Thứ năm, 15.09.2022 GMT+7

BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại; là thước đo sự tiến bộ và trình độ văn minh của xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế và bản sắc văn hóa. Việc bảo đảm quyền con người có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của con người; đó là điều kiện để phát triển tự do của con người trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội; để mọi người được hưởng các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa một cách bình đẳng.

     Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong thời kỳ mới. Một trong những điểm mới trong văn kiện là sự phát triển quan điểm của Đảng về vai trò của con người và phát huy nhân tố con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Với hướng tiếp cận dựa trênquyền con người, các nội dung được nêu trong Văn kiện đều tập trung vào mục đích đổi mới vì dân, các mục tiêu phát triển đều hướng đến mục tiêu phát triển vì con người, thực hiện những quyền cơ bản của con người được xác định trong Hiến pháp năm 2013.

     Đảng ta đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước phát triển, có công nghiệp đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”1. Trong 10 năm tới, Đảng ta xác định: “Phát triển con người toàn diện, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai, phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân”2.

     Có thể nói, phát triển kinh tế là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho việc bảo đảm, thúc đẩyquyền con người. Tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường chính là bảo đảmquyền con người về kinh tế, văn hoá và xã hội. Thúc đẩy kinh tế phát triển nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, trong đó tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội có ý nghĩa quan trọng. Vì thế, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người... thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững... Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân... Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập và hiệu quả”3.

     Văn kiện Đại hội XIII khẳng định tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với từng bước thực hiện công bằng xã hội và các chính sách phát triển nhằm đảm bảo cuộc sống và các quyền phát triển cho mọi người dân, vì “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu”4. Thành quả của sự phát triển xã hội phải phục vụ cho nhân dân, chủ thể thụ hưởng thành quả đó chính là nhân dân.

     Những quan điểm của Đảng thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII không chỉ khẳng định sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người mà còn khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước ta sẽ làm hết sức mình để bảo đảm và thực hiện quyền con người trên thực tế. Điều đó được thực hiện thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi các biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, để mọi người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần; xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm thực hiện và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”5.

     Bên cạnh đó, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong hơn 35 năm đổi mới toàn diện đất nước đã khẳng định rõ nét kết quả bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trong thực tế.

     Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới được Đảng ta khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”6; đó là minh chứng rõ nét kết quả bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trong thực tế. Thành tựu đó được thể hiện trên nhiều phương diện, từ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tất cả các thành tựu đó đều phục vụ cho nhân dân Việt Nam ngày một phát triển tốt hơn, toàn diện hơn, để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển. Điều đó đã và đang khẳng định vững chắc một thực tế là: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quyền con người ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm, thúc đẩy và phát triển tốt hơn.

     Có thể khẳng định, bảo đảm có hiệu quả quyền con người sẽ hỗ trợ cho mỗi người tránh được sự đe dọa bởi bạo lực, áp bức, đói nghèo, bệnh tật và những rủi ro bất thường khác; đồng thời được sống trong môi trường kinh tế, xã hội văn minh, lành mạnh thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

     Chú thích:

     1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.36.

     2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr.37-38.

     3.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd,  tr.47-48.

     4.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd,  tr.27-28.

     5.  Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Sđd,  tr.96.

     6. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021), Sđd,  tr.78.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=bao-dam-quyen-con-nguoi-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com