Thứ năm, 14.07.2022 GMT+7

TIẾP TỤC PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC

Công đoàn Việt Nam, tiền thân là Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, được thành lập ngày 28/7/1929; là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Công đoàn Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

     Từ khi thành lập đến nay, qua các giai đoạn phát triển của đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn thể hiện và tích cực phát huy vai trò của mình, phấn đấu cho mục tiêu: Vì quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; vì hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc, phát triển và tiến bộ xã hội. Vai trò đó được thể hiện cụ thể như sau:

     Thứ nhất: Công đoàn là tổ chức đại diện cho ý chí và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động. Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở luôn đi sâu vào đời sống và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động; kịp thời phát hiện những mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, kịp thời tham gia với người sử dụng lao động để đưa ra những giải pháp tích cực giải quyết; quan tâm đến vấn đề những vấn đề thiết thực đối với người lao động như tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động và khám sức khỏe định kỳ.

     Thứ hai: Công đoàn tích cực thực hiện công tác giáo dục, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, tác phong công nghiệp, kiến thức pháp luật cho người lao động; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử và lập trường giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động, phát huy những giá trị cao đẹp, truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp thu những thành tựu tiên tiến của văn minh nhân loại. Đó là những yếu tố quan trọng làm cho vai trò của công đoàn ngày càng mở rộng và phát triển.

     Thứ ba: Công đoàn đã thực sự là người đại diện của công nhân, viên chức, lao động, điều hòa quan hệ lao động, thúc đẩy sự phát triển và ổn định xã hội. Công đoàn chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn thay mặt công nhân, viên chức, lao động tham gia xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, viên chức, lao động; thực hiện tốt cơ chế đối thoại giữa người lao động với người sử dụng lao động, chủ động tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động.

     Tuy nhiên, trong thực hiện vai trò của mình, một số công đoàn cơ sở chưa phát huy hiệu quả những thế mạnh của tổ chức để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; mô hình tổ chức, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn đôi khi còn chồng chéo. Năng lực, trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ công đoàn, khả năng thích ứng với tình hình mới nhiều nơi còn yếu, có biểu hiện hành chính hóa, chưa thật sự gắn bó với đoàn viên. Một số hoạt động xã hội của tổ chức công đoàn còn mang nặng tính phong trào, phát triển chưa bền vững trên cơ sở tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Những hạn chế này kéo theo việc đời sống người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

     Để làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn cách mạng mới, vấn đề xây dựng, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi, chỉ khi nào xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh thì công đoàn mới thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động và công đoàn mới thật sự là trung tâm  tập hợp, đoàn kết, giáo dục công  nhân, viên chức, lao động; cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

     Một là: Quan tâm thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động. Trong tuyên truyền, giáo dục, công đoàn không chỉ quan tâm tập trung vào đối tượng công nhân, viên chức, lao động, mà còn quan tâm vận động, thuyết phục người sử dụng lao động để họ hiểu về vai trò của tổ chức công đoàn, ủng hộ việc thành lập và tạo điều kiện cho công đoàn trong hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động.

     Hai là: Đổi mới tổ chức, nội dung, phương pháp hoạt động, đảm bảo sự hấp dẫn, thiết thực và phù hợp với các loại hình cơ sở trong các thành phần kinh tế; đây là điều kiện quan trọng để thu hút ngày càng đông đảo công nhân, lao động tham gia tổ chức công đoàn. Tổ chức công đoàn cần hướng mạnh về cơ sở; lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động làm mục tiêu hoạt động.

     Ba là: Không ngừng đổi mới công tác tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động, nhằm động viên, khuyến khích mọi người, mọi tập thể phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức cộng đồng trách nhiệm, nỗ lực vươn lên trong sản xuất, kinh doanh và trong công tác, học tập, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng các phong trào thi đua, các cuộc vận động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động: Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả” trong hoạt động công đoàn; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động; Phong trào “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm vệ sinh an toàn lao động” và Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

     Bốn là: Đội ngũ cán bộ trong các tổ chức công đoàn các cấp có vai trò rất quan trọng trong công tác vận động công nhân. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý và có trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, đáp ứng yêu cầu công tác vận động công nhân trong thời kỳ mới.

     Xây dựng, phát huy vai trò tổ chức công đoàn là một bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh là xây dựng cơ sở xã hội cho Ðảng, Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Do vậy, cần nhận thức rõ xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh là trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội và của mọi công nhân lao động và không phải là giải pháp mang tính nhất thời, giải pháp tình thế mà là nhiệm vụ tất yếu, mang tính chiến lược, là việc làm thường xuyên, liên tục gắn liền với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, gắn với phát triển kinh tế - xã hội dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

     Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chỉ đạo, định hướng đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; thực hiện có hiệu quả công tác vận động công nhân, thúc đẩy giai cấp công nhân phát triển, trở thành "ngọn cờ đầu" trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tiep-tuc-phat-huy-vai-tro-cua-to-chuc-cong-doan-viet-nam-trong-giai-doan-doi-moi-dat-nuoc
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com