Thứ sáu, 25.11.2022 GMT+7

NHẬN THỨC VỀ KINH TẾ TẬP THỂ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế tồn tại khách quan trong lịch sử nhân loại và đã có những đóng góp to lớn đối với quá trình phát triển của nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới.

     Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, hợp tác xã ra đời từ trước chủ nghĩa tư bản, là hình thức kinh tế tập thể dựa trên hình thức sở hữu tập thể và tổ chức lao động tập thể. Trong chủ nghĩa tư bản, phong trào hợp tác có vai trò như là một trong những lực lượng cải tạo xã hội. Tuy nhiên, để hợp tác xã có thể trở thành một hình thức kinh doanh phổ biến trong xã hội, cần hội tụ hai yếu tố, đó là: Phải có nhu cầu về kinh tế đối với sự cải tạo và điều kiện vật chất cho sự cải tạo đó. Do vậy, muốn biến nền sản xuất xã hội thành một hệ thống thống nhất rộng lớn của lao động hợp tác tự do thì cần có sự thay đổi chung của xã hội. Việc này chỉ có thể thực hiện được bằng cách chuyển chính quyền nhà nước từ trong tay các nhà tư bản và địa chủ sang tay của chính những người sản xuất.

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến việc phát huy vai trò của hợp tác xã. Theo Người, nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó. Người khẳng định tính chất của hợp tác xã: là tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi và đi từ thấp lên cao. Hợp tác xã là một tổ chức “có lợi to cho nhà nông”, là cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất để giúp vào việc xây dựng nước nhà; là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. Xây dựng hợp tác xã là cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Do vậy, Người luôn mong muốn hợp tác xã được thành lập ở nhiều nơi trong cả nước, từ làng mạc đến tỉnh thành[1].

     Thấm nhuần tư tưởng của Người, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đã ra đời nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và thực tiễn đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển đất nước.

     Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tập thể, đã có sự chuyển biến trong nhận thức của hệ thống chính trị về thành phần kinh tế tập thể ở nước ta, hệ thống chính sách, pháp luật được quan tâm xây dựng phù hợp hơn với điều kiện phát triển của từng thời kỳ, hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hợp tác xã mới. Kinh tế tập thể có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, tính đến năm 2020, cả nước có hơn 26.000 hợp tác xã, 95.000 Liên hiệp hợp tác xã và khoảng 115.000 tổ hợp tác đăng ký hoạt động[2]…; số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân[3].

     Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế tập thể ở nước ta thời gian qua tồn tại một số bất cập cần được khắc phục, đó là: Quy mô còn nhỏ, năng lực nội tại của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã còn yếu kém[4],… tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp vào GDP thấp và có xu hướng giảm, hợp tác xã có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, số lượng hợp tác xã tuy tăng nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm và sự tham gia hoạt động của hợp tác xã còn mang tính hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã, mô hình tổ chức lỏng lẻo, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp hợp tác xã ít; tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định; nhiều hợp tác xã chuyển đổi tổ chức lại mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất[5].

     Đứng trước những cơ hội và khó khăn, thác thức to lớn ở trong nước và quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải tiến hành những giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới. Trong các giải pháp đó, nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, coi là giải pháp hàng đầu. 

     Mỗi cán bộ, đảng viên,nhất là người đứng đầu cơ quan,tổ chức và nhân dâncầnnhận thức đúng, đầy đủ về phát triển kinh tế tập thể. Cần thống nhất nhận thức về kinh tế tập thể như sau:

     Một là, phát triển kinh tế tập thểlà yêu cầu và xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

     Hai là, kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên, trong đó, tổ chức kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã là hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tập thể, là tổ chức kinh tế của những thể nhân, pháp nhân có nhu cầu, tự nguyện lập ra và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Tổ chức kinh tế tập thể hoạt động bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác. Nhà nước không can thiệp trực tiếp, mà chỉ quản lý hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể thông qua pháp luật và chính sách.

     Ba là, các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có mục đích kinh tế - xã hội và nhân văn, không chỉ vì lợi ích kinh tế thuần túy. Kinh tế tập thể coi trọng lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể. Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các tổ chức kinh tế tập thể còn thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn.

     Bốn là, đánh giá hiệu quả của tổ chức kinh tế tập thể chủ yếu dựa trên số lượng, chất lượng thành viên tham gia, lợi ích tổ chức mang lại cho thành viên và cộng đồng. Đóng góp về mặt kinh tế của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân là tỉ trọng đóng góp vào GDP, là hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của tổ chức, thu nhập của thành viên... Đóng góp về mặt xã hội của kinh tế tập thể là số lượng thành viên, số lượng việc làm, việc đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua, hoạt động nhân đạo từ thiện, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn.

     Năm là, phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư.

     Để đạt được sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị về kinh tế tập thể và phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời gian tới, cần phải xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú; kịp thời khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.

     Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền với những nội dung và hình thức thiết thực, phù hợp với thực tế của địa phương, từ đó, phát triển mạng lưới hợp tác xã, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ; Khuyến khích phát triển hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới[6]. Đồng thời, hoàn thiện quy trình chính sách phát triển nguồn nhân lực: Chuẩn hóa các chức danh quản lý trong tổ chức kinh tế tập thể như: Giám đốc, kế toán, kiểm soát; Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các cán bộ quản lý chưa đạt tiêu chuẩn chức danh vị trí đang đảm nhiệm; Khuyến khích thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể, nhà nước hỗ trợ trả lương cho cán bộ quản lý và khoa học được đào tạo tại các trường đại học có chuyên ngành phù hợp, được đại hội thành viên nhất trí nhận về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể. Từ đó, phát huy được vai trò của kinh tế tập thể trong quá trình phát triển của địa phương.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2009, tr.215.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, tr.30.

[3] Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr.45,46, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H.2021.

[5] Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII.

[6] Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhan-thuc-ve-kinh-te-tap-the-o-viet-nam-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com