Thứ sáu, 07.10.2022 GMT+7

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN TỈNH PHÚ THỌ (09/10/1947 - 09/10/2022)

Có thể khẳng định, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn do giai cấp công nhân và những người lao động tự nguyện lập ra. Công đoàn Việt Nam được thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, lao động.

     Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành (09/10/1947 - 09/10/2022), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh và Công đoàn Việt Nam, sự quan tâm, phối hợp của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; Công đoàn tỉnh Phú Thọ luôn là sợi dây nối liền giữa Đảng, Nhà nước với người lao động; tập hợp, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới của công nhân, viên chức, lao động, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

     Tổ chức Công đoàn sơ khai đầu tiên ở tỉnh Phú Thọ là tổ chức Công nhân phản đế được thành lập cuối năm 1939 của công nhân nhà máy giấy Việt Trì. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân lao động đã cùng các lực lượng trong tỉnh đứng lên giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

     Tháng 02/1947, tại Hội nghị cán bộ công vận Trung Bắc bộ đã ra Nghị quyết thành lập Công đoàn ở những tỉnh chưa có phong trào. Tháng 3/1947, đồng chí Hà Thị Thục Chinh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cử về Phú Thọ giúp các cơ sở xây dựng phong trào Công đoàn. Ngày 09/8/1947, Tỉnh ủy Phú Thọ đã quyết định phân công đồng chí Hoàng Tám phụ trách công tác công vận, liên lạc với Công đoàn. Tháng 9/1947, Ban vận động thành lập Liên hiệp Công đoàn tỉnh Phú Thọ ra đời; lúc này Phú Thọ có 15 Công đoàn cơ sở với 1.119 đoàn viên.

     Ngày 15/9/1947, Ban Công vận khu X, đã ra Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của Liên hiệp Công đoàn Phú Thọ. Thực hiện chủ trương này, "Ngày 09/10/1947, Liên hiệp Công đoàn Phú Thọ có “đại biểu hội nghị”, cử ra một Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn đúng danh nghĩa "Liên hiệp" và sửa đổi lại hình thức tổ chức. Trụ sở của Liên hiệp Công đoàn tỉnh đặt tại thôn Yên Luật, xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Sau khi được thành lập, Công đoàn tỉnh Phú Thọ đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của tỉnh.

     Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1948 - 1954): Công đoàn tỉnh đã động viên công nhân, viên chức cùng lực lượng vũ trang tham gia kháng chiến chống Pháp. Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ II (tháng 6/1951) đã đề ra nhiệm vụ công tác công đoàn trong thời kỳ mới là: "Giáo dục công nhân viên chức, đề cao tinh thần yêu nước. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tăng năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật trau dồi nghề nghiệp, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất góp phần bảo đảm đời sống dân sinh và xây dựng lực lượng đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc kháng chiến".

     Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1954 - 1975): Công đoàn tỉnh đã động viên công nhân viên chức trong tỉnh nhanh chóng bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tham gia cải cách ruộng đất, chăm lo cải thiện đời sống cho người lao động. Đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước như phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải” đã thu hút nhiều cơ sở, xí nghiệp đăng ký. Đầu năm 1975, cùng với nhân dân miền Bắc, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn tỉnh đón mừng chiến thắng vang dội của quân và dân miền Nam anh hùng. Thi đua với miền Nam, Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, phấn đấu giành “Ba điểm cao” hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1975.

     Trong những năm cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội (1975 - 1986): Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo của Tổng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn tỉnh đã triển khai hiệu quả các phong trào như: Phong trào “người thợ giỏi”, “người lái tàu giỏi”… Với những đóng góp to lớn, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (1984), hơn 100 đoàn viên Công đoàn của tỉnh được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Công đoàn”. Năm 1985, công nhân viên chức và Liên hiệp Công đoàn tỉnh Vĩnh Phú đã vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

     Trong thực hiện đường lối đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 1986 đến nay: Công đoàn tỉnh đã nhanh chóng sắp xếp lại bộ máy, CNVCLĐ thi đua lao động sản xuất; có bước phát triển, lớn mạnh hơn về số lượng, chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Nhiều phong trào thi đua được phát động như “Công nhân, viên chức, lao động Phú Thọ trí tuệ - sáng tạo - cần kiệm xây dựng quê hương giàu đẹp”; “Công nhân, viên chức, lao động Phú Thọ vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững”. Ghi nhận những cống hiến của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tỉnh Phú Thọ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước đã trao tặng Liên đoàn Lao động tỉnh Huân chương Độc lập hạng Ba.

     Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Thọ tích cực chủ động phối hợp với chính quyền, triển khai các chương trình thi đua, chăm lo cho đoàn viên, quan tâm CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm Công đoàn”, kinh phí thuê nhà ở; hỗ trợ và giải quyết CNVCLĐ phát triển kinh tế gia đình từ nguồn quỹ “Trợ vốn đoàn viên Công đoàn”. Tiếp tục tập trung chỉ đạo phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, Cuộc vận động “Xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”.Hoạt động Công đoàn được tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện hướng mạnh về cơ sở, lấy Công đoàn cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên, CNVCLĐ làm đối tượng vận động, quan tâm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên và người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

     Phát huy truyền thống tốt đẹp của đội ngũ CNVCLĐ trên quê hương Đất Tổ, tự hào về lịch sử vẻ vang 75 năm xây dựng và phát triển của Công đoàn tỉnh, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Phú Thọ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Đại hội XVI Công đoàn tỉnh Phú Thọ, Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; ra sức thi đua lao động sản xuất, công tác, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2022 và kế hoạch 05 năm  2021 - 2026; góp phần xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=ky-niem-75-nam-ngay-thanh-lap-cong-doan-tinh-phu-tho-09101947-09102022
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com