Thứ sáu, 14.10.2022 GMT+7

VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT "VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CNH, HĐH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045" VÀO GIẢNG DẠY BÀI “NHỮNG PHƯƠNG HƯỚNG CƠ BẢN XÂY DỰNG CNXH Ở VIỆT NAM"

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 03/10 đến ngày 09/10/2022. Sau 07 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và các đại biểu tham dự Hội nghị đã phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào các tờ trình, báo cáo, đề án. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình đầy đủ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các Nghị quyết và kết luận của Hội nghị, trong đó có Nghị quyết rất quan trọng nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững đất nước đó là Nghị quyết “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

     Nội dung bài “Những phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị gồm hệ thống các quan điểm lý luận khoa học của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, với những phương hướng cụ thể. Khi giảng dạy phương hướng thứ nhất: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên môi trường, giảng viên có thể vận dụng Nghị quyết Trung ương 6 khoá XIII “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Sau hơn 35 năm đổi mới, với những điều kiện, tiền đề kinh tế - xã hội đã tạo ra, tại Hội Nghị Trung ương 6 khoá XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh tình hình trong nước và trên thế giới đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi trước tác động của cuộc cách mạng 4.0. Toàn Đảng, toàn dân ta cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Giảng viên cần nhấn mạnh mục tiêu này của Đảng để học viên hiểu một cách sâu sắc hơn.

     Về nhận thức: Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII chỉ ra rằng: Cần phải nhận thức rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; là phương thức quan trọng để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đây là nội dung khi giảng dạy, giảng viên làm rõ cho học viên hiểu được vai trò của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

     Với yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh cách mạng khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, Đại hội XIII đưa ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Để đạt mục tiêu này, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII khẳng định “Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước; là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể; bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với yêu cầu giữ gìn tiến bộ và công bằng xã hội, bồi đắp và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc, bảo vệ tài nguyên, môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động”. Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII nêu lên điểm mới là lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan điểm này thể hiện rõ vai trò của donh nghiệp trong quá trình chung tay cùng đất nước thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vai trò của doanh nghiệp là chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để có năng suất lao động cao, hiệu quả tốt.

     Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn phát triển kinh tế tri thức là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của các doanh nghiệp. Vì thế, sự đồng thuận xã hội là một tiền đề có ý nghĩa quyết định. Đây là chủ trương xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng ta. Để tạo lập tiền đề này cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước với phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII tiếp tục là sợ chỉ đỏ để chúng ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-nghi-quyet-ve-tiep-tuc-day-manh-cnh-hdh-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045-vao-giang-day-bai-nhung-phuong-huong-co-ban-xay-dung-cnxh-o-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com