Thứ ba, 16.08.2022 GMT+7

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA ĐẢNG TRONG NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW, NGÀY 16/6/2022, VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Ngày 05/8/2008 tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có những chuyển biến tích cực, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, trình độ văn hóa, khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ của nông dân vào sản xuất ngày càng được nâng cao. Bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới theo hướng văn minh hiện đại, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta ngày càng được củng cố, nâng cao.

     Bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động sản xuất kinh vẫn còn nhỏ, lẻ, quá trình tích tụ ruộng đất để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm. Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng; một số vấn đề xã hội phức tạp phát sinh ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội.

     Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 và định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thônđáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn hiện nay. Ngày 16/6/2022 tại Hội nghị Trung ương khóa XIII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, “về nông nghiệp, nông dân nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong Nghị quyết này Đảng ta đã đưa ra một số quan điểm mới nhằm khẳng định, nâng cao vị thế của người nông dân, vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và vai trò quan trọng của địa bàn nông thôn trong nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam.

      Thứ nhất: Về vai trò, vị trí, mối quan hệ gắn bó của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết 19 khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Về vấn đề này, Nghị quyết 26 mới chỉ đưa ra đánh giá khái quát, chưa rõ ràng, cụ thể, chưa thể hiện mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa 03 thành tố; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn khi khẳng định; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Thứ hai: Về vai trò, vị trí quan trọng của nông dân, Nghị quyết 19 khẳng địnhnông dân là người quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị. Điểm mới của Nghị quyết 19 so với Nghị quyết 26 khi khẳng định nông dân là người quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và bổ sung các tiêu chí xây dựng giai cấp nông dân.

     Thứ ba: Một điểm mới trong Nghị quyết 19 khi đưa ra quan điểm xác định lợi thế và vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp khi khẳng định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

     Thứ tư: Điểm mới trong định hướng xây dựng “nông thôn hiện đại” trong Nghị quyết 19 xác định những tiêu chí và quy hoạch cụ thể: Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hoá dân tộc cao đẹp. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân.

     Thứ năm: Nghị quyết cũng đã xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân khi khẳng định: Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. 

     Với những điểm mới trong Nghị quyết số 19-NQ/TW, có thể khẳng định: việc ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII là cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn hiên nay. Các quan điểm của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thể hiện nhận thức mới, cụ thể, rõ ràng hơn về vị trí, vai quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế nói chung.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhung-diem-moi-cua-dang-trong-nghi-quyet-so-19-nqtw-ngay-1662022-ve-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com