Thứ tư, 22.06.2022 GMT+7

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA - NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG TRONG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

Văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội nói riêng, với tổng thể chiến lược phát triển quốc gia nói chung. Để phát huy được giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải quan tâm đồng bộ tới các yếu tố văn hóa, trong đó, Đảng ta xác định xây dựng môi trường văn hóa là một trong các nhiệm vụ trọng yếu.

     Môi trường văn hoá là tổng thể sống động các yếu tố văn hoá vật thể và phi vật thể bao quanh con người trong một không gian, thời gian xác định, các yếu tố đó tác động lẫn nhau và có quan hệ tương tác đối với con người, nhằm phát triển, phát huy vai trò con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể văn hoá. Môi trường văn hóa vừa là sản phẩm do con người tạo ra nhưng đồng thời, môi trường văn hóa cũng tác động đến sự phát triển con người và xã hội.

     Trước hết, đối với quá trình xây dựng và phát triển con người, môi trường văn hóa có một vai trò hết sức quan trọng. Nếu thiên nhiên là sinh quyển thứ nhất, nơi con người hiện diện với tư cách là một thực thể sinh học, một phần của tự nhiên thì môi trường văn hóa là nơi con người tồn tại với tư cách là một thực thể xã hội, là nơi con người hoàn thiện nhân cách bản thân. Những môi trường văn hóa mà mỗi cá nhân đã trải qua trong suốt cuộc đời chính là nơi mà họ được “dạy dỗ”, được học tập, học hỏi rèn luyện để phát triển nhân cách, để trở thành một con người xã hội. Từ gia đình, nhà trường, cơ quan, đoàn thể đến các cộng đồng dân cư... đó là những môi trường được định vị trong không gian, thời gian xác định, bồi đắp cho mỗi con người không chỉ về tri thức, kinh nghiệm sống, kỹ năng sống mà còn là nơi trao gửi yêu thương, bồi dưỡng những xúc cảm thẩm mỹ, những giá trị văn hóa, đạo đức... Môi trường văn hóa lành mạnh sẽ vun đắp, hình thành cho con người những đức tính, phẩm chất tốt đẹp; Đồng thời góp phần đẩy lùi cái lạc hậu, cái giả dối, cái xấu.

     Đối với nền văn hóa quốc gia dân tộc, môi trường văn hóa chính là nơi các hệ giá trị - yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc - được hình thành, được gìn giữ, được kế thừa và phát huy. Môi trường văn hóa không chỉ là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc mà còn là nơi để khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo những giá trị mới; đồng thời, đây cũng là nơi để tiếp nhận tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại. Những giá trị đặc trưng của mỗi quốc gia dân tộc thấm đẫm trong những yếu tố của môi trường văn hóa, biểu hiện thành những chuẩn mực, những khuôn mẫu ứng xử, hoặc được biểu tượng hóa, mã hóa trong các di sản văn hóa, bộc lộ qua các hoạt động, các thực hành văn hóa... Có thể nói, môi trường văn hóa là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức hấp dẫn - sức mạnh mềm quốc gia trên trường quốc tế.

     Đối với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, môi trường văn hóa thể hiện chiều sâu văn hóa của dân tộc, góp phần định hướng, điều chỉnh các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại theo hướng nhân văn, vì hạnh phúc của con người, vì sự cường thịnh, phồn vinh của đất nước. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh sẽ góp phần giảm thiểu những tiêu cực trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp thẩm thấu, dẫn dắt các hoạt động, các lĩnh vực của đời sống xã hội.

     Trong thời kỳ đổi mới, Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng nhất quán khẳng định vai trò của văn hóa. Nhiều vấn đề lý luận mới về văn hóa cũng như công tác tổng kết thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa được đề cập tới trong các Nghị quyết của Đảng. Đối với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, thuật ngữ “môi trường văn hóa” mới xuất hiện trong Văn kiện của Đảng.

     Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) khẳng định: "Mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển xã hội” [1].

     Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khoá VIII đã đề cập đến vấn đề môi trường văn hóa một cách cụ thể hơn:

     Trước hết, nghị quyết khẳng định: “Môi trường văn hoá là môi trường chứa đựng những giá trị văn hoá và diễn ra các quan hệ văn hoá, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hoá của con người" [2]. Và xây dựng môi trường văn hóa là để đáp ứng nhu cầu văn hoá đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân. Nghị quyết cũng khẳng định, xây dựng môi trường văn hóa là một trong mười nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để xây dựng môi trường văn hóa, Nghị quyết nhấn mạnh vào các giải pháp sau: Tạo ra ở các đơn vị cơ sở (gia đình, làng, bản, xã, phường, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, trường học, đơn vị bộ đội...) đời sống văn hoá lành mạnh. Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Coi trọng xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, ấp, xã, phường văn hoá, nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư trong xây dựng nếp sống văn minh. Thu hẹp khoảng cách đời sống văn hoá giữa các trung tâm đô thị và nông thôn, giữa vùng kinh tế phát triển với các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, giữa các tầng lớp nhân dân. Phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hoá ở cơ sở; đầu tư xây dựng một số công trình văn hoá trọng điểm. Tăng cường hoạt động của các tổ chức văn hoá, nghệ thuật chuyên nghiệp, phát triển phong trào quần chúng hoạt động văn hoá, nghệ thuật.

     Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng nhấn mạnh đến các yếu tố cấu thành môi trường văn hóa: “Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Người tốt, việc tốt”, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân” [3].

     Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khoá XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa được khẳng định sâu sắc và toàn diện hơn.

     Về mục đích và quan điểm xây dựng môi trường văn hóa, Nghị quyết nhấn mạnh: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

     Về nội dung xây dựng môi trường văn hóa, Nghị quyết khẳng định: “Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hoá với bảo vệ môi trường sinh thái. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội”. [4]

     Để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân” [5]. Trong đó, vấn đề “xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế” [6] được xác định là một nội dung của đột phá chiến lược thứ hai (trong ba đột phá chiến lược) để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

     Việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ góp phần tạo ra những con người mới có nhân cách, đạo đức, tri thức, năng lực và bản lĩnh, đồng thời khắc phục và đẩy lùi cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội. Môi trường văn hóa lành mạnh là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và củng cố an ninh quốc phòng. Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ như tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

     Tài liệu tham khảo

[1] [3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới: Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.710; tr.998-999.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khoá VIII, Nxb CTQG, 1998, tr. 59.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương, khoá XI, 2014 (Dẫn theo Thông tin Văn hoá phát triển, số 40, 2014).

[5] [6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập 1, tr.144; tr.222.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=xay-dung-moi-truong-van-hoa-nhiem-vu-quan-trong-trong-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-viet-nam-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com