Thứ sáu, 07.10.2022 GMT+7

TÌM HIỂU MỘT SỐ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ PHỤ NỮ SÁNG TẠO KHỞI NGHIỆP, PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ THỌ

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Phú Thọ là tổ chức chính trị - xã hội, có chức năng, nhiệm vụ quan trọng là đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

     Nhiệm kỳ 2016 - 2021, hoạt động của các cấp Hội LHPN trong tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các cuộc vận động, khâu đột phá được triển khai sâu rộng, ngày càng có sức lan tỏa trong các tầng lớp phụ nữ, góp phần phát huy tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ. Điển hình là việc thực hiện khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện giảm nghèo bền vững” gắn với Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.

     Hằng năm, các cấp Hội lựa chọn những nội dung ưu tiên phù hợp với nguồn lựctừ ngân sách nhà nước cấp và nguồn kinh phí xã hội hóa để tổ chức trên 2.000 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho cán bộ, hội viên; hướng dẫn hội viên xây dựng, đề xuất các ý tưởng khởi nghiệp tham gia các cuộc thi do Trung ương Hội tổ chức; có 54 ý tưởng được vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh, 02 ý tưởng đạt giải được Trung ương Hội, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện. Từ phong trào thi đua lao động sản xuất đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới cho thu nhập cao và có nhiều gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

     Làm tốt vai trò kết nối, hỗ trợ các nguồn lực xây dựng mô hình “Phụ nữ khởi nghiệp” tại cơ sở; chỉ đạo thành công một số việc mới, khó như thành lập 08 hợp tác xã kiểu mới do phụ nữ làm chủ, nâng tổng số hợp tác xã do phụ nữ hỗ trợ thành lập lên 10 hợp tác xã; phối hợp đào tạo nghề cho 10.250 lao động nữ. Hỗ trợ 802 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; thành lập và duy trì hoạt động của 295 tổ/nhóm liên kết, 44 tổ hợp tác phát triển kinh tế; duy trì và nhân rộng 465 mô hình phát triển kinh tế, trong đó 349 mô hình kinh tế tập thể; 116 mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Phối hợp với Sở Công thương tỉnh xây dựng, duy trì, quản lý hiệu quả 04 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” của hội viên phụ nữ. Tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên Nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” với hình thức phong phú, hiệu quả.

     Phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn hướng dẫn cho hội viên phụ nữ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo mô hình phát triển kinh tế trên các lĩnh vực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã 01 sản phẩm” (OCOP) trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương theo chuỗi: sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch. Tỉnh Phú Thọ công nhận 55 sản phẩm của 32 hợp tác xã, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ quản lý. Tham mưu, vận động thành lập Hội nữ doanh nhân tỉnh và chỉ đạo thành lập 05 câu lạc bộ nữ doanh nhân, câu lạc bộ nữ khởi nghiệp cấp huyện.

     Duy trì hiệu quả hoạt động các nguồn vốn thông qua tổ chức Hội; quản lý và nhận ủy thác trên 1.400 tỷ đồng cho hội viên phụ nữ vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tổng dư nợ Ngân hàng chính sách xã hội đạt trên 1.200 tỷ đồng cho 32.479 hộ vay phát triển kinh tế gia đình, tỷ lệ hoàn trả đạt 99,93%. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo dư nợ trên 32 tỷ đồng, góp phần thu hút 3.700 hội viên mới tham gia tổ chức Hội; Quỹ TYM - chi nhánh Việt Trì dư nợ trên 140 tỷ đồng. Xây dựng mới mô hình “Nhóm tiết kiệm thôn bản” cho phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn II” của tổ chức Care tại huyện Tân Sơn, Yên Lập với 23 nhóm tiết kiệm, dư nợ trên 01 tỷ đồng cho trên 300 thành viên vay phát triển kinh tế... Kết quả, giúp 7.449 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 4,34% năm 2020.

     Hội LHPN tỉnh chủ động tìm kiếm, khai thác vận động các nguồn lực để mở rộng hoạt động hỗ trợ phụ nữ. Nổi bật là chương trình phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam; Công ty cổ phần Quốc tế LeadViet và Phòng khám Đa khoa Y Tâm; Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại (INTRACO), Công ty KCM (Hàn Quốc)… tổ chức các hoạt động hỗ trợ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên với nội dung phong phú, thiết thực.

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế còn một số hạn chế: Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh chưa nhiều; việc kết nối, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho cáchợp tác xã, Tổ/nhóm phụ nữ liên kết phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn.

     Để công tác hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

     Thứ nhất, vận động phụ nữ tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Động viên, khuyến khích tinh thần sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu của phụ nữ.

     Thứ hainâng cao chất lượng hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội hỗ trợ thành lập. Chú trọng vận động phụ nữ tham gia phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, gắn với hoạt động chế biến, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp; tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, truyền thống, thế mạnh của các địa phương.

     Thứ ba, tiếp tục thực hiện Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, hỗ trợ tập huấn kiến thức, cho vay vốn, hướng dẫn xây dựng ý tưởng kinh doanh.

     Thứ tư, phát huy vai trò, thế mạnh và tăng cường phối hợp, gắn kết giữa Hội nữ doanh nhân tỉnh, Câu lạc bộ nữ doanh nhân cấp huyện với tổ chức Hội các cấp trong hoạt động phát triển kinh tế, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

     Trong thời gian tới, các tầng lớp phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khát vọng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, xây dựng tổ chức Hội và phong trào phụ nữ ngày càng phát triển góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

     Nguồn: Báo cáo của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Phú Thọ khóa XV, nhiệm kỳ 2016 2021trình Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 2026).

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tim-hieu-mot-so-ket-qua-hoat-dong-h-tro-phu-nu-sang-tao-khoi-nghiep-phat-trien-kinh-te-cua-hoi-lien-hiep-phu-nu-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com