Thứ năm, 14.07.2022 GMT+7

NHỮNG ĐÓNG GÓP NỔI BẬT CỦA VIỆT NAM SAU 27 NĂM GIA NHẬP ASEAN

Cách đây 27 năm, ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 tại Brunây, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trở thành thành viên chính thứ 7 của Hiệp hội này. Tổ chức ASEAN được thành lập năm 1967 với 05 thành viên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore.

     Việc Việt Nam gia nhập ASEAN đánh dấu một bước ngoặt quan trọng ở Đông Nam Á. Sự kiện chấm dứt thời kỳ căng thẳng, không ổn định và đầy nghi ngại giữa các nước trong khu vực, tạo nên khung cảnh hòa bình, an ninh và ổn định, mở ra thời kỳ phát triển mới của khu vực. Đây cũng là dấu mốc lớn, quyết sách đầy trách nhiệm và dũng cảm của các nhà lãnh đạo nước ta thời kỳ đó, đã mở cánh cửa đầu tiên giúp Việt Nam từng bước tháo gỡ thế bao vây, cấm vận và bước đầu hội nhập cả về kinh tế và đối ngoại với thế giới. 27 năm kể từ ngày chính thức trở thành thành viên của ASEAN, Việt Nam luôn phát huy vai trò là thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay cùng các nước thành viên ASEAN khác ứng phó các thách thức đang nổi lên, cũng như đóng góp xử lý những vấn đề chiến lược liên quan hòa bình, phát triển, thịnh vượng của ASEAN; qua đó, góp phần thúc đẩy vị thế của ASEAN cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Trong 27 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật rất quan trọng cho ASEAN như:

     Thứ nhất, là một nước tầm trung trong khu vực, với dân số đứng thứ 3, diện tích đứng thứ 4 ở Đông Nam Á, việc Việt Nam tham gia ASEAN đã giúp cho tổ chức này lớn mạnh về tiềm lực, phạm vi cũng như vững mạnh về tổ chức, giúp ASEAN trở thành một tổ chức vững mạnh, chấm dứt những nghi kỵ, chia rẽ, đối đầu, mở ra một thời kỳ phát triển mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

     Thứ hai, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó có thể kể đến Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể kèm theo, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)… Sự phát triển và sự hoàn thiện của ASEAN ghi đậm dấu ấn của Việt Nam. Đặc biệt sau khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam trở thành hình mẫu khiến các nước Đông Dương và Đông Nam Á lục địa mà chưa phải thành viên của ASEAN “sốt ruột” và muốn gia nhập ASEAN. Được “truyền cảm hứng” từ Việt Nam, Myanmar và Lào đã gia nhập ASEAN vào năm 1997, đến năm 1999 ASEAN đón thêm thành viên mới là Campuchia. Có thể nói, đằng sau việc gianhập ASEAN của 3 quốc gia này đều có vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng và thúcđẩy từ phía Việt Nam.

     Thứ ba, Việt Nam thể hiện rất tích cực trong vai trò có trách nhiệm của mình, đặc biệt là đảm nhiệm rất thành công các nhiệm vụ luân phiên. Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VI chỉ sau 03 năm gia nhập ASEAN. Dù chưa đưa ra mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN ở thời điểm đó, nhưng việc thai nghén về một ý tưởng cộng đồng ASEAN có vai trò rất lớn của Việt Nam. Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010. Đặc biệt, năm 2020 - khi mà khu vực và thế giới bị đại dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam đã thực hiện thành công vai trò nước chủ tịch, tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN trực tuyến đặc biệt về ứng phó với dịch Covid-19 vào tháng 6 năm 2020, trước đó đã tổ chức Hội nghị các quan chức y tế ASEAN với sự tham gia của các quan chức y tế Mỹ và các nước khác và nhiều sự kiện khác trong khuôn khổ ASEAN

     Việt Nam trở thành hình mẫu phòng chống Covid-19 khi là nước kiểm soát thành công dịch bệnh. Với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm, trao đổi và tìm ra giải pháp, san sẻ vật tư y tế với các nước thành viên ASEAN trong phòng chống đại dịch covid 19. Đây là hành động hết sức quan trọng và có ý nghĩa cho khu vực Đông Nam Á, bởi đây là khu vực sát vách Trung Quốc - nơi đại dịch bùng phát đầu tiên trên thế giới, nhưng Đông Nam Á lại không phải khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh, mà là châu Âu, Pháp, Ý, Mỹ, Mỹ Latinh và Brazil.

     Thứ tư, 27 năm đồng hành và gắn bó cùng ASEAN là quá trình ghi nhận Việt Nam tích cực chủ động trong hội nhập kinh tế khu vực. Trước khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, ASEAN đã thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do (AFTA) thông qua đó thực hiện cắt giảm thuế quan nhằm hướng tới một ASEAN không còn hàng rào thuế quan, hướng tới  thực hiện cam kết hội nhập kinh tế một cách toàn diện.

Đến nay, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia thành viên có tỷ lệ thực hiện cam kết cao nhất (chỉ sau Singapore), thực hiện trên 95,5% các cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng AEC. Điều này thể hiện rằng, Việt Nam - quốc gia hội nhập sau, là quốc gia thành viên thứ 7 gia nhập ASEAN, từ nước nghèo và thu nhập bình quân đầu người còn thấp vào thời điểm mới gia nhập, nhưng Việt Nam đã thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của ASEAN. Gia nhập ASEAN, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, có địa vị nhất định tại khu vực và trên thế giới.

     Thứ năm, Việt Nam là thành viên tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác chung. ASEAN được đánh giá có vai trò trung tâm và quan trọng trong các cơ chế, cấu trúc hợp tác khu vực, không chỉ ở Đông Á mà cả châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay trong cơ chế hợp tác do Mỹ đề xướng, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở và các cơ chế khác, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực trong việc tham gia và thúc đẩy các cơ chế hợp tác này.

     Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường, ASEAN đã thành công trong xây dựng một cộng đồng gắn kết, tự cường và vững mạnh. Định hướng phát triển của ASEAN trong thời gian tới rất phù hợp với chính sách của Việt Nam. ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Vừa tận hưởng những lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng cộng đồng. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường sẽ là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn, sóng gió ngày càng lớn trong thời gian tới.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhung-dong-gop-noi-bat-cua-viet-nam-sau-27-nam-gia-nhap-asean
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com