Thứ tư, 22.06.2022 GMT+7

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC VÀ ĐỀ ÁN THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO CẤP TỈNH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được xác định là một trong những công tác trọng tâm của cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến cơ sở. Nhiều giải pháp phòng ngừa được quan tâm tập trung chỉ đạo; tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị từng bước được nâng cao; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kịp thời, đúng luật định, được dư luận đồng tình… Vì vậy, tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thời gian qua tiêu cực từng bước được kiềm chế, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

     Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”.

     Tuy nhiên, “Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chuyển biến chưa rõ rệt, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng chưa được đề cao. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi… Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi; tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội… Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

     Thời gian tới, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên và hệ thống chính trị còn diễn biến phức tạp. Đại dịch Covid-19 tác động lên nhiều mặt, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Không ít cán bộ, đảng viên sẽ tìm cách lôi kéo, móc nối, tạo lập nhóm lợi ích để dễ dàng thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng, đồng thời, tìm mọi cách loại bỏ những người trung thực, thắn thắn dám đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Tình hình thế giới, khu vực có nhiều thay đổi mau lẹ, khó lường, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên một số lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta… Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta triển khai thực hiện quyết liệt, quyết tâm chính trị cao hơn, trở thành xu thế, “ không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế và hình sự.

     Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra quan điểm về  công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực”; “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí... kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí... nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí”.

     Nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành “Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nội dung của Đề án gồm những vấn đề cơ bản sau:

     1. Chức năng: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

     2. Nhiệm vụ: (1) Tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương; chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (2) Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện. (3) Chỉ đạo, đôn đốc, điều hoà phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. (4) Chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu khắc phục, hoàn thiện. (5) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực. (6) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin, kiến nghị về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. (7) Chỉ đạo tuyên truyền, định hướng cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xử lý vi phạm trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (8) Tổ chức sơ kết, tổng kết, định kỳ và đột xuất báo cáo ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. (9) Thực hiện các nhiệm vụ khác do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao.

     3. Quyền hạn: (1) Yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. (2) Yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. (3) Yêu cầu các cơ quan chức năng kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại. (4) Kiến nghị hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (5) Yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chức năng nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý thì phải kịp thời báo cáo cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo xử lý hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương; nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển. (6) Trực tiếp làm việc với cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan; được sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan để phục vụ nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

     4. Tổ chức bộ máy

     - Trưởng ban là đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ.

     - Các Phó Trưởng ban gồm: (1) Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ. (2) Trưởng Ban Nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ. (3) Trưởng Ban Tổ chức tỉnh uỷ, thành uỷ. (4) Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ. (5) Giám đốc Công an tỉnh, thành phố. Trưởng Ban Nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ là Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo.

     - Các Uỷ viênlà lãnh đạo các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh, thành phố, gồm: (1) Trưởng Ban Tuyên giáo. (2) Chánh Văn phòng tỉnh uỷ, thành uỷ. (3) Chánh án Toà án nhân dân. (4) Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân. (5) Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh. (6) Giám đốc Sở Tư pháp. (7) Chánh Thanh tra. (8) Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (9) Phó Trưởng Ban Nội chính.

     - Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, gồm: Trưởng ban và các Phó Trưởng ban.Ban Nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ làm nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

     Ngoài các thành phần, cơ cấu nêu trên, trường hợp thật cần thiết phải điều chỉnh về cơ cấu các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương trước khi quyết định.

     5. Chế độ làm việc: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh làm việc theo chương trình hằng năm, họp thường kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất khi cần; khi cần thiết, tổ chức hội nghị của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc hội nghị chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ. Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp thường kỳ 3 tháng một lần, họp đột xuất khi cần.

     6. Quan hệ công tác: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

     Với việc ban hành “Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” tại Hội nghị Trung ương năm khóa XIII góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo tinh thần mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”Đồng thời, đây cũng là nội dung quan trọng mà các giảng viên trường chính trị tỉnh cần tuyên truyền nội dung Nghị quyết vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-va-de-an-thanh-lap-ban-chi-dao-cap-tinh-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com