Thứ sáu, 18.11.2022 GMT+7

GIẢNG VIÊN KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG TÍCH CỰC NGHIÊN CỨU, CẬP NHẬT CHỦ TRƯƠNG, CHỈ ĐẠO CỦA TỈNH PHÚ THỌ VÀO GIẢNG DẠY PHẦN HỌC ''ĐƯỜNG LỐI, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM''

Nghiên cứu, quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của các cấp ủy đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng về chính trị và xây dựng Đảng về tư tưởng. Đặc biệt, đối với Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Phú Thọ, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở và tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, nghiên cứu, cập nhật các nghị quyết, văn kiện của Đảng, cũng như các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh vào hoạt động chuyên môn giảng dạy là một yêu cầu bắt buộc, thường xuyên đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.

     Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh luôn quán triệt giảng viên bám sát và nghiên cứu, cập nhật đầy đủ những chủ trương, chỉ đạo của tỉnh khi giảng dạy các chuyên đề trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị nhằm trang bị kiến thức cơ bản về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội như: Kinh tế; văn hóa - xã hội; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; dân tộc, tôn giáo; quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Vì vậy, cập nhật những chủ trương, chỉ đạo của tỉnh vào giảng dạy phần học được lãnh đạo khoa quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Thứ nhất: Giảng viên khoa Xây dựng Đảng tự giác học tập, nghiên cứu; tích cực, chủ động tiếp cận để nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và điểm mới trong các văn kiện Đảng và các văn bản chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ một cách đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm vào từng bài giảng trong phần học. Khi giảng bài trên lớp, giảng viên đã lồng ghép có hiệu quả nội dung những chủ trương, chỉ đạo của tỉnh vào nội dung từng bài học. Bên cạnh việc phân tích, giảng giải lấy ví dụ, giảng viên còn lồng ghép những đoạn phim ngắn, hình ảnh minh họa liên quan đến bài học về tình hình chung của đất nước cũng như ví dụ điển hình gắn với địa phương để học viên hiểu đúng, nắm rõ kiến thức bài học. Thứ hai, giảng viên của khoa tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường đối thoại, trao đổi, thảo luận để học viên được nêu lên quan điểm, suy nghĩ cá nhân, qua đó nắm bắt, định hướng kịp thời cho học viên cách vận dụng nội dung văn kiện và các văn bản chỉ đạo của tỉnh vào thực tiễn công tác của mình. Thứ ba, khoa Xây dựng Đảng thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn nhằm trao đổi, cập nhật những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước cũng như các văn bản chỉ đạo mới của tỉnh Phú Thọ vào từng nội dung bài giảng cụ thể trong các phần học mà khoa đảm nhiệm nói chung và phần học “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” nói riêng.

     Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc cập nhật chủ trương, chỉ đạo của tỉnh vào giảng dạy phần học vẫn còn một số hạn chế như: Còn có giảng viên chưa tự giác chủ động tiếp cận với những văn bản mới để cập nhật kịp thời những chủ trương, chỉ đạo của tỉnh vào bài giảng một cách đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm nên bài giảng chưa thực sự thuyết phục. Trong quá trình cập nhật các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ vào giảng dạy, một số giảng viên chưa thực sự linh hoạt, chưa kết hợp được nhiều phương pháp tích cực trong quá trình giảng dạy khiến dung lượng bài học quá lớn, gây khó khăn cho việc tiếp nhận của học viên. Một số học viên chưa nhận thức đúng, đủ về tầm quan trọng của việc cập nhật những chủ trương, chỉ đạo của tỉnh trong học tập và vận dụng trong thực tiễn nên chưa thực sự chú ý lắng nghe.

     Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nghiên cứu, cập nhật những chủ trương, chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ vào giảng dạy phần học "Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam", giảng viên khoa Xây dựng đảng cần làm tốt một số giải pháp sau: Một là, chú trọng công tác quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên trong khoa về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, vận dụng chủ trương, chỉ đạo của tỉnh trong giảng dạy môn học “Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam” nói riêng và các môn khác của khoa nói chung. Hai là, tiếp tục đổi mới phương pháp vào quá trình giảng dạy đảm bảo các yêu cầu cơ bản: đảm bảo tính Đảng; tính khoa học tính cơ bản, điển hình; tính phù hợp với đối tượng học viên. Ba là, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao sự chủ động, sáng tạo của học viên trong quá trình tiếp cận các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh vào thực tiễn học tập và công tác. Làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cập nhật các văn bản thông tin mới để kịp thời cập nhật vào bài giảng.

     Việc nghiên cứu, cập nhật những chủ trương, chỉ đạo của tỉnh vào giảng dạy là yêu cầu cần thiết và là trách nhiệm của mỗi giảng viên. Vì vậy, mỗi giảng viên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để cập nhật kịp thời, có hiệu quả những thông tin kiến thức mới; đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo sức hấp dẫn trong từng bài giảng, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng, làm cho người học nhận thức đúng chủ trương, đường lối của Đảng và những chỉ đạo cụ thể của tỉnh; đưa các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh vào cuộc sống, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=giang-vien-khoa-xay-dung-dang-tich-cuc-nghien-cuu-cap-nhat-chu-truong-chi-dao-cua-tinh-phu-tho-vao-giang-day-phan-hoc-duong-loi-chinh-sach-cua-dang-va-nha-nuoc-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com