Thứ năm, 29.09.2022 GMT+7

NGHIÊN CỨU, VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VÀO GIẢNG DẠY HỌC PHẦN KINH TẾ CHÍNH TRỊ MÁC - LÊNIN

Ở Trường Chính trị tỉnh, việc cập nhật các Nghị quyết của Đảng vào giảng dạy là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của giảng viên. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược của đất nước, được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta.

     Nghị quyết số 19-NQ/TW đã khẳng định những thành tựu, kết quả to lớn của đất nước ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông nghiệp phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế nước ta, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Nghị quyết cũng đã nêu rõ 05 quan điểm;Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, trên cơ sở đó đề ra các mục tiêu cụ thể. Từ đó, Nghị quyết đề ra 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

     Trong Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, học phần Kinh tế - chính trị Mác - Lênin gồm phầnKinh tế chính trị về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và Kinh tế chính trị về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong từng phần,giảng viên đều có thể cập nhật nội dung Nghị quyết khi giảng dạy. Phần kiến thức kinh tế chính trị về phương thức tư bản chủ nghĩa có 03 bài, với cách cách tiếp cận khai thác khác nhau, giảng viên có thể lựa chọn nội dung vận dụng Nghị quyết cho phù hợp, ví dụ có thể vận dụng Nghị quyết khi giảng về sản xuất hàng hóa (ưu thế của sản xuất hàng hóa); phần quy luật giá trị, hay phần lợi nhuận... Tuy nhiên, để phù hợp kiến thức, nội dung cập nhật Nghị quyết chủ yếu tập trung ở phần 2: Kinh tế chính trị về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, trong nghiên cứu này chủ yếu đề cập đến việc cập nhật Nghị quyết của Đảng trong nội dung Kinh tế chính trị về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

     Phần Kinh tế chính trị về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội có 03 bài: Trong bài 15: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa từ trình độ phát triển kinh tế lạc hậu: Giảng viên có thể vận dụng Nghị quyết vào nội dung Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thời kỳ quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, giảng viên có thể vận dụng Nghị quyết khi phân tích chủ trương của Nghị quyết đối với nông dân đề cập mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh". Nội dung này giảng viên cần nhấn mạnh rõ mục tiêu về nâng cao trình độ, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, phát huy vai trò làm chủ của nông dân, về phát triển bền vững của nông nghiệp, phát triển toàn diện của nông thôn... Đối với mục tiêu cụ thể, Nghị quyết đưa ra nhiều mục tiêu, giảng viên có thể chọn một số mục tiêu căn bản như thu nhập bình quân đầu người: Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020; Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm... để phân tích minh họa cho phần giảng.

     Phần phương hướng, giải pháp Nghị quyết đề cập,giảng viên có thể điểm, khái quát trên cơ sở chọn lọc khi giảng bài; có thể đưa lên tiêu đề 09 giải pháp, nhưng sẽ chọn 1, 2, 3 giải pháp để nhấn mạnh, chứng minh cho phần kiến thức đang phân tích. Ví dụ có thể tập trung các giải pháp: 2. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; hay giải pháp 6. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; giải pháp 8. Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học, công nghệ.Đó là những giải pháp đề cập đến những biện pháp, nhiệm vụ mới, quan trọng, phù hợp phát triển kinh tế hàng hóa theo xu hướng bền vững, nhằm phát huy thế mạnh, nâng cao năng cao năng lực cạnh tranh đối với nông nghiệp, nông thôn nước ta hiện nay.

     Bài 16: Đặc điểm kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bài này có thể vận dụng trong nội dung 3. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đặc điểm kinh tế của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong phần này giảng viên vận dụng quan điểm của Đại hội XIII. “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển”... Như vậy, khi phân tích giảng viên có thể khái quát quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 19-NQ/TW trong chủ trương, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ví dụ nhấn mạnh ở mô hình kinh tế tập thể, hợp tác; mô hình sản xuất hàng hóa trong kinh tế tư nhân... Đó là những hình thức tổ chức kinh tế phù hợp với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta hiện nay.

     Bài 17: Những nhiệm vụ kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Giảng viên có thể tập trung cập nhật Nghị quyết số 19-NQ/TW vào nội dung quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, như ở nhiệm vụ thứ nhất, phát triển lực lượng sản xuất: Giảng viên có thể cập nhật quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 19-NQ/TW về giải pháp: Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn... đây là một trong những giải pháp quan trọng. Nhấn mạnh quan điểm của Đảng về tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề,đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

     Đối với nhiệm vụ: Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Giảng viên có thể cập nhập Nghị quyết số 19-NQ/TW ở phần giải pháp: Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học, công nghệvào bài giảng; tập trung vào quan điểm của Đảng trong việc chú trọng “phát triển thị trường nông sản trong nước, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường... Triển khai hiệu quả, thiết thực công tác quảng bá, xúc tiến thương mại dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ giống, công nghệ môi trường, tái sử dụng phụ phẩm...”

     Để nâng cao hiệu quả giảng dạy, giảng viên cần lưu ý: Chọn lọc những nội dung phù hợp, ngắn gọn để cập nhật, tránh sa đà, dàn trải, không sát nội dung; Đối với giảng viên, việc thường xuyên thu thập tài liệu, thông tin, nhất là cập nhật Nghị quyết của Đảng là điều cần thiết, để cho bài giảng phong phú và đảm bảo tính thực tiễn. Tuy nhiên, các thông tin cần được chọn lọc, tính toán để vừa đảm bảo phù hợp, khoa học, nhưng cũng không dàn trải, không sát thực với lý luận. Khi cập nhật Nghị quyết, cần phân tích rõ, đúng quan điểm của Đảng; cân đối thời gian hợp lý trong từng nội dung để cập nhật; Giảng viên có thể lựa chọn 1, 2, 3 phương án để vận dụng giảng dạy; giảng viên không vận dụng nhiều phương án sẽ gây nhàm chán, không phù hợp, không đảm bảo thời gian khi giảng; Khi cập nhật giảng viên có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau: Thuyết trình, hỏi đáp, hỏi chuyên gia... tùy vào từng nội dung kiến thức và đối tượng học viên các lớp.

     Trên đây là một số trao đổi khi vận dụng Nghị quyết số 19-NQ/TW vào giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác - Lênin. Giảng viên có thể linh hoạt lựa chọn những phương án khác nhau khi cập nhật. Việc vận dụng Nghị quyết 19-NQ/TW Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vào giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác- Lênin là thực sự cần thiết, vì đây là Nghị quyết mới, nội dung phù hợp với kiến thức phần học, nhất là phần Kinh tế chính trị về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc vận dụng hiệu quả Nghị quyết vào giảng dạy, nâng cao chất lượng bài giảng sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch giai đoạn hiện nay.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nghien-cuu-van-dung-nghi-quyet-so-19-nqtw-nghi-quyet-hoi-nghi-lan-thu-nam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-vao-giang-day-hoc-phan-kinh-te-chinh-tri-mac-lenin
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com