Thứ ba, 04.10.2022 GMT+7

VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT 20-NQ/TW, NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước trong những năm qua. Ở nước ta kinh tế tập thể với hình thức phổ biến là các hợp tác xã, có phạm vi hoạt động rộng lớn ở các ngành, lĩnh vực, địa bàn, trên cơ sở liên kết tự nguyện của những người sản xuất nhỏ, các hộ gia đình, người sản xuất kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ... Văn kiện Đại hội Đảng XIII khẳng định: Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.

     Ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Đây là một trong những Nghị quyết quan trọng của Đảng ta, phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết đã đề cập những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tập thể nước ta những năm qua, những hạn chế, yếu kém; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém; Đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; đề cập mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, năm 2045.

     Về mục tiêu tổng quát, Đảng ta xác định: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

     Về mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030: Cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 02 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

     Đến năm 2045: Phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 03 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

     Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu phát triển Nghị quyết đã đề ra 05 nhóm giải pháp trong thời gian tới:

     1. Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

     2. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể

     3. Đất mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể

     4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể

     5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể.

     Đây là nội dung mới so với Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hànhTrung ương Đảng khóa IX“về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, nhằm phát huy tiềm năng và đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể trong tình hình mới.

     Nghị quyết đưa ra những định hướng lớn, mang tính chất dài hạn, những mục tiêu cụ thể, lượng hóa cho từng giai đoạn. Đây là cơ sở, căn cứ quan trọng để chúng ta xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Nghị quyết 20-NQ/TWkhẳng định sự phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của từng địa phương, từng vùng và của cả nước. Nghị quyết số 20-NQ/TW được kỳ vọng sẽ tạo động lực để kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể phát triển tương xứng với lợi thế so sánh và tiềm năng của nó.

     Phú Thọ là một tỉnh có nhiều tiềm năng và những nỗ lực về phát triển kinh tế tập thể trong những năm qua. Tính đến hết 31/5/2021, toàn tỉnh có 581 Hợp tác xã, 01 Liên hiệp Hợp tác xã1.301 Tổ hợp tác, với tổng số 106.224 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho trên 6.000 lao động và trên 50.000 việc làm ngắn hạn, thời vụ. Doanh thu bình quân đạt gần 2,5 tỷ đồng/Hợp tác xã/năm, tăng bình quân 8,9%/năm trong; lợi nhuận bình quân đạt trên 170 triệu đồng/Hợp tác xã/năm, tăng bình quân 14,3%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Những năm qua từng bước hình thành các mô hình Hợp tác xã hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực có quy mô lớn. Trong số 28 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP cấp tỉnh năm 2020 có 18 sản phẩm của 14 Hợp tác xãtổ hợp tác đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó có 04 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 14 sản phẩm đạt hạng 3 sao.(1)

     Tại Kế hoạch số 6086/KH-UBND ngày 31/12/2021 Kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ về Phát triển Kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàntỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021- 2025 đã đề ra mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục phát huy và khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã; Củng cố, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhiều hình thức đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; ưu tiên xây dựng, phát triển các mô hình theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Chú trọng hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả trở thành kiểu mẫu để nhân rộng; khuyến khích người dân tham gia góp đất tạo quỹ đất đủ lớn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã.

     Ngày 31/8/2022, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU “Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ Năm BCH TW Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.

     Về quan điểm phát triển:

     Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia.

     Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc của hoạt động của kinh tế tập thể và tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và của thành viên.

     Tiếp tục phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng; Phát triển đa dạng nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác không giớ hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn; khuyến khích việc tích lũy và sử dụng hiệu quả vốn, tài sản chung. Có chính sách phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khuyến khích phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

     Về mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tập thể với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị, đúng nguyên tắc và quy định của pháp luật; phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh và quy định của pháp luật; phát huy được lợi thế của các ngành, địa phương trong tỉnh; thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng sống của các thành viên, hộ gia đình; khẳng định vai trò, đóng góp của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Thọ. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát Tỉnh đã đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030; năm 2045, từ đó đưa ra 05 nhóm giải pháp nhằm phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới. Những giải pháp này bám sát những định hướng giải pháp chung của cả nước, đồng thời cụ thể hoá và phù hợp với tỉnh Phú Thọ.

     Với những kết quả đạt được, những tiềm năng, lợi thế và quyết tâm trong việc đề ra chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, tin tưởng tỉnh Phú Thọ sẽ khắc phục những khó khăn, phát huy lợi thế, có những bứt phá đi lên, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; thực hiện tốt chủ trương của Đảng trong phát triển kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

     (1): Theo trang Website Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ 01/7/2021.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-nghi-quyet-20-nqtw-nghi-quyet-hoi-nghi-lan-thu-nam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-doi-moi-phat-trien-va-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-tap-the-trong-giai-doan-moi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com