Thứ năm, 15.09.2022 GMT+7

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ CỦA ĐẢNG

Công tác cán bộ có vai trò quyết định đến việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Thực tế đã chứng minh ở đâu công tác cán bộ được tiến hành nghiêm túc, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, ở đó cán bộ hăng hái phấn đấu, động cơ phấn đấu của cán bộ mới đúng đắn. Ngược lại, ở đâu công tác cán bộ thực hiện không đúng nguyên tắc, quy trình, thiếu dân chủ, lãnh đạo độc đoán, có tiêu cực thì các cán bộ tốt sẽ không muốn phấn đấu vươn lên, thậm chí không yên tâm công tác. Chất lượng đội ngũ cán bộ là nhân tố chủ yếu quyết định chất lượng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

      Nói về vai trò của cán bộ và công tác cán bộ, C.Mác, Ph.Ăngghen và  V.I.Lênin đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và với thành công của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. C.Mác cho rằng; “Muốn thực hiện hệ tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn”. V.I.Lênin chỉ rất rõ: “Nhiệm vụ tổ chức của chúng ta chính là ở chỗ tìm ra những nhà lãnh đạo và những nhà tổ chức trong quần chúng nhân dân”. Trong nhiều tác phẩm, V.I.Lênin đã khẳng định, cán bộ có vị trí, ý nghĩa quyết định thành bại của cách mạng. Do vậy, cách mạng muốn thành công thì đảng cộng sản phải coi trọng việc tuyển chọn, đào luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ mạnh đáp ứng yêu cầu cách mạng...

     Quán triệt và vận dụng sáng tạo những tư tưởng, quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác -Lênin, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát rất cô đọng và sâu sắc: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nhất quán tư tưởng, quan điểm ấy, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc, toàn diện về vai trò của cán bộ và thường xuyên coi trọng lãnh đạo thực hiện công tác cán bộ bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch, đặt lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Bằng nhiều nội dung, biện pháp, trong mọi hoàn cảnh, Đảng ta đều xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ số lượng, cơ cấu hợp lý và chất lượng ngày càng cao.

      Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc và chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, trước những thử thách ngặt nghèo, đội ngũ cán bộ của Đảng luôn vững vàng bản lĩnh, tuyệt đối trung thành, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Nhờ xây dựng và phát huy tốt vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ các cấp mà Đảng ta đã khơi dậy, quy tụ được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

       Trong sự nghiệp đổi mới, nhờ làm tốt công tác cán bộ và phát huy cao độ vai trò tiên phong gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ mà Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

     Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều cán bộ đã thể hiện rõ sự năng động, sáng tạo, bắt nhịp tốt với xu thế mới, có trình độ ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng kịp thời yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế. Đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín.

      Cán bộ cấp chiến lược vững vàng bản lĩnh chính trị, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có tư duy đổi mới, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quần chúng nhân dân đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

     Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng, vẫn còn có những hạn chế được khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII:  Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; “việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, còn một số ít nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước với quy định của Đảng. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu…”. Tại Hội nghị lần thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng , tiêu cực đánh giá công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2022 (ngày 17/8/2022)  đã nhấn mạnh “…. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước); Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 10 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.”

    Những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ nếu không được khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhân dân. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhưng trước hết là sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp.

     Trước yêu cầu mới của tình hình nhiệm vụ, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nhận thức sâu sắc, toàn diện và khẳng định rõ ràng hơn về vai trò quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ. Đặc biệt, chúng ta phải thực hiện nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Đi kèm với đó cần phải có cơ chế thực sự hiệu quả để công khai, minh bạch và lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh xác đáng của nhân dân về cán bộ trước khi quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng. Như trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3 (khóa XIII) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác chuẩn bị cán bộ, đó là tiến hành “bài bản, chặt chẽ, thận trọng, theo đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao”. Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-van-de-ve-cong-tac-can-bo-cua-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com