Thứ sáu, 24.06.2022 GMT+7

TIẾP TỤC GIA TĂNG GIÁ TRỊ NÔNG SẢN ĐỊA PHƯƠNG THEO CHƯƠNG TRÌNH “MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM” (OCOP) CỦA TỈNH PHÚ THỌ

Đánh giá việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020 tỉnh Phú Thọ đã tích cực phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, hoạt động cụ thể là: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

     Quan tâm hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại các Hội chợ thương mại; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu, quảng bá các nông sản, đặc sản, đặc trưng và sản phẩm OCOP qua các sản thương mại điện tử như: Giaothương.net.vn và nongsan.phutho.gov.vn, Lazada... Tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh kết nối với các đơn vị phân phối trong và ngoài tỉnh. Hàng năm tổ chức Hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh Phú Thọ. Xây dựng 01 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền trên địa bàn tỉnh tại thành phố Việt Trì.

     Thành quả của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đó là những sản phẩm nào được sử dụng nhãn hiệu OCOP, in thứ hạng sao và dán trên bao bì sản phẩm đã tạo ra bước nhảy vọt cho thương hiệu nông sản, góp phần tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điều mà trước đây những sản xuất theo phương thức truyền thống không được sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng không thể trở thành sản phẩm đủ tiêu chuẩn để đặt trên các kệ hàng hóa trong các chuỗi siêu thị trong nước cũng như thế giới.

     Trên cơ sở đó, tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm có lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng sản phẩm cả về chất lượng, mẫu mã, các tiêu chuẩn, quy định trong an toàn thực phẩm và môi trường. Tiêu biểu trong số các sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ hiện nay có thể kể tên như: Mỳ gạo Hùng Lô, nếp gà gáy Mỹ Lung, thịt chua Thanh Sơn, tương làng Bợ, bưởi Đoan Hùng, chè Hoài Trung, chè Phú Thịnh... đã trở thành những sản phẩm nông sản sạch có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.

     Chương trình OCOP được triển khai thực hiện tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực Hợp tác xã, Tổ hợp tác trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc sản, đặc trưng của từng địa phương, thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá và phát triển thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và là giải pháp quan trọng để thực hiện có kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

     Tuy nhiên, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình mới, quá trình triển khai bước đầu còn lúng túng, thiếu tính chủ động; kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình chưa thực sự hiệu quả, một số địa phương chưa quan tâm, quyết liệt, vai trò của chính quyền cấp xã ở một số địa phương còn mờ nhạt; tư tưởng, nhận thức của một số chủ thể, người dân về mục tiêu, ý nghĩa, cũng như lợi ích, giá trị nhân văn khi tham gia chương trình còn hạn chế, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; Một số chủ thể tham gia chương trình chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, nên chất lượng nhiều sản phẩm chưa cao; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; mẫu mã bao bì còn sơ sài, thiếu tính thương mại; số lượng sản phẩm đăng ký tham gia nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, bảo hộ nhãn hiệu còn ít; Năng lực của các tổ chức kinh tế tham gia OCOP (đặc biệt là các hợp tác xã, tổ hợp tác) còn hạn chế nên việc quản lý, phát triển chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu của các sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn...

     Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên là do: Công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa được quan tâm, còn mang tính hình thức; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn hạn chế, chưa chặt chẽ, thường xuyên và liên tục; Nguồn lực đầu tư từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh và còn nhiều bất cập, khó triển khai trong thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ, phát triển và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm theo quy định; Thủ tục, hồ sơ đánh giá, bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm khá phức tạp, chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế gây khó khăn cho chủ thể tham gia chương trình; Các sản phẩm tham gia chương trình đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, chủ yếu là sản phẩm truyền thống, nhiều sản phẩm có tính mùa vụ, nên khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng được đơn hàng lớn và liên tục, chưa gắn kết được sản phẩm với các tua tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh; việc áp dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất, chế biến gặp nhiều khó khăn. Năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường của phần lớn chủ thể tham gia còn hạn chế.

     Tính đến hết năm 2021 tỉnh Phú Thọ đã có 78 sản phẩm OCOP được phân hạng, trong đó: Có 32 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 04 sao; 51 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 03 sao. Theo kế hoạch, năm 2022 tỉnh Phú Thọ phấn đấu có thêm 56 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Phấn đấu có ít nhất 40% sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, hình thành chuỗi, có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả kinh tế, được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại; hỗ trợ xây dựng thêm 1 - 2 điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với hoạt động các tua, tuyến du lịch, lễ hội trong tỉnh.

     Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi xã, phường, thị trấn lựa chọn phát triển ít nhất 01 sản phẩm mang tính đặc trưng, có lợi thế so sánh, sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị để tiêu chuẩn hóa. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 282 sản phẩm OCOP của 241 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, làng nghề, hộ/cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình, trong đó: Tiêu chuẩn hóa, phát triển 228 sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn, chất lượng được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên (trong đó: 11 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao - sản phẩm quốc gia; 75 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 142 sản phẩm đạt hạng 3 sao - sản phẩm cấp tỉnh); Khuyến khích, phát triển 54 sản phẩm có tiềm năng, sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP, có thể tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo quy định.

     Để phấn đấu đạt được những chỉ tiêu nêu trên, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

     Một là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình; đối với các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các huyện, thành, thị hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình; các cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, quyết liệt chỉ đạo đưa Chương trình OCOP vào kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm để triển khai thực hiện lâu dài và thường xuyên; phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội với thực hiện chương trình theo từng nội dung cụ thể; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức kinh tế tham gia góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đã đề ra.

     Hai là: Củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý, triển khai Chương trình trên nguyên tắc sử dụng bộ máy hiện có theo hướng lồng ghép nhiệm vụ trong Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

     Ba là: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP: Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát việc áp dụng chính sách, quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm ở các địa phương, duy trì điều kiện và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận.

     * Nguồn: Kế hoạch số 4265/KH-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025.

 

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tiep-tuc-gia-tang-gia-tri-nong-san-dia-phuong-theo-chuong-trinh-mi-xa-mot-san-pham-ocop-cua-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com