Thứ tư, 16.11.2022 GMT+7

PH.ĂNGGHEN - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

Phri-đrich Ăng-ghen (1820 - 1895) là một nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà cách mạng, nhà lý luận chính trị, nhà triết học người Đức và là một người Cộng sản thế kỷ 19, cùng với C.Mác đã sáng lập và phát triển chủ nghĩa Cộng sản, lãnh tụ của phong trào công nhân thế giới và Quốc tế Cộng sản I. Ông cùng với C.Mác đồng tác giả của bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848). Ph.Ăngghen cũng biên tập, đồng thời xuất bản quyển II và quyển III của bộ Tư bản sau khi C.Mác mất.

     Ph.Ăngghen sinh ở Barmen, tỉnh Rhine của Vương quốc Phổ (hiện nay là một phần của Wuppertal, nước Đức). Ông là con trai trưởng của một nhà sản xuất sợi dệt giàu có người Đức. Cha ông là một chủ tư bản lớn, rất sùng đạo, tháo vát về kinh doanh, giao du rộng, nhưng về chính kiến thì rất bảo thủ. Mẹ ông xuất thân quý tộc là một trí thức kinh tế, nhạy cảm, đôn hậu, hoạt bát, thích hài hước và yêu văn học nghệ thuật. Ông ngoại của Ph.Ăngghen là một giáo sư đại học về ngôn ngữ học, thường kể cho cháu ngoại mình nghe chuyện về các anh hùng trong các thần thoại Hy Lạp cổ đại và trong các truyền thuyết dân gian Đức.

     Ngay từ khi còn bé, Ph.Ăngghen đã bộc lộ tính cách độc lập, sống trong một gia đình tư bản giàu có, những lời dạy bảo nghiêm khắc của cha và những sự đe doạ trừng phạt không thể làm cho ông đi đến chỗ phải phục tùng mù quáng. Đến năm 14 tuổi, ông học ở trường tại thành phố Barmen. Học ở bậc trung học, ông luôn suy nghĩ, nêu nghi vấn rồi tự tìm đọc thêm để tự giải đáp cho mình, với châm ngôn là "Tôi nghi ngờ những gì mà tôi chưa rõ".

     Ông đã sớm bộc lộ năng khiếu về ngoại ngữ, mới 17 tuổi mà ông đã biết 15 ngoại ngữ, nói viết thông thạo tiếng Latinh, Hy Lạp Cổ, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Italia… Vào tháng 10 năm 1834, ông được gia đình cho đi học ở trường trung học Elberfelder, một trường tốt nhất ở Phổ thời bấy giờ. Khi còn là học sinh trung học, ông đã căm ghét sự chuyên chế và độc đoán của giới quan lại, ông kiên trì tự học, nuôi ý chí làm khoa học và hoạt động cải biến xã hội bằng cách mạng.

     Vào năm 1838, theo yêu cầu của bố, ông phải rời trường trung học khi chưa tốt nghiệp và được gửi đến làm việc với vai trò một thư ký không công ở văn phòng thương mại tại thành phố cảng Bremen, trong thời gian này ông tự học các ngành sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ và thơ ca, cũng trong thời gian này, Ph.Ăngghen bắt đầu tiếp cận các tác phẩm triết học của Georg Wilhelm Friedrich Hegel, một triết gia theo chủ nghĩa duy tâm đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền triết học Đức thời gian đó. Ông bắt đầu say mê nghiên cứu về bộ môn này.

     Tháng 9 năm 1838, ông đã xuất bản tác phẩm đầu tiên có tựa đề The Bedouin, trong Bremisches Conversationsblatt Số 40. Ông cũng bận rộn với lĩnh vực văn chương khác và các tác phẩm báo chí. Cũng trong thời gian này, Ph.Ăngghen cũng đã có tác phẩm về báo chí đầu tiên của mình trong bài báo có tựa đề "Những bức thư từ Vesphalia" công bố vào tháng 3 năm 1839. Trong tác phẩm này, ông đã phê phán những chủ xưởng sùng đạo, đồng thời thể hiện rõ thiện cảm đối với công nhân. Bài báo đầu tiên này đã thể hiện tinh thần dân chủ cách mạng và vô thần của ông.

     Tháng 9 năm 1841, Ph.Ăngghen đến Berlin gia nhập Quân đội Phổ theo diện nghĩa vụ quân sự, được biên chế vào binh đoàn Pháo binh Ngự lâm, ở đây ông được huấn luyện quân sự mà trong những năm sau, ông rất cần đến nó. Nhờ địa vị này ông đã có điều kiện để lui tới Berlin nơi ông tham gia theo dõi các bài giảng trong trường đại học, tham gia hội thảo về lịch sử tôn giáo. Vào thời điểm này, ông bắt đầu tham gia vào nhóm Hegel trẻ. Cuối năm này, ông được tiếp cận tác phẩm Bản chất đạo Cơ Đốc của Feuerbach, tác phẩm nổi tiếng này đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới quan của ông.

     Mùa xuân 1842, ông bắt đầu cộng tác với tờ Rheinische Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh) và xuất bản một vài bài trên Nhật báo sông Rhein. Trong những bài báo in năm 1842, ông đã lên tiếng phản kháng chế độ kiểm duyệt của Chính phủ Vương quốc Phổ, trật tự phong kiến ở Đức.

     Ngày 08/10/1842, Ph.Ăngghen mãn hạn phục vụ trong quân đội, từ Berlin ông trở về Barmen. Một tháng sau vào tháng 11 năm 1842, ở tuổi 22, ông được gửi đến Manchester- Anh để làm việc cho một công ty dệt Ermen and  nơi cha của ông là một cổ đông để thực tập buôn bán. Trên đường sang Anh, Ph.Ăngghen đã ghé thăm trụ sở tờ báo Rheinische Zeitung ở Kioln và tại đây, ông đã lần đầu tiên gặp C.Mác, Tổng biên tập tờ báo này. Từ đó, họ trao đổi thư từ với nhau, tình bạn giữa hai người được bắt đầu và ngày càng thắm thiết. Sợi dây thắt chặt tình bạn của họ là cùng  chung mục đích, lý tưởng vì sự nghiệp giải phóng con người. Họ đã sát cánh bên nhau viết nên những công trình khoa học và lãnh đạo phong trào công nhân đấu tranh nhằm xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Tại đây Ph.Ăngghen tiếp xúc với những nhà hoạt động xã hội người Anh như John Watts, James Leach và Julian Harney. Ông yêu một cô gái nghèo người Ireland làm trong xưởng dệt tên Mary Burns và sống với bà này trong suốt thời gian ở Anh cho đến khi bà qua đời. Sau đó ông chung sống với em của Mary là Lizzy Burns và ông đồng ý cưới Lizzy chỉ vài giờ trước khi bà chết vào tháng 9 năm 1878. Một số tác giả cho rằng hai người phụ nữ này có ảnh hưởng trong việc giúp Ph.Ăngghen định hình tư duy cộng sản.

     Nhìn chung, trong thời gian này, những tác phẩm của Ph.Ăngghen chủ yếu tập trung vào phê phán quan điểm của Sherling, một giáo sư và nhà triết học Đức trong thời kỳ này. Ông vẫn đứng trên lập trường duy tâm của triết học Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Nhưng ông bắt đầu cảm thấy sự mâu thuẫn giữa tính cách mạng và bảo thủ trong triết học của Hegel, đồng thời cũng thấy tính triệt để hơn của triết học  theo trường phái của Ludwig Andreas Feuerbach so với trường phái triết học của Hegel.

     Trong thời gian 02 năm sống ở Manchester từ mùa thu năm 1842, việc nghiên cứu đời sống kinh tế và sự phát triển của chính trị nước Anh, nhất là việc trực tiếp tham gia phong trào công nhân mới dẫn đến việc chuyển biến căn bản trong thế giới quan và lập trường quan điểm chính trị của ông từ một người duy tâm về triết học và là những nhà dân chủ cách mạng về quan điểm chính trị để dần trở thành một người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng và là một người cộng sản. Ông đã đi thăm những nơi công nhân sống chen chúc trong cảnh nghèo nàn, bẩn thỉu. Ông đã tìm đọc tất cả những gì người trước đã viết về cuộc sống của công nhân. Cuốn Tình cảnh giai cấp công nhân Anh của ông đã miêu tả một cách chân thực và sâu sắc nhất cuộc sống khốn cùng của giai cấp công nhân. Chính Ph.Ăngghen, lần đầu tiên đã phát hiện ra rằng, giai cấp công nhân không chỉ là giai cấp đau khổ trong xã hội tư bản, mà còn là giai cấp có sứ mệnh đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của mình, đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội.

     Cũng trong thời gian ở Anh, dù phải tất bật với việc buôn bán nhưng ông vẫn không ngừng nghiên cứu viết bài cho tạp chí sông Rhinne từ nước Anh như: Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị là tác phẩm “Những phác thảo phê phán môn kinh tế chính trị học”, trong đó ông đã chỉ rõ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa là cơ sở của toàn bộ sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội tư sản, tình cảnh nước Anh, Thomas Carley, Quá khứ và hiện tại, "Alexhsander Iung: Những bài giảng về văn học hiện đại của người Đức"... Đặc biệt là bài báo "Tình cảnh của giai cấp công nhân ở Anh năm 1844" (1844) đã phân tích rõ sự phân chia xã hội thành ba giai cấp cơ bản: giai cấp quý tộc chiếm hữu ruộng đất, giai cấp tư sản công nghiệp và giai cấp vô sản. Ông còn tham gia viết bài cho tờ tạp chí Niên giám Pháp - Đức (tháng 2 năm 1844) của A. Ruge. Các bài báo này đề cập đến việc áp dụng phương pháp biện chứng vào việc phân tích các quan hệ kinh tế của xã hội tư sản. Dù phê phán chủ nghĩa tư bản nhưng Ph.Ăngghen vẫn có cuộc sống trưởng giả, tham gia vào các câu lạc bộ của giới thượng lưu tại Anh. Ông kiếm được rất nhiều tiền nhờ hoạt động kinh doanh của gia đình.

     Các tác phẩm này đã cho thấy Ph.Ăngghen đã hoàn tất quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật và từ dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản. Khi đánh giá về cuộc cách mạng xảy ra ở nước Anh, ông viết: "Cuộc cách mạng ấy là tất yếu đối với nước Anh, nhưng cũng như tất cả mọi việc xảy ra ở Anh, cuộc cách mạng đó sẽ' được khởi đầu và tiến hành vì những lợi ích, chứ không phải vì những nguyên tắc, các nguyên tắc chỉ có thể phát triển từ lợi ích, tức là cách mạng sẽ không phải là cách mạng chính trị, mà là cách mạng xã hội". Ông cũng đã đứng trên lập trường duy vật và cộng sản để phê phán kinh tế chính trị học của nhà kinh tế học Adam Smith và David Ricardo đồng thời cũng vạch trần quan điểm chính trị của Thomas Carley, một người phê phán chủ nghĩa tư bản trên lập trường của giai cấp phong kiến.

     Trong thời gian sống ở Paris, Ph.Ăngghen quan tâm nhiều đến hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản và trở thành ủy viên của Ban lãnh đạo, là một trong những lãnh đạo Câu lạc bộ công nhân Đức (Tháng 3/1848) do Ban chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản lập ra.

     Tháng 3/1848, cùng với Marx, Engels thảo ra Những yêu sách của Đảng Cộng sản Đức được Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản thông qua như là văn kiện có tính chất cương lĩnh cho hành động của giai cấp vô sản Đức. Tháng 4 năm 1848 ông cùng với Marx trở về Đức tham gia cuộc cách mạng Đức.

     Ngày 20/5/1848, ông cùng với C.Mác chuẩn bị xuất bản tờ Neue Rheinische Zeitung. Ông tham gia viết các bài xã luận, bài điểm tình hình chính trị. Tháng 10 năm 1848 ông đi Bỉ để tránh lệnh truy nã của chính quyền Phổ nhưng ông không được phép cư trú chính trị. Ông lại đến Paris sau đó sang Thụy Sĩ tham gia Đại hội các liên đoàn công nhân Đức, ông được bầu vào Ủy ban Trung ương của tổ chức này.

     Tháng giêng năm 1849, ông trở về Đức tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi cuộc đấu tranh bùng nổ ở Tây và Nam nước Đức (vào tháng 5/1849), ông đã vạch ra một kế hoạch hoạt động quân sự, thành lập quân đội cách mạng tiến hành cuộc khởi nghĩa.

     Tháng 11/1849, ông đến Luân Đôn và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản mà Marx đã cải tổ sau khi đến đây. Engels sống ở London 01 năm, trong thời gian đó ông đã viết các tác phẩm Cách mạng và phản cách mạng ở Đức, Cuộc chiến tranh nông dân ở Đức. Sau đó, ông cùng với K. Marx viết "Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương gửi Liên đoàn những người cộng sản”.

     Trong cuộc Cách mạng 1848 - 1849 ở Đức, ông đã trực tiếp chiến đấu trong quân đội cách mạng. Cách mạng thất bại, tháng 11 năm 1850, ông buộc phải chuyển đến Manchester và lại bắt đầu làm việc ở Văn phòng thương mại phụ trách doanh nghiệp ngành sợi bông của gia đình, sau chung cổ phần với một hãng buôn. Điều này tạo điều kiện cho Ph.Ăngghen có thể giúp đỡ về vật chất cho C.Mác hoạt động cách mạng. Vì giành hết tâm lực cho hoạt động nghiên cứu học thuật và tổ chức phong trào công nhân, nên gia đình C.Mác gặp rất nhiều khó khăn túng thiếu trong cuộc sống. Ph. Ăngghen luôn là người tận tình giúp đỡ bạn của mình bằng số tài sản có được từ gia đình. Ngày 03/02/1845, C.Mác bị trục xuất khỏi Paris giữa lúc nguồn tài chính của gia đình cạn kiệt. Ph.Ăngghen đã tìm cách quyên tiền từ các bạn bè, đồng chí để giúp gia đình C.Mác vượt qua khó khăn. Những năm tiếp theo, C.Mác vẫn luôn ở vào cảnh túng thiếu, thậm chí có lúc không mua đủ bánh mì ăn hằng ngày. Để bạn hoàn thành sự nghiệp, Ph.Ăngghen đã chấp nhận làm thư ký trong hãng buôn của cha mình suốt 20 năm để lấy tiền giúp C.Mác.

     Năm 1871, Ph.Ăngghen tham gia vào việc tổ chức chiến dịch bảo vệ Công xã Paris. Trong thời gian này, ông đã viết một số tác phẩm có giá trị lý luận, đặc biệt là cuốn Chống Duhring (1878) góp phần phổ biến chủ nghĩa Mac.

     Sau khi C.Mác qua đời (1883), Ph.Ăngghen là người lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, chuẩn bị cho in tập 2 và 3 của bộ Tư bản mà K.Marx chưa kịp hoàn thành. Ông còn viết nhiều tác phẩm nổi tiếng vào những năm cuối đời: Nguồn gốc gia đình, Chế độ tư hữu và Nhà nước (1884), Lút-vích Phơ-bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1866), Biện chứng tự nhiên, Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức (1894)…

     Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 05/8/1895, Ph.Ăngghen qua đời tại nhà số 122 Regent's Park Road thuộc khu Primrose Hill. Trước lúc mất, ông yêu cầu sau này để tang ông chỉ nên tiến hành trong một số ít người, thi hài ông được hỏa táng và tro được ném xuống biển. Vào hồi 14 giờ thứ bảy ngày 10/8/1895, chiếc quan tài để thi hài Engels đã đặt tại nhà thiêu ở Yokin cách Luân Đôn gần 30 dặm, phủ đầy hoa tang từ các nước Đức, Áo, Pháp, Anh, Ý, Bỉ, Hà Lan, Nga, Ba Lan, Bulgaria. Lúc qua đời, ông để lại khoản tiền tương đương 02 triệu bảng Anh theo thời giá hiện nay cho các con của C.Mác. Ông đã sống một cuộc đời đầy mâu thuẫn: một nhà tư sản hoạt động trong phong trào cộng sản.

     Ph. Ăngghen viết nhiều tác phẩm có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng vô sản thế giới như: Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị (1843), Gia đình Thần thánh (1844), Tình cảnh của giai cấp công nhân Anh năm 1844 (1844), Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (1848), Tiểu luận về chiến tranh (1870 - 1871).

     Như V.I. Lênin nhận xét: “Sau bạn ông là Karl Marx, Engels là nhà bác học và là người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền với Karl Marx và Engels thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên, muốn hiểu Friedrich Engels đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Marx đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”.

     Kỷ niệm 202 năm ngày sinh của ông (28/11/1820 - 28/11/2022), với những đóng góp to lớn cho phong trào cộng sản quốc tế, ông xứng đáng là “Nhà lý luận lỗi lạc và chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”. Chúng ta những thế hệ mai sau có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và tiếp tục phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác lên tầm cao mới, phù hợp thực tiễn ngày nay, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch chống phá, bôi nhọ học thuyết Mác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

     (Nguồn: Sưu tầm)

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=ph.angghen-cuoc-doi-va-su-nghiep
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com