Thứ sáu, 24.06.2022 GMT+7

CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG TÍN ĐỒ, CHỨC SẮC TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay có 02 tôn giáo chính đang hoạt động là đạo Công giáo và đạo Phật. Tính đến năm 2020, Đạo Công giáo có 133.119 tín đồ, chiếm 10,24% dân số; có 61 linh mục thường trú và làm mục vụ tại 125 nhà thờ, nhà nguyện. Về tổ chức giáo hội: trên địa bàn tỉnh có 42 giáo xứ với 149 giáo họ thuộc 02 giáo phận Hưng Hóa và Bắc Ninh và trên 20 loại tổ chức hội đoàn tôn giáo thu hút hàng chục ngàn tín đồ tham gia.

     Đạo Phật có 94.800 phật tử chiếm 7,29% dân số, có 328 ngôi chùa. Về tổ chức, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh được thành lập và hoạt động 05 nhiệm kỳ; 13/13 huyện, thành, thị thành lập Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện. Tại các địa phương đã thành lập được 225 Ban đại diện Phật giáo xã, phường, thị trấn.

     Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có đạo Baha’i, đạo Tin lành và một số đạo lạ hoạt động, cụ thể: Phật giáo Nguyên thủy có 05 nhóm với 47 người; Đạo Baha’i có 10 tín đồ chủ yếu hoạt động tại gia; Đạo Tin lành có 08 hệ phái với 20 điểm nhóm đang hoạt động với 435 tín đồ (Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam, Hội thánh Liên hữu cơ đốc Việt Nam, Hội thánh Tin lành Liên hiệp truyền giáo Việt nam, Giáo hội Báp-tít Việt Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc), Hội thánh Ngũ tuần Việt Nam, Hệ phái Tin lành nước hằng sống, Hội thánh Tin lành lời sự sống Việt Nam, Hội thành Tin lành Báp-tít Thiên Ái Việt Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam truyền giáo).

     Hoạt động của các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới: Đoàn 18 Phú Thọ có 02 người, Hoàng Thiên Long có 130 người, Pháp môn Diệu Âm có 40 người, Long Hoa Di Lặc có 39 người, Pháp Luân công với 219 trường hợp tham gia.

     Trên địa bàn tỉnh có 623 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 179 đình, 100 đền, 52 miếu và 72 nhà thờ các dòng họ, cùng nhiều lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức hằng năm.

      Hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, thuần túy. Việc sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo đi vào nền nếp. Các đạo lạ, hiện tượng tôn giáo mới chưa phát hiện vấn đề nổi cộm, gây phức tạp về an ninh trật tự.

     * Một số nội dung, nguyên tắc vận động các tín đồ, chức sắc tôn giáo cần lưu ý:

     + Nội dung vận động các tín đồ, chức sắc tôn giáo:

     - Tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung, bà con tín đồ, chức sắc tôn giáo nói riêng hiểu rõ và thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, bảo đảm tôn giáo đồng hành gắn bó với dân tộc, tuân thủ pháp luật, giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.

     - Thường xuyên có các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần cho đồng bào là tín đồ các tôn giáo. Thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo; vận động đồng bào có đạo tăng cường đoàn kết xây dựng cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng.

     - Tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động bình thường theo pháp luật; mọi tín đồ, chức sắc, nhà tu hành thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, tích cực đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cuộc sống mới ở cơ sở, ở các khu dân cư.

     - Thường xuyên, chủ động, gần gũi, tiếp xúc, xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiện với các chức sắc, chức việc, người đứng đầu các tôn giáo; nắm bắt thông tin chính xác kịp thời, làm tốt công tác tham mưu giải quyết hiệu quả các vấn đề tôn giáo nảy sinh trên địa bàn.

     - Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ tín đồ và chức sắc tôn giáo nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn ngừa và đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Khi tiến hành cần lưu ý phải tuyên truyền, giải thích để đông đảo chức sắc, tín đồ hiểu và đồng thuận.

     + Nguyên tắc vận động các tín đồ, chức sắc tôn giáo:

     - Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Mọi người đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, không phân biệt người theo đạo và không theo đạo, cũng như giữa các tôn giáo khác nhau.

     - Đoàn kết, gắn bó đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân. 

     - Mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; gìn giữ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

     - Bảo đảm những hoạt động tôn giáo ích nước, lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ. Những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy.

     - Không được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

     - Thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của đồng bào các tôn giáo.

     - Thực hiện tốt phương châm: Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói tay làm trong công tác vận đồng tín đồ, chức sắc tôn giáo hiện nay.

     * Nguồn: Báo cáo số 02-BC/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Phú Thọ về việc sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cong-tac-van-dong-tin-do-chuc-sac-ton-giao-tren-dia-ban-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com