Thứ sáu, 25.11.2022 GMT+7

MỘT SỐ VẤN ĐỀ MỚI VỀ GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Một trong những cống hiến vĩ đại là “hòn đá tảng” của học thuyết Mác đó chính là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Dù có nhiều bổ sung quan trọng để hoàn thiện lý luận về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân nhưng Ph.Ăngghen cũng chỉ rõ: phải đặt lý luận ấy “trên mảnh đất hiện thực” để hiện thực hóa và tiếp tục phát triển nó.

     Sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, vừa là cơ sở, điều kiện cho giai cấp công nhân Việt Nam phát triển với vai trò là sản phẩm và chủ thể của nền đại công nghiệp; đồng thời cũng chính là luận chứng thực tiễn cho lý luận trong học thuyết Mác - Lênin về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay hết sức phức tạp với sự dao động, hoài nghi, những mưu toan xuyên tạc, phủ nhận quan điểm về giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, xét lại và chủ nghĩa thực chứng mới… cũng đặt ra yêu cầu, thách thức cho quá trình xây dựng và phát triển giai cấp công nhân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, việc làm sáng tỏ, nhận thức đúng đắn và nghiên cứu, bổ sung, phát triển cho phù hợp thực tiễn về giai cấp công nhân, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là yêu cầu tất yếu, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.Một số vấn đề mới về giai cấp công nhân Việt Nam trong thời đại ngày nay:

     Thứ nhất, quan niệm giai cấp công nhân Việt Nam cần được tiếp tục bổ sung, phát triển, hoàn thiện hơn trên cơ sở học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phù hợp với sự phát triển, biến đổi của thực tế.

     Không chỉ hiểu giai cấp công nhân là những người lao động trong lĩnh vực công nghiệp, hay hoạt động sản xuất mang tính chất công nghiệp đơn thuần mà cần hiểu giai cấp công nhân bao gồm tất cả những người lao động (không có hoặc có rất ít tư liệu sản xuất không đủ để tự đầu tư sản xuất kinh doanh) phải bán sức lao động để kiếm sống, bị bóc lột giá trị thặng dư. Điều này cũng được khẳng định trong chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

     Thực tế hiện nay, với sự phát triển kinh tế thị trường đã làm cho cơ cấu của giai cấp công nhân ngày càng đa dạng hơn và đòi hỏi cần phải cập nhật, liên tục điều chỉnh theo hướng mở hơn: công nhân trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ (theo lĩnh vực kinh tế) hay công nhân áo xanh - công nhân truyền thống trong công nghiệp, công nhân áo trắng - công nhân có trình độ bằng cấp chủ yếu làm điều hành và quản lý, công nhân áo vàng - công nhân có trình độ chuyên môn sâu chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, công nhân áo tím - công nhân trong các ngành dịch vụ giản đơn… Chính bởi vậy, cần mở rộng nội hàm của quan niệm giai cấp công nhân cho phù hợp với thực tiễn đồng thời cần nhấn mạnh quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lực lượng chủ chốt của giai cấp công nhân để có phương hướng và thực hiện chính xác trong quá trình xây dựng và phát triển Đảng - tổ chức lãnh đạo giai cấp và phong trào cách mạng.

     Thứ hai, xây dựng quan điểm khách quan, khoa học về những đặc điểm mới của giai cấp công nhân thời đại ngày nay.

     Với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là khoa học công nghệ hiện đại đã từng bước nâng cao chất lượng, trình độ của giai cấp công nhân. Điều đó dẫn đến quá trình phát triển bộ phận “công nhân trí thức” và xu hướng “công nhân hóa trí thức”. Từ thực tế này, cần lấy đó làm cơ sở để bảo vệ và chứng minh giai cấp công nhân không ngừng phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng song song với quá trình phát triển của “nền đại công nghiệp”. Đồng thời, cũng cần có nền tảng vững chắc về lý luận và thực tiễn để phản bác quan điểm sai trái khi cho rằng tầng lớp (đội ngũ) trí thức có khả năng sẽ là lực lượng làm chủ và lãnh đạo cách mạng.

     Bên cạnh đó, sự phát triển của thế giới đương đại cũng làm cho giai cấp công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa có nhiều biến đổi trong cả phương thức lao động và trong đời sống thực tiễn: một bộ phận công nhân có cổ phần, một bộ phận có đời sống trung lưu hóa, được hưởng lợi tức sau sản xuất… Nhưng thực tế cho thấy, bộ phận công nhân có đời sống trung lưu hóa chỉ là bộ phận công nhân trí thức có trình độ cao và không phải là đa số. Hơn nữa, dù giai cấp công nhân có tham gia góp cổ phần trong các công ty, xí nghiệp thì số lượng cổ phần của họ cũng không đáng là bao so với số tài sản, tư liệu sản xuất “khổng lồ” của các nhà tư sản. Chính bởi vậy, số lượng lợi tức mà công nhân được nhận cũng không đáng là bao so với số giá trị thặng dư tăng thêm sau quá trình sản xuất; đồng thời do tỷ lệ cổ phần quá thấp nên giai cấp công nhân không đủ điều kiện để tham gia quá trình tổ chức, quản lý sản xuất và cũng không được tham gia quá trình phân phối sản phẩm của công ty, xí nghiệp. Tóm lại, giai cấp công nhân dù có cổ phần thì cũng không thể phân chia quyền lực với nhà tư bản. Do đó, xét đến cùng thì giai cấp công nhân vẫn là giai cấp không sở hữu tư liệu sản xuất chủ yếu và vẫn phải bán sức lao động cho nhà tư bản.

     Giai cấp công nhân ở các nước xã hội chủ nghĩa có địa vị làm chủ, đã sử hữu tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội nên vị trí và vai trò có nhiều đặc điểm khác so với giai cấp công nhân trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Nhưng họ vẫn là một bộ phận của giai cấp công nhân thế giới.

     Thứ ba, có những luận điểm trong học thuyết Mác - Lênin cần tiếp tục được những người macxit hiện nay nghiên cứu, phát triển và kiểm chứng trong quá trình phát triển của thế giới đương đại.

     Chủ nghĩa Mác - Lênin đã đề cập đến sự phát triển về trình độ, trí tuệ không giới hạn của giai cấp công nhân (Ph.Ăngghen cũng từng khẳng định vai trò to lớn của lao động trí tuệ trong lao động sống của công nhân hiện đại trong tác phẩm “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh”. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế tri thức hiện nay đã khách quan tạo nên điều kiện ngày càng rõ ràng và cao hơn cho công nhân “sở hữu và sử dụng một loại tư liệu sản xuất đặc biệt” - tri thức. Điều đó đặt ra đòi hỏi, yêu cầu cao hơn với giai cấp công nhân hiện đại và cũng tạo điều kiện cho giai cấp công nhân phát triển về mọi mặt. Vị thế của giai cấp công nhân hiện đại cũng có sự thay đổi và chỉ rõ sự chưa đầy đủ khi sử dụng khái niệm vô sản để phản ánh giai cấp công nhận hiện đại.

     Trong quan điểm của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin đã đề cập đến vấn đề chủ nghĩa xã hội không có sản xuất hàng hóa: “Cùng với việc xã hội nắm lấy những tư liệu sản xuất thì sản xuất hàng hóa cũng bị loại trừ, và do đó, sự thống trị của hàng hóa đối với những người sản xuất cũng bị loại trừ. Tình trạng vô chính phủ trong nội bộ nền sản xuất hàng hóa xã hội được thay thế bằng một sự tổ chức có kế hoạch, có ý thức”. Tuy nhiên, sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường vẫn đang tồn tại, phát triển và có giá trị hữu ích lớn với sự phát triển của nhân loại và cả các nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và các Đảng cộng sản vẫn khẳng định: nền kinh tế nhiều thành phần sẽ tồn tại lâu dài trong chủ nghĩa xã hội và đương nhiên sản xuất hàng hóa sẽ còn tồn tại lâu dài. Đây chính là luận điểm cần tiếp tục nghiên cứu và nhiều sự kiểm chứng từ thực tiễn trong quá trình những người macxit nghiên cứu quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

     Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, đã từng bước khẳng định vai trò lãnh đạo, vị trí đi đầu của giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng. Những thành tựu của công cuộc đổi mới hiện nay, đã minh chứng cho sự lãnh đạo của Đảng (đội tiên phong của giai cấp công nhân) với giai cấp và quần chúng là đúng đắn và thành công. Điều đó khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, khẳng định năng lực lãnh đạo, vai trò làm chủ của giai cấp công nhân Việt Nam.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-van-de-moi-ve-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-trong-giai-doan-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com