Thứ tư, 30.11.2022 GMT+7

HỘI NGHỊ TƯ VẤN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ ĐẠT CHUẨN MỨC 1 VÀO NĂM 2025, PHẤN ĐẤU ĐẠT CHUẨN MỨC 2 VÀO NĂM 2030

Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về trường chính trị chuẩn; Sáng ngày 29/11/2022, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội nghị tư vấn xây dựng Đề án Trường Chính trị đạt chuẩn mức 1, vào năm 2025.

   

Đ/c Bùi Đình Thi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu chủ trì Hội nghị

     Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Bùi Đình Thi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; tham dự Hội nghị có các đại biểu đại diện Lãnh đạo các cơ quan: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Khoa học & Công nghệ, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Thành ủy Việt Trì; các đồng chí Lãnh đạo trường, Trưởng các khoa, phòng Trường Chính trị tỉnh.

     Quán triệt nội dung, yêu cầu Hội nghị, đồng chí Bùi Đình Thi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị ở địa phương. Để đáp ứng được các tiêu chí của trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII), các trường chính trị cấp tỉnh, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ cần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn… đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Để xây dựng trường chính trị chuẩn, nội dung quan trọng nhất là thực hiện bộ tiêu chí xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn mức 1, mức 2. Hội nghị được tổ chức trong buổi sáng, do vậy, đề nghị các đại biểu nghiên cứu dự thảo Đề án, tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung của dự thảo Đề án để trình Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào quý 1/2023 đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Đ/c Nguyễn Thị Thanh Hương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường báo cáo tóm tắt nội dung cơ bản của Đề án xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 1, vào năm 2025

     Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường báo cáo tóm tắt nội dung cơ bản của Đề án xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 1, vào năm 2025, Hội nghị được nghe các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội nghị, tập trung vào các nội dung: xác định tên gọi, lộ trình, mục tiêu của Đề án; các ý kiến tư vấn về việc sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất tại chỗ để đạt chuẩn mức 1, xây dựng nhà trường ở địa điểm mới để đạt chuẩn mức 2, chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức, các giải pháp thực hiện các mục tiêu đề án…

     Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ trì Hội nghị kết luận: Các đồng chí trong Hội đồng tư vấn đồng tình và nhất trí cao với Đề án do Trường Chính trị tỉnh dự thảo; các đại biểu đều cho rằng Đề án được xây dựng công phu, nội dung cụ thể, khoa học; bố cục chặt chẽ, hợp lý. Thống nhất tên gọi của Đề án là “Xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025, tiến tới đạt chuẩn mức 2 vào năm 2030”. Tuy nhiên, Đề án sẽ do Tỉnh ủy ban hành nhưng nhiều nội dung vẫn thể hiện văn phong của Trường Chính trị tỉnh. Do vậy, đề nghị nhà trường cần phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nội dung để hoàn chỉnh Đề án, đảm bảo tính chủ thể.

Toàn cảnh Hội nghị

     Để đạt được mục tiêu chiến lược xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn trong thời gian tới, đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị nhà trường cần thực hiện tốt các nội dung sau:

     Thứ nhất: Nghiên cứu xây dựng lộ trình phát triển Trường Chính trị đến năm 2030; xác định rõ định hướng phát triển tổng thể có tầm nhìn dài hạn và lộ trình, nguồn lực thực hiện, khắc phục việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt và ngắn hạn. Cần tập trung hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt chuẩn mức 1 (19 tiêu chí); có một số tiêu chí có thể đẩy nhanh tiến độ trước năm 2025, như: Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho Lãnh đạo trường, Lãnh đạo khoa và giảng viên (Mở lớp trong năm 2023); Lãnh đạo khoa, Lãnh đạo phòng giữ ngạch giảng viên chính, chuyên viên chính (Sẽ tổ chức thi nâng ngạch vào năm 2023). Xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng (Nhà trường phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy để thực hiện). Hằng năm, xuất bản 03 kỳ Bản tin “Thông tin Lý luận và thực tiễn” (hiện nay nhà trường đã thực hiện được 02, chỉ thiếu 01), nhà trường cần làm văn bản đề nghị Sở Tài chính cấp kinh phí xây dựng Bản tin và Trang thông tin điện tử vào đầu năm. Phấn đấu Trường Chính trị tỉnh trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh có chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn của tỉnh.

     Thứ hai: Triển khai thực hiện tốt các nội dung Đề án xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn; tập trung khắc phục các tiêu chí còn thiếu và còn yếu so với quy định trường chính trị chuẩn mức 1; đồng thời, nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới đạt chuẩn mức 2. Kết hợp giữa nội lực và ngoại lực; phát huy tính chủ động, sáng tạo của Trường Chính trị tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện, nhất là trong việc đào tạo giảng viên đạt chuẩn; cần cân nhắc các đề xuất về sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất tại chỗ nhằm đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025, tiếp tục xây dựng nhà trường đạt chuẩn mức 2 tại địa điểm mới; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học.

     Thứ ba: Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức của Trường Chính trị tỉnh đủ tiêu chuẩn và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, gắn với bổ sung đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có năng lực, trình độ và kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên về chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thiện các chứng chỉ theo quy định; tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tham gia các chương trình nghiên cứu, bồi dưỡng ở nước ngoài, các hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp Trung ương; tham gia hội thi giảng viên dạy giỏi lý luận chính trị; đề xuất chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, giảng viên của trường tham gia chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ. Đổi mới, thực hiện có hiệu quả công tác đi nghiên cứu thực tiễn có kỳ hạn và hằng năm để góp phần bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, giảng viên chưa qua các vị trí lãnh đạo, quản lý.

     Thứ tư: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tham mưu và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ 05 năm và hằng năm; thực hiện đầy đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định (Quan điểm của Tỉnh ủy là tăng cường đào tạo tập trung, hạn chế đào tạo tại chức đối với cán bộ, công chức trong quy hoạch). Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập bảo đảm hiệu quả; phát huy tính chủ động tự nghiên cứu; cập nhật kiến thức mới của giảng viên; gắn lý luận với thực tiễn; gắn lý thuyết với thực hành, lấy người học làm trung tâm, kết hợp hiệu quả phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy… Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giảng dạy và học tập; chú trọng đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng sau khoá học.

     Thứ năm: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, nâng cao năng lực đề xuất, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên; phối hợp với các cơ quan liên quan để được thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; tập trung vào các nội dung sát với chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Xây dựng nhóm chuyên gia để biên tập, xuất bản sách chuyên khảo, sách tham khảo phục vụ công tác đào tạo lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng theo chức danh, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, nâng cao năng lực nghiên cứu của cán bộ, giảng viên để nâng cao chất lượng Bản tin “Thông tin Lý luận và thực tiễn”. Chủ động đề xuất và tổ chức các hội thảo khoa học cấp tỉnh, tọa đàm cấp trường trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực hiễn trên các lĩnh vực liên quan của địa phương.

     Thứ sáu: Đầu tư sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất hoàn thiện tiêu chí chuẩn, tập trung và hoàn thiện các tiêu chí chính mà không cần nhiều kinh phí, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh chuyển đổi số, phục vụ hiệu quả các hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Nâng cao năng lực hoạt động và mức tự chủ về tài chính của trường, gắn với nâng cao mức thu nhập của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường; quản lý và sử dụng nguồn tài chính đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.

     Thứ bảy: Xây dựng văn hóa trường Đảng, môi trường sư phạm, nhà trường văn minh, hiện đại; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa trường Đảng, gắn với đánh giá việc thực hiện của đội ngũ cán bộ, giảng viên, xây dựng hình ảnh người thầy mẫu mực, cán bộ, viên chức, người lao động, học viên ứng xử đúng chuẩn mực văn hóa trường Đảng; xây dựng cảnh quan nhà trường “sáng, xanh, sạch, đẹp, hiện đại”. Hoàn thiện các thể chế, quy định bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ trong quản lý hoạt động của Trường Chính trị tỉnh; đẩy mạnh thực hành dân chủ, xây dựng nhà trường kỷ luật, kỷ cường. Tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên, xây dựng Đảng bộ, cơ quan và các đoàn thể nhà trường trong sạch, vững mạnh.

     Việc xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường; qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

     Liên quan đến các đề xuất, kiến nghị của Trường Chính trị tỉnh, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy yêu cầu Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường nghiên cứu có kiến nghị với Tỉnh ủy về: Quyết định chuyển vị trí trường hay giữ nguyên vị trí hiện tại; kiến nghị có cơ chế riêng hỗ trợ kinh phí đào tạo chuẩn hóa đội ngũ, nghiên cứu khoa học… Đồng thời, nhà trường cần có văn bản gửi Văn phòng Tỉnh ủy cho lùi thời gian phê duyệt Đề án vào quý 1/2023.

(Nguồn ảnh: Hồng Nhung)

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=hoi-nghi-tu-van-xay-dung-de-an-truong-chinh-tri-dat-chuan-muc-1-vao-nam-2025-phan-dau-dat-chuan-muc-2-vao-nam-2030
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com