đề: “Chúng ta phải định hình CNXH thế nào và định hướng đi lên CNXH thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam?”

     Trả lời câu hỏi thứ nhất, lựa chọn con đường đi lên CNXH là tất yếu khách quanĐể khẳng định con đường phát triển của lịch sử loài người là khách quan, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định”. Nhưng diễn biến tình hình sau đó đã khác. Tuy nhiên, sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì “vấn đề đi lên CNXH lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt”.

     Sau khi phân tích toàn diện và sâu sắc tình hình thế giới từ khi Liên Xô sụp đổ, đặc biệt những luận điệu xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, những diễn biến tư tưởng trong hàng ngũ cách mạng, tư tưởng hoài nghi về tính đúng đắn, khoa học của CNXH, của chủ nghĩa Mác - Lênin... Tổng Bí thư đã đặt ra các câu hỏi: “Thực tế có phải như vậy không? Thực tế có phải hiện nay chủ nghĩa tư bản, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?”

     Với tầm tư duy lý luận sắc bén, chặt chẽ, khúc triết và thuyết phục, Tổng Bí thư đã trả lời từng câu hỏi nêu ra. Trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, mặt hạn chế, những mâu thuẫn nội tại, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng của thế giới nói chung và CNTB nói riêng, Tổng Bí thư đã chỉ rõ bản chất bóc lột của CNTB là không thể che đậy và những mâu thuẫn vốn có của nó, cũng như các cuộc khủng hoảng “không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ TBCN”. Những mâu thuẫn nội tại trong lòng chế độ tư bản và tính ưu việt của chế độ XHCN mà loài người đang hướng tới, Tổng Bí thư khẳng định thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH bởi đó là quy luật tiến hóa khách quan của loài người, không thể khác.

     Để trả lời cho câu hỏi thứ hai, mô hình CNXH ở Việt Nam được xây dựng như thế nào? Tổng Bí thư chỉ rõ những điều chúng ta cần, đó là: Một xã hội mà trong đó “sự phát triển là thực sự vì con người”; “sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội”; “nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”; “sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”; “một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”.

     Những điều tốt đẹp mà Tổng Bí thư nêu chính là những giá trị đích thực của CNXH, đó là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

     Nhận thức của Tổng Bí thư thể hiện trong cuốn sách, đồng thời, là nhận thức mới của Đảng ta về những đặc trưng của CNXH ở Việt Nam. Mô hình ấy chính là sự sáng tạo riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những nhận thức mới ấy là hoàn toàn đúng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn Việt Nam. Có thể khẳng định, thành tựu phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn mới nhất của Đảng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã được Tổng Bí thư đúc kết, thể hiện rõ trong cuốn sách này.

     Không chỉ giúp cho người đọc nhận thức sâu sắc hơn về CNXH, Tổng Bí thư còn chỉ ra cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu con đường chuyển biến từ chế độ TBCN lên CNXH không phải trải thảm đỏ, dải hoa hồng, không phải là một sớm một chiều, mà nhiều chông gai, thử thách, quanh co và phức tạp. Để giành thắng lợi trên con đường xây dựng CNXH, Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh tinh thần đổi mới, sáng tạo; quyết tâm cao; sự chung sức, đồng lòng; giữ nghiêm kỷ cương, phép nước...

     Có thể nói, đây là tài liệu quý, vừa có giá trị lý luận, vừa có giá trị thực tiễn sâu sắc, nhất là tổng kết lý luận về đường lối đổi mới, những phát triển sáng tạo riêng có của Đảng Cộng sản Việt Nam về mô hình CNXH Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nội dung tác phẩm trở thành kim chỉ nam, định hướng quan trọng giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, tạo nên sự thống nhất tư tưởng trong toàn xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện những mục tiêu chiến lược mà Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân đã lựa chọn. Cuốn sách không chỉ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với các thầy cô giảng dạy lý luận chính trị mà còn giúp cho mỗi học viên học lý luận có thêm hiểu biết về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; từ đó có thể vận dụng vào vị trí việc làm, cống hiến sức lực của mình để xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam.

     Hiện nay, lo sợ trước sức lan tỏa sâu rộng từ tinh thần tác phẩm, các thế lực thù địch ngay lập tức có những động thái chống phá gay gắt, nhằm mục đích làm suy giảm uy tín của đồng chí Tổng Bí thư, xuyên tạc bóp méo nội dung tác phẩm theo cách thức quen thuộc của các thế lực phản động. Thủ đoạn của các thế lực thù địch vẫn là viết bài, đăng bài, phát tán, bình luận trên nền tảng mạng xã hội và một số website, tờ báo nước ngoài có tư tưởng phản động chống phá Việt Nam như: Kênh VOA Tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do... Chúng cho rằng, Tổng Bí thư đã đưa ra “hệ thống lý luận cũ kỹ, không còn phù hợp với thời đại”, "lạc nhịp", "lỗi thời" và Việt Nam “lợi dụng tự do, dân chủ, tuyên truyền chống phá các nhà nước tư bản”; phản đối chế độ một đảng lãnh đạo ở Việt Nam; bôi nhọ, nói xấu chế độ ta. Thực chất, đây là những luận điệu sai trái, thông tin sai sự thật, "lập lờ đánh lận con đen", cố tình xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam mà Tổng Bí thư đã trình bày trong bài viết quan trọng của mình.

     Để đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, với vai trò là học viên học trung cấp lý luận chính trị, chúng ta cần phát huy những nội dung sau:

     Thứ nhất, nâng cao nhận thức của mỗi học viên về ý nghĩa, giá trị của tác phẩm đối với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

     Để nâng cao nhận thức của mình, học viên cần tích cực tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như thực tiễn cách mạng Việt Nam. Có thể thấy, tác phẩm của Tổng Bí thư chính là sự kế thừa có phát triển sâu sắc những luận điểm, những quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người đã được chỉ rõ trong học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nội dung tác phẩm chính là sự cụ thể hóa mô hình CNXH của Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Từ đó, để chúng ta nhận thức rằng, những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH có giá trị trường tồn, phù hợp với xu hướng của cách mạng thế giới. Trên cơ sở đó, nâng cao niềm tin khoa học vào con đường XHCN của Việt Nam, đập tan âm mưu xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng của các thế lực thù địch.

     Thứ hai, phát huy tính tiên phong gương mẫu của mỗi học viên trong học tập lý luận chính trị, học tập tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư.

     Tính tiên phong gương mẫu của học viên trong học tập lý luận chính trị thể hiện ở sự nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế học tập, trong quá trình học tập luôn có ý thức trau dồi tri thức lý luận chính trị. Từ đó, có tư duy chính trị vững vàng, không hoang mang dao động trước những chiêu bài công kích, nói xấu, xuyên tạc về Đảng, chế độ cũng như nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

     Khi nghiên cứu, học tập tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư cần coi đây vừa là nhu cầu vừa là nhiệm vụ, thấm nhuần những tinh thần quan trọng của tác phẩm để vận dụng vào thực tiễn công tác.

     Thứ ba, luôn có ý thức đổi mới tư duy, nhận thức, cách thức, phương pháp học tập lý luận chính trị.

     Để khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, mỗi học viên cần đổi mới tư duy nhận thức về việc đi học. Coi việc tham gia học lý luận không chỉ vì mục đích lấy bằng, vì hoàn thiện hồ sơ mà vì yêu cầu nâng cao trình độ lý luận chính trị, có nhãn quan sắc bén về lý luận chính trị, nhận thức đúng đắn về nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bảo vệ cái hay, cái đúng, phê phán những cái xấu, cái cũ kĩ, lạc hậu, không phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng cũng như bản sắc văn hóa của dân tộc. Cùng với đó, học viên cần kết hợp lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành, luôn rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, biến ý tưởng sáng tạo của mình trở thành khát vọng xây dựng đơn vị, quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

     Thứ tư, tích cực rèn luyện tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

     Thường xuyên có ý thức rèn luyện để trở thành người đảng viên có phẩm chất đạo đức trong sáng, lành mạnh, thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Việc rèn luyện đạo đức, phong cách của mỗi người cần thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, càng khó khăn càng cần phải rèn luyện, coi việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhu cầu tự thân của mỗi học viên.

     Thứ năm, tích cực đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước cũng như chế độ XHCN.

     Cùng với việc học tập rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống và năng lực công tác, học viên cũng cần biết đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, thù địch nhằm mục đích hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo cao cấp, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng và các nội dung chống phá khác.

     Cách thức đấu tranh bằng nhiều biện pháp như không like, comment, share những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; nói và viết theo đúng quan điểm của Đảng; không vi phạm pháp luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

     Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, qua đó, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới. Tin tưởng rằng, các đồng chí học viên đã cơ bản hiểu được những giá trị to lớn của tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư, từ đó, chúng ta có niềm tin sâu sắc hơn vào sự lựa chọn con đường CNXH mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã kiên trì xây dựng.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=phat-huy-vai-tro-cua-hoc-vien-trong-hoc-tap-tac-pham-cua-tong-bi-thu-nham-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-trong-tinh-hinh-moi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com