Thứ tư, 19.10.2022 GMT+7

ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN - HUYỀN THOẠI NHỮNG “ĐOÀN TÀU KHÔNG SỐ”

Thống nhất đất nước là một trong những khát vọng lớn của cả dân tộc Việt Nam vào những năm giữa thế kỷ XX. Khát vọng ấy đã thôi thúc những con người Việt Nam nhỏ bé làm nên những điều kỳ tích mà lịch sử thế giới phải thán phục. Một trong những kỳ tích ấy là việc mở con đường vận tải Hồ Chí Minh trên biển vào ngày 23/10/1961.

     Sau Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (01/1959) với chủ trương chuyển cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, mở đầu là phong trào “Đồng Khởi” - Bến Tre (1960). Nhu cầu về nhân lực, vật lực phục vụ chiến tranh của đồng bào, chiến sĩ miền Nam ngày càng tăng. Tuyến Đường 559 - Đường Trường Sơn trên bộ gặp nhiều khó khăn, do Mỹ - Diệm đã phát hiện một số tuyến và tìm mọi cách ngăn chặn. Tình hình trên đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng những con đường huyết mạch mới để đảm bảo sự chi viện cho chiến trường miền Nam không bị đứt gãy. Nhận thấy vận tải trên biển tuy gian nan, nguy hiểm, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian và hiệu quả vận chuyển, ngày 23/10/1961, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở tuyến đường vận tải trên biển với việc thành lập Đoàn 759 - tiền thân của Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân ngày nay, ghi dấu mốc cho sự ra đời “đường Hồ Chí Minh trên biển”, một quyết định chiến lược sáng suốt, thể hiện tư tưởng chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Việc thành lập Đường Hồ Chí Minh trên biển ngoài mục đích để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng đó là đưa đón hàng chục nghìn lượt cán bộ từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam, đồng thời, đưa đón những con em của cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết, giữ gìn “hạt giống đỏ cách mạng”.

Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển (ảnh Thông tấn xã Việt Nam)

     Với phương châm “táo bạo, bí mật, bất ngờ”, đảm bảo cho sự tồn tại của tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải trang thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, di chuyển xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển, tên gọi “Đoàn tàu không số” ra đời Bến tàu K15 - điểm xuất phát của đoàn tàu không số huyền thoại cũng được hình thành tại Đồ Sơn. Ngày 11/10/1962, chiếc tàu Không số đầu tiên mang số hiệu 41 được đặt tên là Phương Đông 1 chở 24 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn lên đường vào Nam. Chín ngày đêm lênh đênh trên biển, gặp sóng to gió lớn, bị tàu chiến địch theo dõi kiểm soát… Đêm 18/10/1962, tàu Phương Đông 1 chở 24 tấn vũ khí cập bến Cà Mau. Thắng lợi của chuyến đi đầu tiên của tàu Phương Đông 1 mở ra con đường hiện thực trên biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, làm tiền đề cho những chuyến đi tiếp theo của Phương Đông 2, Phương Đông 3 và 4. Chỉ trong vòng 01 năm, Đoàn 759 đã có 28 chuyến tàu đi - về an toàn, chở được 1.318 tấn vũ khí cho miền Nam. Ngày 24/01/1964, Đoàn 759 được đổi tên thành Đoàn 125. Bắt đầu từ đây, đoàn “Tàu không số” bước sang giai đoạn vận chuyển hiệu quả nhất gắn với sự ác liệt của các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Cùng với Đoàn 559, Đoàn 125 đã có những đóng góp vô cùng quan trọng vào các chiến thắng ở chiến trường miền Nam như chuyến đi của Tàu 56 vào Bà Rịa tháng 11/1964, đã kịp thời cung cấp vũ khí cho chiến dịch Bình Giã, góp phần giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông Bắc Sài Gòn; trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong 02 tháng 3 và 4/1975, Đoàn 125 chở được 17.473 cán bộ, chiến sĩ, 40 xe tăng, 7.786 tấn vũ khí, nhiên liệu vào miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Tiếp đó, Đoàn 125 tham gia giải phóng đảo Trường Sa, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc…    

     Suốt 14 năm, từ 1961 - 1975, những đoàn “Tàu không số́” cùng hàng nghìn chiến sỹ dũng cảm, kiên cường đi liên tục 2.047 chuyến, vận chuyển 150.000 tấn vũ khí, 80.000 lượt cán bộ, chiến sĩ ra Bắc vào Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyết mạch nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, trở thành một con đường huyền thoại, là điểm mù bí ẩn không thể lý giải với quân địch lúc bấy giờ. Bắt đầu hành trình, mỗi tàu không số đều được gắn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Mỗi chuyến đi như một lần truy điệu, các chiến sỹ trên những Đoàn tàu không số ấy trước khi lên đường đều được đơn vị tổ chức “Lễ truy điệu sống” phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ trên tàu sẽ tự kích nổ tàu để giữ bí mật. Đã có rất nhiều cán bộ chiến sỹ, những người con của đất nước đã mãi nằm lại biển xanh để bảo vệ sự an toàn tuyệt đối của con đường.

     Hơn 60 năm đã qua đi, khát vọng của những người chiến sỹ đoàn “Tàu không số” năm xưa đã thành hiện thực, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, tự do và thống nhất. Tiếp nối khát vọng cha anh, các thế hệ Việt Nam hiện nay đã và đang phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, viết tiếp những huyền thoại mới trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=duong-ho-chi-minh-tren-bien-huyen-thoai-nhung-doan-tau-khong-so
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com