Ngày đầu tiên, Đoàn đã làm việc về các nội dung chủ yếu như: Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; Trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường trong những năm qua; Công tác biên soạn tài liệu, bồi dưỡng Trưởng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Nam Định; Số lượng khu dân cư và tình hình đội ngũ, năng lực hoạt động của Trưởng khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Đ/c Nguyễn Thị Thanh Hương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ tặng quà lưu niệm cho Trường Chính trị Trường Chinh
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã được nghe Lãnh đạo Trường Chính trị Trường Chinh báo cáo khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định. Là trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của Tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Có diện tích tự nhiên 1.671 km2, dân số gần 02 triệu người với 226 xã, phường, thị trấn. Trải qua quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, Nam Ðịnh luôn tự hào là một trong những mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích các Vương Triều Trần với hào khí Ðông A rực rỡ.
Qua báo cáo cho thấy những thành tựu nổi bật của tỉnh, đặc biệt thành tựu nổi bật nhất về kinh tế của Nam Định là chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Tỉnh Nam Định xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng. Đến nay Nam Định đã đạt 106/204 xã thị trấn (52%) đạt chuẩn NTM nâng cao. Bên cạnh thành tựu nổi bật về kinh tế, ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, ngành giáo dục, đào tạo của Nam Định giữ vững thành tích 25 năm liên tục nằm trong top dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, thi tốt nghiệp THPT 05 năm đứng thứ nhất toàn quốc.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Trường Chính trị Trường Chinh
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị Trường Chinh trong những năm qua, nhà trường đã triển khai đã dạng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, cơ bản thực hiện theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về công tác bồi dưỡng trưởng khu dân cư, Trường Chính trị Trường Chinh tham gia giảng dạy một số chuyên đề tại các lớp ở một số huyện do Sở Nội vụ mời.
Ngày thứ hai, Đoàn đã tổ chức đi nghiên cứu thực tế tại xã Hải Châu, huyện Hải Hậu. Là xã nằm ở phía Tây Nam huyện Hải Hậu, cách trung tâm huyện trên 20km. Diện tích tự nhiên 880,5 ha; Dân số 7.613 người. Dân số theo công giáo chiếm 13,5%, xã có 02 tuyến Quốc lộ 21 và 21 B và tuyến đường bộ ven biển đi qua. Đảng bộ, chính quyền những năm qua luôn đạt trong sạch, vững mạnh. Thực hiện chủ trương sáp nhập xóm (khu dân cư), hiện nay xã Hải Châu có 10 xóm, giảm 11 xóm so với trước.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại HĐND - UBND xã Hải Châu, huyện Hải Hậu
Đoàn nghiên cứu thực tế đã làm việc với Đảng ủy - HĐND - UBND xã Hải Châu. Qua tiếp xúc trao đổi, các đồng chí lãnh đạo địa phương đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đặc biệt làm rõ vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện chương trình xây dựng NTM; phương hướng và giải pháp tiếp tục thực hiện NTM kiểu mẫu “Xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững”. Các đồng chí lãnh đạo địa phương đã dành nhiều thời gian để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với đoàn về một số khó khăn,vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đặc biệt nhiệm vụ xây dựng NTM.
Mô hình con đường hoa tại xã Hải Châu, huyện Hải Hậu
Đoàn đã được thăm quan mô hình về phát triển kinh tế, quản lý dân cư tại môt số khu dân cư (xóm) của xã Hải Châu. Năm 2021, xã đã có 19/21 khu dân cư (xóm) đạt và cơ bản đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng hệ môi trường sinh thái nông thôn: đường có điện, có hoa; sông không rác; cán bộ chuyên cần; nhân dân đồng thuận. Hàng loạt các con đường của xã đã được các hội, đoàn thể và nhân dân trồng hoa ven đường. Hầu hết các tuyến đường giao thông của xã đã được nhân dân đóng góp đầu tư hệ thống đèn đường chiếu sáng; có nước sạch, có lò đốt rác sinh hoạt. Dòng sông và kênh mương thường xuyên được dọn dẹp rác thải nên đã lấy lại được sự hiền hòa của dòng chảy vùng nông thôn.
Là điểm sáng trong xây dựng NTM của cả nước, tỉnh Nam Định đã phát huy các lợi thế, khắc phục mọi khó khăn, dựa vào sức dân, sáng tạo trong phương pháp thực hiện. Từ những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua, từ thực tiễn kinh nghiệm của xã Hải Châu, huyện Hải Hậu cho thấy, để đạt được hiệu quả trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cần dựa vào một số yếu tố sau:
Thứ nhất, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, sự phối hợp giúp đỡ của các Ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện trong xây dựng NTM.
Thứ hai, đảng ủy địa phương phải ra nghị quyết chuyên đề sát thực tiễn, kịp thời để lãnh đạo nhân dân xây dựng NTM. Cán bộ, Đảng viên trong xã phải đầu tàu, tiên phong, gương mẫu trong xây dựng NTM. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân trong xây dựng NTM. Tùy từng đặc điểm cụ thể của từng xóm (khu dân cư) để chọn cách vận động, huy động nguồn vốn thực hiện.
Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt dân chủ trong xây dựng NTM. Với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Biết phát huy nội lực trong xã, tranh thủ ngoại lực để tạo ra nguồn kinh phí để thực hiện xây dựng NTM.
Thứ tư, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, kế thừa cơ sở hạ tầng cũ, đồng thời tu bổ, xây dựng các công trình mới phù hợp với quy hoạch và tiêu chí NTM.
Thứ năm, có cơ chế hỗ trợ, khen thưởng cụ thể. Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm,nêu gương các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác xây dựng NTM; đồng thời, rút kinh nghiệm khắc phục những tồn tại trong công tác chỉ đạo cũng như thực hiện nhiệm vụ.
Chuyến nghiên cứu thực tế của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ có ý nghĩa hết sức thiết thực, bổ sung tư liệu thực tiễn sinh động góp phần vào thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu,biên soạn tài liệu bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ cho trưởng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong tình hình mới”; cũng như trong giảng dạy cho cán bộ, giảng viên củaTrường Chính trị tỉnh Phú Thọ. Tin tưởng rằng, từ những kinh nghiệm, cách làm hay của tỉnh Nam Định ở một số lĩnh vực nổi bật, giảng viên của nhà trường sẽ truyền tải được những thông điệp tích cực tới người học ở các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, giúp người học vận dụng được trong thực tiễn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.