Thứ sáu, 07.10.2022 GMT+7

CẢI THIỆN MẠNH MẼ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH - KHÂU ĐỘT PHÁ XÂY DỰNG PHÚ THỌ TRỞ THÀNH TỈNH PHÁT TRIỂN HÀNG ĐẦU VÙNG TRUNG DU, MIỀN NÚI PHÍA BẮC

Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với miền núi phía Bắc; trên hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng, gần sân bay quốc tế Nội Bài, cửa khẩu quốc tế Lào Cai... nên có nhiều thuận lợi để mở rộng hợp tác phát triển. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có mối tương quan mật thiết với môi trường đầu tư kinh doanh. Nền kinh tế có phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh của tỉnh cao hay thấp, cũng như mức độ thuận lợi hay kém thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh.

     Trong 05 năm 2015 - 2020, bằng quyết tâm phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng các doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Phú Thọ đạt nhiều thành tựu quan trọng: Hoàn thành và vượt 19/20 chỉ tiêu đề ra; GRDP tăng 7,86%/năm, đạt 52,5 triệu đồng/người; kim ngạch xuất khẩu tăng 30,2%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 125.000 tỷ đồng/5 năm… Bốn khâu đột phá về Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng then chốt; Phát triển nguồn nhân lực; Cải cách hành chính và Phát triển du lịch đều đạt kết đáng kể. Tỉnh đã huy động trên 50.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng (tăng 1,38 lần so giai đoạn 2011-2015); xây dựng mới hơn 1.100km đường các cấp, loại. Nguồn nhân lực phát triển mạnh mẽ cả quy mô lẫn chất lượng. Các dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư đã tạo động lực mạnh mẽ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

     Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “… Tập trung thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa- xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc([1]) .

     Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngày 13/10/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 61-NQ/TU “về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó quan điểm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của hệ thống chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất; tạo thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh.

     Tiếp đó, ngày 11/11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch số 5246/KH-UBND “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó xác định “Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Tập trung phát triển công nghiệp và một số lĩnh vực dịch vụ, du lịch; tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc([2]). Mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 7,5% trở lên; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 40,5%; dịch vụ 41,5%; Nông - lâm nghiệp - thủy sản 18%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 05 năm đạt trên 160 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với giai đoạn trước; thu hút vốn FDI đăng ký 2 - 2,5 tỷ USD; Đến năm 2025 có khoảng 11.000 doanh nghiệp, tăng bình quân 12%/năm, trong đó có 220 doanh nghiệp FDI; Phấn đấu đến năm 2025 tạo việc làm mới cho 40 - 50 nghìn lao động. Chỉ số PCI đến năm 2025 xếp hạng nhóm 15/63; chỉ số PAR Index duy trì xếp hạng nhóm 15 - 20/63; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), tỷ lệ hài lòng chung đạt tối thiểu 90%, chỉ số PAPI xếp trong nhóm “Trung bình cao” phấn đấu đạt ở nhóm “cao nhất” của cả nước.

     Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành ước đạt 80.764 tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 3/14 tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 ước tăng 6,28% so với năm 2020, đứng thứ 21 cả nước và đứng thứ 5 so với các tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc; trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,59%; khu vực dịch vụ tăng 3,04%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,23%;([3])... Tính đến ngày 17/12/2021, toàn tỉnh có 763 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 7.593,0 tỷ đồng, tăng 8,8% về số doanh nghiệp và tăng 63,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 50,6% cùng kỳ năm trước. Sau 06 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 7,80% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,14%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,08%,  khu vực dịch vụ tăng 6,44%, thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) tăng 7,12%.

     Năm 2021, ghi dấu nhiều bước tiến đột phá của Phú Thọ trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh khi đứng thứ 14/63 tỉnh về thu hút vốn FDI. Chính vì vậy, Phú Thọ đã tạo được sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Slovakia, Italia…; các doanh nghiệp lớn trong nước như: T&T, Vingroup, Sông Hồng Thủ Đô… Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 74 dự án trong nước và 15 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn đầu tư 19,5 nghìn tỷ đồng và 500 triệu USD. Hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước và có vốn đăng ký tăng 127,7%.

     Để khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du, miền núi phía Bắc, trong thời gian tới tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

     Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, của Đảng bộ tỉnh, kế hoạch, các chương trình, dự án lớn của tỉnh, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, hiệp hội doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đặc biệt triển khai sớm Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh.

     Hai là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao tính năng động, tiên phong, quyết tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành và nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt người đứng đầu phải ý thức sâu sắc vai trò tiên phong trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo niềm tin của doanh nghiệp vào sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước; tạo dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện với người dân, doanh nghiệp…

     Ba là: Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý. Xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, đẩy mạnh chuyển đổi số và từng bước hiện đại. Rà soát, ban hành quy trình, thủ tục đầu tư rõ ràng, minh bạch; giảm tối đa thủ tục, thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết công việc của cơ quan nhà nước. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp các thủ tục về đầu tư, về giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về thủ tục xây dựng…

     Bốn là: Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm, phát triển công nghiệp và các ngành dịch vụ, du lịch, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng thủ đô và các tỉnh lân cận; kết nối các khu công nghiệp, khu du lịch… Tăng cường bố trí ngân sách tỉnh cho Quỹ phát triển đất để Nhà nước giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm về giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng dịch vụ du lịch, đảm bảo đến năm 2025, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đáp ứng được yêu cầu phát triển.

     Năm là: Nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa về trình độ, kỹ năng đội ngũ công nhân lành nghề có tác phong công nghiệp. Chú trọng phát huy lợi thế thu hút nguồn nhân lực của tỉnh (người lao động đang làm việc ngoài tỉnh, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về tỉnh làm việc); thu hút nguồn lao động phổ thông các tỉnh lân cận đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của nhiều ngành công nghiệp phụ trợ; có cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (đội ngũ kỹ sư, bậc thợ tay nghề) các tỉnh vùng thủ đô để đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn; phát triển nguồn nhân lực y tế có trình độ cao; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đưa Phú Thọ thành trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu của vùng Trung du miền núi phía Bắc.

     Sáu là: Chú trọng làm tốt công tác quy hoạch; hoàn thiện sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đã ban hành; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh nhằm tạo sự đột phá, khơi thông nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp gắn với công nghiệp phụ trợ, các khu logistics tập trung, đủ lớn gắn với cảng đường thủy, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị toàn cầu.

     Bảy là: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tổ chức lại mô hình, đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy; nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức công vụ theo hướng chuẩn hóa. Nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan tư pháp, bảo đảm hiệu lực thực thi pháp luật, tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

     Tám là: Đảm bảo về an ninh - trật tự để tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Phía Bắc, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Giải quyết hiệu quả các tình huống phức tạp xảy ra, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, tạo môi trường an ninh, an toàn và lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.


[1] Tỉnh ủy Phú Thọ: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr59.

[2] UBND tỉnh Phú Thọ: Kế hoạch cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doạn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (KH số 5246/KH-UBND, ngày 11/11/2021).

[3] Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ  (BC số 839/BC-CTK, ngày 25/12/2021).

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cai-thien-manh-me-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-khau-dot-pha-xay-dung-phu-tho-tro-thanh-tinh-phat-trien-hang-dau-vung-trung-du-mien-nui-phia-bac
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com