Thứ tư, 31.08.2022 GMT+7

VAI TRÒ CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở CƠ SỞ TỈNH PHÚ THỌ

Phú Thọ là vùng Đất Tổ cội nguồn của dân tộc, nơi các Vua Hùng đã dựng nên Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là sau khi tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ đã đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế và đạt nhiều thành tựu nổi bật, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

     Bước vào giai đoạn mới, Phú Thọ tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND. Quốc hội và HĐND cùng thi đua để xứng đáng là cơ quan đại biểu của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Với những định hướng rõ ràng và giải pháp quyết liệt, Phú Thọ đã và đang đưa khâu đột phá “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh” đi vào thực tế, trở thành nhiệm vụ hàng đầu của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số quản trị hành chính công có tiến bộ vượt bậc (PCI tăng 2 bậc, xếp 20/62 tỉnh, có 3/10 chỉ số thành phần (chất lượng co sở hạ tầng 8/63 tỉnh; môi trường kinh doanh xếp 2/63 tỉnh; chính quyền tỉnh xếp 2/63 tỉnh); chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp 09/63 tăng 01 bậc; chỉ số tỷ lệ hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp 13/63 tăng 8 bậc; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp 6/63 tăng 32 bậc so năm trước). Sản xuất công nghiệp; nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, cơ cấu nội bộ ngành từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực, hiện nay toàn tỉnh có 123/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

     Đóng góp vào những thành tựu đó, có vai trò không nhỏ của Trường Chính trị tỉnh. Những năm qua, Trường Chính trị tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu lý luận, thực tiễn, phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh được tăng cường về số lượng, chất lượng; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được quan tâm hơn; điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của trường được cải thiện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đã góp phần xây dựng Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, giáo dục nâng cao chất lượng đảng viên, cấp ủy gương mẫu để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nhà trường hiện có 01 đồng chí Phó Hiệu trưởng là thành viên Ban Chỉ đạo 35, thuận lợi cho việc nắm bắt tình hình chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, định hướng công tác đấu tranh, phản bác; tuyên truyền, định hướng, phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

     Với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức và dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở. Hằng năm, nhà trường đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được giao, loại hình lớp được mở rộng, chất lượng các chương trình được nâng lên, cập nhật và thiết thực. (Từ 2016 đến nay, nhà trường đã mở 96 lớp Trung cấp LLCT - HC với 7880 học viên; 50 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên với 4747 học viên; 04 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính với 262 học viên; 88 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, công tác Đảng, đoàn thể… với 11.286 học viên). Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều thế hệ học viên vừa "hồng" vừa "chuyên", các thế hệ học viên của nhà trường hầu hết đã phát huy được năng lực, trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng, nói đi đôi với làm, có tác phong quần chúng, dân chủ, có tư duy năng động, linh hoạt, sáng tạo, có khả năng tiếp cận cái mới, nhiều học viên của trường đã, đang trở thành lực lượng nòng cốt, nhiều cán bộ đã trưởng thành, giữ cương vị, trọng trách quan trọng ở các cấp, các ngành ở địa phương và cơ sở, góp phần thực hiện tốt chiến lược cán bộ của tỉnh thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. 

     Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đề xuất sáng kiến, kinh nghiệm là một trong những nội dung thi đua hết sức thiết thực, được cán bộ, giảng viên tham gia thường xuyên, có chất lượng. Các đề tài nghiên cứu khoa học đều được ứng dụng, triển khai trong thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy, học tập và các hoạt động khác của nhà trường, đồng thời phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn từ 2016 đến nay, nhà trường đã thực hiện 03 đề tài cấp tỉnh, trong đó có 01 đề tài khoa học cấp tỉnh về nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở của tỉnh Phú Thọ đã được nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

     Trong thời gian tới, phát huy kết quả đã đạt được, khẳng định vai trò của nhà trường góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt cấp cơ sở của tỉnh Phú Thọ, nhà trường cần tiếp tục quan tâm thực hiện các nhiệm vụ sau:

     Thứ nhất, thường xuyên chú trọng và làm tốt công tác tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt. Lấy việc “làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu, thiết thực góp phần vào sự thành công trong toàn Đảng. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; gắn đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21 khóa XIII nghiêm túc và hiệu quả. Tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về tôn chỉ, mục đích, lý tưởng của Đảng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; quán triệt đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bổ sung lực lượng cho Đảng; xây dựng đội ngũ đảng viên trong hệ thống chính trị thật sự tiên phong, gương mẫu, nhất là người đứng đầu.

     Thứ hai, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi về quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của nhà trường trong giai đoạn mới. Bản thân đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trước hết phải thường xuyên đổi mới, nâng cao năng lực giảng dạy, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách, là những tấm gương trong học tập và rèn luyện. 

     Thứ ba, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bởiđội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cấp cơ sở nói riêng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững chính trị - xã hội để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới. “Cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì vậy, cần bảo đảm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tổ chức quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại. Theo đó, các khâu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy, quản lý học viên, nghiên cứu thực tế, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên nhà trường tiếp tục đổi mới theo hướng gắn với thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nắm vững lý luận chính chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phải có tư duy sáng tạo, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách hiệu quả,  góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên.

     Thứ tư, tăng cường công tác quản lý học viên, khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, học viên học đối phó, chạy theo bằng cấp. Đại hội XIII nhấn mạnh: Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận chính trị với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị”. Khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên. Việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, khắc phục lối suy nghĩ và làm việc lạc hậu, xáo mòn.

     Thứ năm, Trường chính trị tỉnh có vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị ở địa phương. Vì vậy, cần triển khai thực hiện tốt các nội dung Đề án xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 1, giai đoạn 2022 - 2025; tập trung khắc phục các tiêu chí còn thiếu và còn yếu so với quy định trường chính trị chuẩn mức 1; chú trong đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính; kinh phí hỗ trợ đào tạo giảng viên đạt chuẩn và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học.

     Việc xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn là động lực quan trọng để cán bộ, giảng viên nhà trường tự hào về truyền thống, trách nhiệm với hiện tại, vững tin vào tương lai tươi sáng, chung sức đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới trên quê hương Đất Tổ, góp phần thực hiện tốt các Nghị quyết Đảng bộ tỉnh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

     Để góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị các cấp, trong đó có cấp cơ sở, phải khẳng định công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở các trường chính trị có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp cao để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hiện nay, trách nhiệm đào tạo bồi dưỡng đó là nhiệm vụ chính trị của các trường chính trị trong cả nước, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=vai-tro-cua-truong-chinh-tri-doi-voi-chat-luong-hoat-dong-cua-he-thong-chinh-tri-o-co-so-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com