Thứ tư, 30.11.2022 GMT+7

THỰC TIỄN XÂY DỰNG QUỐC PHÒNG, AN NINH, ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM TRONG TÁC PHẨM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” là một tác phẩm được tập hợp từ 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đã phân tích, tổng kết thực tiễn, phát triển, hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; cũng như những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trên nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, như: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

     “Thực tiễn xây dựng quốc phòng, an ninh; đối ngoại của Việt Nam trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu”, gồm 02 phần:

     Phần 1: Thực tiễn xây dựng quốc phòng, an ninh; đối ngoại của Việt Nam trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

     Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân vân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”[1].

     Từ thực tiễn công cuộc đổi mới hơn 35 năm qua, nhất là 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đảng ta rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu về công tác xây dựng quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đó là: “Chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không được để bị động, bất ngờ. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng; đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ. Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”[2].

     Trước tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chúng ta đã coi trọng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh, chủ động xử lý thành công các tình huống, không để bị động, bất ngờ. An ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, đồng thời đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác, phát triển của thế giới và khu vực, được cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

     Về công tác đối ngoại, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 14/12/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc dân tộc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.

     Đồng thời, Tổng Bí thư đã nêu rõ nhiệm vụ cơ bản trong giai đoạn 10 năm tới về công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại được Đảng ta xác định đó là: Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả.

     Một trong những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, đó là: Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

     Phần 2: Vận dụng các nội dung về công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tác phẩm của Tổng Bí thư vào thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.

     Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu là một trong năm đơn vị khoa, phòng của nhà trường; Phòng có chức năng, nhiệm vụ: Tham mưu, đề xuất với Ban Giám hiệu thực hiện công tác tổ chức cán bộ, chính sách cán bộ, thi đua - khen thưởng, hành chính, quản trị cơ sở vật chất và thông tin, tư liệu; trong đó có nhiệm vụ tham mưu thực hiện công tác an ninh trật tự, huấn luyện tự vệ, phòng cháy chữa cháy và lễ tân, ngoại giao.

     Trong những năm qua, phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu đã tham mưu, đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cơ quan; công tác lễ tân, ngoại giao. Cụ thể:

     Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cơ quan: Xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự; đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “an toàn về an ninh trật tự”; nội quy, quy chế bảo vệ cơ quan, bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý học viên; phòng, chống cháy, nổ; 100% cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên ký cam kết thực hiện các nội quy, quy chế về xây dựng nhà trường đạt tiêu chuẩn “an toàn về an ninh trật tự”, gắn với các phong trào thi đua trong toàn trường.

     Thường xuyên chỉ đạo các nhân viên bảo vệ, tự vệ cơ quan, phối hợp chặt chẽ với các khoa, phòng, đoàn thể nhà trường và Công an phường Tiên Cát để nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn cơ quan. Tham mưu, đề xuất với Ban Giám hiệu lắp đặt hệ thống camera giám sát từ cổng chính của nhà trường, các nhà xe và khu nhà giảng đường, hội trường, lớp học, nhà điều hành; mua sắm phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy. Bố trí lực lượng thường trực bảo vệ cơ quan đảm bảo gác trực nghiêm túc 24/24 giờ trong ngày; bảo vệ tài sản, quản lý chặt chẽ người ra vào cơ quan, không để kẻ xấu lợi dụng gây mất an ninh trật tự trong cơ quan.

     Xây dựng Kế hoạch công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ và thực tập phương án chữa cháy tại chỗ, về công tác phòng, chống cháy, nổ. Xây dựng các kế hoạch, giáo án để tổ chức huấn luyện cho lực lượng tự vệ của nhà trường về kỹ thuật, chiến thuật bảo vệ cơ quan trong tình hình mới, nhằm đảm bảo an ninh chính trị, an toàn trong cơ quan; đáp ứng yêu cầu và góp phần xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

     Do đó, nhà trường không xảy ra các hoạt động gây rối, khiếu kiện và tụ tập đông người trái với quy định của pháp luật; không để xảy ra tội phạm; không có cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên phạm tội hoặc mắc tệ nạn xã hội; không để xảy ra cháy, nổ, tai nạn lao động.

     Công tác dân quân tự vệ: Hằng năm, phòng đã tham mưu với Ban Chỉ huy quân sự nhà trường xây dựng các kế hoạch: Quân sự, quốc phòng; Tự vệ; Huấn luyện tự vệ; Xây dựng lực lượng, các giáo án để phục vụ cho huấn luyện lực lượng tự vệ cơ quan theo Kế hoạch, tham diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh theo Kế hoạch diễn tập của tỉnh.

     Công tác lễ tân, ngoại giao: Phòng đã cùng với các đơn vị khoa, phòng tham mưu, đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên giữ mối quan hệ với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để tiếp nhận kịp thời thông tin chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị ủy; các cơ sở liên kết đào tạo trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường giao lưu, mở rộng mối quan hệ với các trường chính trị để học tập kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác thi đua, khen thưởng.

     Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên trong thời gian tới, phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu cần phối hợp với các đơn vị khoa, phòng tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu thực hiện tốt một số nội dung sau:

     Một là: Đối với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn cơ quan.

     Tiếp tục quán triệt và triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh trong việc triển khai nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh cho các cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên nhà trường.

     Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, động viên cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự nơi công tác và nơi cư trú.  

     Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm; chấp hành pháp luật, tự giác quản lý, bảo vệ tài sản của nhà trường, của cá nhân và khách đến liên hệ công tác; đấu tranh với các hành vi tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.

     Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo; quản lý chặt chẽ người ra/vào cơ quan, tăng cường tuần tra bảo vệ cơ quan để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

     Tiếp tục quán triệt các cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng; đầu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Phối hợp chặt chẽ với các khoa, phòng, đoàn thể tích cực tham gia xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện, đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng và an ninh trật tự, an toàn cơ quan.

     Đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan theo quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Chú trọng xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy chế trong nội bộ cơ quan, tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” tại đơn vị, địa bàn cư trú; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong nội bộ cơ quan, trong mối quan hệ giữa cơ quan với các cá nhân, đơn vị, đoàn thể.   

     Thực hiện tốt công tác thi đua; động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cơ quan; phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng các gương “người tốt, việc tốt”, các điển hình tiên tiến trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cơ quan.

     Hai là: Đối với công tác huấn luyện tự vệ, phòng cháy, chữa cháy.

     Hằng năm, tổ chức thực hiện Kế hoạch giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật và huấn luyện quân sự cho lực lượng tự vệ cơ quan; thực hiện Kế hoạch tuyên truyền tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy cho đội chữa cháy của nhà trường. Thường xuyên kiểm tra các phương tiện và hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống chống sét của cơ quan.

     Ba là: Đối với công tác lễ tân, ngoại giao.

     Thường xuyên giữ mối quan hệ để tiếp nhận kịp thời thông tin chỉ đạo, điều hành từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, thực hiện cơ chế chính sách để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.

     Tăng cường mối quan hệ, linh hoạt, mềm dẻo trong công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành; các trung tâm chính trị cấp huyện, các cơ sở liên kết đào tạo để mở rộng loại hình đào tạo, bồi dưỡng... nhằm tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, giảng viên, nhân viên.

     Tăng cường giao lưu, mở rộng mối quan hệ với các học viện, các trường chính trị trên cả nước, trong khu vực, trong cụm thi đua để chia sẻ, học tập kinh nghiệm, hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thi đua, khen thưởng; nghiên cứu khao học; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng các tiêu chí trường chính trị chuẩn.


[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2021, trang 24.

[2] Sđd, trang 49.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=thuc-tien-xay-dung-quoc-phong-an-ninh-doi-ngoai-cua-viet-nam-trong-tac-pham-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com