Thứ ba, 22.11.2022 GMT+7

XÂY DỰNG HÌNH ẢNH GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ - SỰ CẦN THIẾT TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nếu không nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không vững lý luận chính trị sẽ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, coi thường lý luận, không đủ sức bảo vệ chính mình và dễ tiếp thu tư tưởng tiêu cực, phản động của các thế lực thù địch.

     Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục nói chung và giáo dục lý luận chính trị nói riêng luôn có ý nghĩa sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải chú trọng học tập, nghiên cứu, nắm vững lý luận, nâng cao bản lĩnh chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ cần thiết của mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giáo dục lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh chống thói hư tật xấu, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên; nhằm cung cấp hệ thống tri thức, lý luận khoa học và quan điểm, chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và mục tiêu, lý tưởng cho các lực lượng cách mạng; giúp cho người học công cụ tư duy khoa học để nhận thức, nắm bắt được bản chất, tính tất yếu, tính quy luật vận động khách quan của lịch sử cách mạng Việt Nam; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, để định hướng nhận thức và hành động thực tiễn cho bản thân đúng đắn, hiệu quả, hạn chế và tránh vấp váp, sai lầm, mù quáng và thất bại; góp phần xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng, tính nhân văn, nhân đạo; tính đảng, tính cách mạng và khoa học.

     Với vai trò quan trọng của giảng viên trường chính trị mang trong mình một sứ mệnh đặc biệt bởi họ không chỉ là người truyền thụ kiến thức lý luận chính trị, định hướng niềm tin về lý tưởng cách mạng, niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền đạt về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước… mà còn là người góp phần xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống tốt đẹp cho học viên. Chính vì vậy, việc xây dựng hình ảnh không chỉ “đẹp” mà còn phải “chuẩn” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên trường chính trị hiện nay.

     “Đẹp” ở đây chính là nét đẹp tâm hồn, đẹp trong suy nghĩ, đẹp trong lời nói, thậm chí cần đẹp cả hình thức bên ngoài. Đó cũng là cách đem lại tự tin cho chính bản thân người giảng viên, là niềm vui của học viên khi đến lớp và tô điểm thêm cho hình ảnh của nhà trường.

     “Chuẩn” ở đây là chuẩn về phong thái, chuẩn trong phong cách giảng dạy, trong kiến thức để có thể định hướng cho học viên. Bên cạnh đó, còn phải chuẩn trong lối sống, bởi lẽ người giảng viên còn là tấm gương phản chiếu cho việc nói đi đôi với làm để học viên noi theo.

     Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những thuận lợi còn có nhiều khó khăn, thách thức nhất định. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: “... Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa..", “… Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn”. Lợi dụng chính điều này các thế lực thù địch đã xuyên tạc, bóp méo các vụ việc phức tạp, nhạy cảm. Bên cạnh đó, lợi dụng việc tiếp cận thông tin còn hạn chế của một bộ phận không nhỏ người dân để đưa những thông tin sai lệch nhằm tạo khoảng trống trong tư tưởng nhân dân, làm cho nhân dân hoài nghi, mất niềm tin với chế độ, với Đảng, với Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Điều này đặt ra cho giảng viên trường chính trị cần phải xây dựng và giữ gìn hình ảnh của mình hơn bao giờ hết. Tại Đại hội XIII của Đảng, khi đề cập đến công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Đảng xác định là: “Tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường chính trị”. Để hiện thực nhiệm vụ này, người giảng viên trường chính trị cần thực hiện tốt các nội dung sau:

     Đối với công tác giảng dạy:

     Thứ nhất, phải nắm chắc kiến thức, tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

     Thứ hai, trong giảng dạy tránh việc hưng phấn “quá đà” sẽ dễ rơi vào trạng thái không kiểm soát kiến thức, lời nói gây hiểu nhầm, hiểu sai vấn đề.

     Thứ ba, phải luôn trau dồi kiến thức mới, nghiên cứu tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, qua đó phân biệt được đâu là thông tin chính thống, đâu là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Nghĩa là, giảng viên phải nhìn nhận được vấn đề qua nhiều lăng kính để có thể truyền đạt và phản biện trong quá trình giảng dạy.

     Thứ tư, khi đứng lớp và đến trường phải chỉn chu trong trang phục, đảm bảo tiêu chí lịch sự, gọn gàng, phù hợp. Bên cạnh đó, đẹp, hợp thời trang cũng là tiêu chí được khuyến khích lựa chọn.

     Thứ năm, xây dựng tác phong khoa học, nghiêm túc trong cả giảng dạy và nghiên cứu.

     Đối với giao tiếp, lối sống:

     Một là, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lập trường kiên định, lối sống trong sạch, tránh phô trương quá đà.

     Hai là, trong giao tiếp phải đúng mực, cẩn trọng.

     Ba là, giữ gìn và phát huy những mối quan hệ tốt đẹp, xây dựng niềm tin với đồng nghiệp, với học viên. Biết lắng nghe, biết chia sẻ, biết động viên, hòa đồng, luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp.

     Bốn là, gương mẫu với học viên nhưng cũng cần lắng nghe, bao dung, chia sẻ và hỗ trợ học viên trong trường hợp cần thiết, không nên cứng nhắc, “bề trên”, mệnh lệnh, ban phát cho học viên bởi học viên trường chính trị là những người đã trưởng thành có kinh nghiệm, có học thức và có cả địa vị xã hội.

     Năm là, liên hệ mật thiết với nhân dân, gương mẫu, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú, luôn ý thức giữ gìn danh tiếng “giảng viên trường chính trị”.

     Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng hình ảnh giảng viên trường chính trị là việc làm không phải một sớm một chiều và càng không phải chỉ xây dựng tại một thời điểm nhất định, mà đây là việc phải làm thường xuyên, lâu dài, thậm chí phải thực hiện suốt đời khi vẫn còn mang trong mình trọng trách “giảng viên”. Và cũng không phải là việc dễ làm, có thể làm ngay được, mà đòi hỏi sự quyết tâm cao của bản thân mỗi người giảng viên. Vì thế, cần ý thức, rèn luyện mỗi ngày để hoàn thành sứ mệnh, hình ảnh của người giảng viên trường chính trị.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=xay-dung-hinh-anh-giang-vien-truong-chinh-tri-su-can-thiet-trong-boi-canh-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com