Thứ hai, 17.10.2022 GMT+7

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VỀ Ý THỨC XÃ HỘI VÀ MỘT SỐ NGUYÊN TẮC TRONG XÂY DỰNG Ý THỨC XÃ HỘI MỚI VIỆT NAM HIỆN NAY

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, ý thức xã hội là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm cùng những tình cảm, tâm trạng, truyền thống... về chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, thẩm mỹ, tôn giáo và khoa học của một cộng đồng người, phản ánh tồn tại xã hội của họ.

     Ý thức xã hội không bao quát toàn bộ những hiện tượng tinh thần trong phạm trù ý thức mà chỉ là ý thức về chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, thẩm mỹ, tôn giáo và khoa học; đó là những biểu hiện khác nhau được gọi là các hình thái ý thức xã hội. Ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội qua những giai đoạn lịch sử nhất định và chính tồn tại xã hội là nguồn gốc của ý thức xã hội. Quan điểm duy vật lịch sử chỉ rõ rằng “Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ”.

     Công lao to lớn của C.Mác và Ph.Ăngghen là phát triển chủ nghĩa duy vật đến đỉnh cao, xây dựng quan điểm duy vật về lịch sử và lần đầu tiên giải quyết khoa học vấn đề hình thành và phát triển của ý thức xã hội. Các ông đã chứng minh rằng đời sống tinh thần của xã hội hình thành và phát triển trên cơ sở của đời sống vật chất, rằng không thể tìm nguồn gốc của tư tưởng tâm lý xã hội trong bản thân nó nghĩa là không thể tìm trong đầu óc con người mà phải tìm trong hiện thực vật chất. Sự biến đổi của một thời đại nào đó cũng sẽ không thể giải thích được nếu chỉ căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. C.Mác viết: "... không thể nhận định được về một thời đại đảo lộn như thế căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất xã hội". Những luận điểm trên đây đã bác bỏ quan niệm sai lầm của chủ nghĩa duy tâm muốn đi tìm nguồn gốc của ý thức tư tưởng không phải trong đời sống vật chất xã hội mà trong bản thân ý thức tư tưởng, xem tinh thần, tư tưởng là nguồn gốc của mọi hiện tượng xã hội, quyết định sự phát triển xã hội và trình bày lịch sử các hình thái ý thức xã hội tách rời cơ sở kinh tế, xã hội.

     Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, ý thức xã hội là sự phản ánh của tồn tại xã hội, phụ thuộc vào tồn tại xã hội. Mỗi khi tồn tại xã hội, nhất là phương thức sản xuất biến đổi thì những tư tưởng và lý luận xã hội, những quan điểm về chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, văn hoá, nghệ thuật... sớm muộn sẽ biến đổi theo. Cho nên ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, nếu chúng ta thấy có những lý luận, quan điểm, tư tưởng xã hội khác nhau thì đó là do những điều kiện khác nhau của đời sống vật chất quyết định. Mặt khác, sự phản ánh của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội lại khúc xạ qua lăng kính chủ quan của chủ thể cộng đồng. Với các cộng đồng người khác nhau có những nhu cầu, lợi ích, góc nhìn ít nhiều khác nhau, thậm chí đối lập nhau, điều đó làm cho sự phản ánh của ý thức xã hội có những kết quả khác nhau. Kết quả phản ánh ấy được hình thành, bị chi phối bởi quan điểm, tư tưởng, thái độ, tình cảm... của chủ thể đối với đối tượng phản ánh.

     Trong xã hội có giai cấp, các giai cấp trong xã hội có địa vị kinh tế - xã hội khác nhau, vai trò xã hội khác nhau, điều kiện sống và hoạt động khác nhau, lợi ích khác nhau, nên ý thức xã hội của các giai cấp khác nhau là khác nhau. Mỗi giai cấp, do điều kiện sinh sống về vật chất, do cơ sở kinh tế khác nhau… nên thường có tư tưởng, quan điểm khác nhau. Trong xã hội có nhiều giai cấp, giai cấp nào chiếm địa vị thống trị về kinh tế thì hệ tư tưởng của giai cấp đó cũng trở thành hệ tư tưởng thống trị của xã hội. C.Mác và Ph. Ănghen đã viết: “Giai cấp nào chi phối những tư liệu sản xuất vật chất thì cũng chi phối luôn cả những tư liệu sản xuất tinh thần, thành thử nói chung tư tưởng của những người không có tư liệu sản xuất tinh thần cũng đồng thời bị giai cấp thống trị đó chi phối”.

     Ý thức xã hội vừa mang tính giai cấp, vừa mang tính dân tộc và mang tính nhân loại. Bởi lẽ, ý thức xã hội của một giai cấp không chỉ phản ánh những điều kiện sinh hoạt vật chất, đời sống vật chất của giai cấp mình mà cả những điều kiện sinh hoạt vật chất, đời sống vật chất của cả dân tộc.

     Do vậy, ngoài tâm lý và hệ tư tưởng giai cấp, trong ý thức xã hội còn có tâm lý, tình cảm, tâm trạng, thói quen, của dân tộc. Những yếu tố này được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác tạo thành truyền thống dân tộc.

     Ý thức xã hội cũng phản ánh những điều kiện vật chất của thời đại, những quan hệ quốc tế mang tính nhân loại. Vì vậy, ý thức xã hội không chỉ mang tính giai cấp, tính dân tộc mà còn mang tính nhân loại. Cũng cần lưu ý rằng, mỗi cá nhân trong khi biểu hiện ý thức xã hội, ý thức giai cấp thì cũng biểu hiện ý thức cá nhân tức là những đặc điểm tâm lý, tính cách, cá tính, tư tưởng riêng có của cá nhân ấy. Vì thế, cần chú ý giải quyết tốt mối quan hệ giữa tính giai cấp, tính dân tộc, tính nhân loại và tính cá nhân trong ý thức xã hội của mỗi người.

     Ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội, nhưng đó không phải là sự phản ánh một cách giản đơn, trực tiếp mà đa dạng, phong phú bằng nhiều hình thức đặc thù, trải qua các khâu trung gian. Không phải bất cứ tư tưởng, quan điểm, lý luận hình thái ý thức xã hội nào cũng phản ánh rõ ràng và trực tiếp những quan hệ kinh tế của thời đại mà chỉ xét đến cùng thì chúng ta mới thấy rõ những mối quan hệ kinh tế được phản ánh bằng cách này, cách khác trong các tư tưởng ấy. Mặt khác, sự phản ánh của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội còn bị chi phối bởi cái chủ quan của chủ thể cộng đồng phản ánh (như trình độ phản ánh, thế giới quan, góc tiếp cận, đặc biệt là lợi ích).

     Ý thức xã hội có tính độc lập nhất định trong mối quan hệ với tồn tại xã hội. Nó thể hiện qua những biểu hiện đặc thù phản ánh và vai trò của ý thức xã hội qua sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội. Đó là sự độc lập không hoàn toàn và có điều kiện, là độc lập tương đối.

     Từ những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về ý thức xã hội nói trên, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam khi xây dựng ý thức xã hội mới phải dựa trên các nguyên tắc sau:

     Thứ nhất, xây dựng ý thức xã hội mới gắn chặt với công cuộc xây dựng nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới. Điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội mới là nền tảng, là cơ sở để xây dựng, củng cố ý thức xã hội mới, vì vậy, việc xây dựng ý thức xã hội phải bắt đầu từ việc xây dựng đời sống vật chất của xã hội mới. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục củng cố và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển ý thức xã hội chủ nghĩa một cách sâu rộng và phổ biến trong đông đảo quần chúng. Xây dựng đời sống vật chất của xã hội mới theo mục tiêu gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân theo hướng xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội, có các giải pháp quản lý hiệu quả để giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng ý thức xã hội mới cũng phụ thuộc rất nhiều vào kết quả xây dựng nền văn hóa mới, con người mới. Văn hóa mang tính nhân văn, chứa đựng cái đúng, cái tốt đẹp được cộng đồng dân tộc sáng tạo lưu trữ, chuyển tải vào các lĩnh vực chính trị, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo… tạo thành văn hóa nuôi dưỡng đời sống tinh thần mỗi cá nhân và cả cộng đồng, là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới.

     Đại hội XIII của Đảng yêu cầu nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, cần khai thác và phát huy cao nhất các giá trị tốt đẹp, bền vững của văn hóa, con người và gia đình Việt Nam. Đại hội XIII với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, lần đầu tiên đã nêu yêu cầu: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”Phải chăng đó là tâm lý tiểu nông, là tính ỷ lại, dựa dẫm, tính đố kỵ, thiếu kỹ năng hợp tác, thiếu ý thực tôn trọng pháp luật... Các mặt hạn chế của con người Việt Nam cần phải được nhận biết, được phê bình, tự phê bình nghiêm khắc, cần phải được sửa chữa, khắc phục để cho dân giàu, nước mạnh. Phát triển mạnh mẽ nền văn hoá và con người Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, chúng ta đứng trước yêu cầu cấp thiết là phải bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nhất là các giá trị văn hoá truyền thống và cách mạng; đấu tranh chống các khuynh hướng đồng hóa, nô dịch về văn hóa. Đồng thời, coi trọng việc tiếp thu tinh hoa văn hoá, khoa học, giáo dục của nhân loại để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiến kịp, tiến cùng thời đại.

     Thứ hai, xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam hiện nay là quá trình kết hợp giữa xây và chống. Quá trình xây dựng ý thức xã hội mới là quá trình xây dựng những quan điểm, những giá trị của xã hội mới được nảy sinh trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Cần xây dựng hệ tư tưởng của xã hội mới, xây dựng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng và kim chỉ nam cho nhận thức, hành động của toàn Đảng và toàn dân. Bên cạnh đó cần trang bị cho cộng đồng những tri thức mới của thời đại, tri thức về kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đặc biệt là những tri thức về khoa học và công nghệ, về văn hóa, pháp luật, đạo đức, con người góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

     Cùng với việc xây dựng, bồi dưỡng ý thức xã hội mới cần chống những biểu hiện cản trở sự nghiệp xây dựng đó. Cần tập trung khắc phục tình trạng suy thoái về hệ tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên với các biểu hiện như: Dao động về lý tưởng, mục tiêu và con đường phát triển của dân tộc; phủ nhận thành quả cách mạng và giá trị truyền thống của dân tộc; thiếu thống nhất với các quan điểm, chủ trương của Đảng, từ đó nói và làm không theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý thức mất cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch; không kịp thời kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, lệch lạc. Khắc phục những tập quán, thói quen truyền thống không phù hợp, lạc hậu, cản trở công cuộc xây dựng xã hội mới. Khắc phục tâm lý của nền kinh tế tiểu nông như: tâm lý thụ động, thói tùy tiện, đố kỵ, coi thường pháp luật…

     Thứ ba, bảo đảm tính kế thừa trong xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam. Cần kế thừa một cách biện chứng, có nghĩa việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị của dân tộc cần có sự chọn lọc và làm mới. Giữ gìn những truyền thống tốt đẹp, tiến bộ, nhân văn và phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội mới hiện nay. Để kế thừa truyền thống của dân tộc cần khắc phục những yếu tố lạc hậu và nâng tầm các giá trị truyền thống lên tầm cao mới, bên cạnh việc kế thừa các giá trị truyền thống trong xây dựng đời sống tinh thần của xã hội mới, Đảng ta chỉ rõ, cần tiếp nhận có chọn lọc các giá trị tinh thần được du nhập từ bên ngoài, của thế giới làm phong phú thêm văn hóa dân tộc để không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển tinh thần xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

     Thứ tư, xây dựng ý thức xã hội mới là sự nghiệp của toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ý thức xã hội mới phản ánh lợi ích của nhân dân và do chính nhân dân Việt Nam xây dựng. Tinh thần này được thể hiện trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong các chính sách cụ thể của từng ngành, từng địa phương. Vì vậy, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều có sự tham gia xây dựng của nhân dân, phản ánh lợi ích của nhân dân. Nhân dân có quyền và có trách nhiệm trong việc xây dựng, hoạch định và thi hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, tuyên truyền, quảng bá, phát triển ý thức xã hội mới.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quan-diem-cua-chu-nghia-mac-lenin-ve-y-thuc-xa-hoi-va-mot-so-nguyen-tac-trong-xay-dung-y-thuc-xa-hoi-moi-viet-nam-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com