Thứ hai, 20.06.2022 GMT+7

LỚP BỒI DƯỠNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN CHÍNH KHÓA 4 THAM QUAN NGHIÊN CỨU THỰC TẾ MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI Ở ĐỊA PHƯƠNG

Thực hiện thông báo kết luận số 409-TB/TU ngày 05/10/2021 của Thường trực Tỉnh ủy về kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bô, công chức, viên chức năm 2022; Kế hoạch phối hợp số 13-KHPH/BTC-TCT, ngày 22/02/2022, giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Trường Chính trị tỉnh về Tổ chức lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính cho cán bộ, công chức, viên chức ngạch chuyên viên và tương đương các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội khóa 4 năm 2022.

     Lớp học được tổ chức từ ngày 20/4/2022 đến ngày 30/6/2022.Với phương châm lý luận gắn với thực tiễn, ngày 17/6/2022, lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính khóa 4 tổ chức đi tham quan nghiên cứu thực tế trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Hải Dương Xanh, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh - Hội viên nông dân xuất sắc kinh doanh giỏi Vũ Thị Thanh Huyền và mô hình trồng cây ăn quả tại Hợp tác xã Lâm Thao tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ.

Đ/c Nguyễn Thị Thanh Hương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị cùng đoàn tham quan tại mô hình trồng nho của Hợp tác xã Lâm Thaoxã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao

     Quy mô chuồng trại của gia đình chị Võ Thị Thanh Huyền khoảng 5.000m2, tập trung vào chăn nuôi gà đẻ và ấp trứng, kinh doanh sản xuất con giống với quy trình khép kín theo hướng công nghệ cao. Áp dụng chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng các thức ăn tăng trọng, có chứa hoóc môn nguy hại trong thức ăn gia súc và gia cầm, đảm bảo chất lượng, sản phẩm của trang trại là nguồn cung cấp con giống cho 06 tỉnh miền núi phía Bắc, các công ty thu mua ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đã ký hợp đồng lâu dài và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, lợi nhuận công ty thu về hàng chục tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho cho 15 - 20 lao động tại địa phương với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Lao động thời vụ từ 5 - 7 người với mức lương 200.000 - 300.000đ/ngày, trong đó ưu tiên sử dụng những lao động là các hội viên nông dân khó khăn, không có việc làm để tạo điều kiện giúp đỡ cho hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Hiện nay trang trại của Công ty TNHH Hải Dương Xanh có khoảng 300.000 con gà các loại gà giống, gà đẻ trứng, gà mái hậu bị và 12 lò ấp trứng. Mô hình trang trại chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, là động lực để các hộ nông dân phấn đấu, vươn lên làm giàu.

Đ/c Nguyễn Thị Thanh Hương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị cùng đoàn tham quan tại xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh

     Tại mô hình trồng nho của Hợp tác xã Lâm Thao, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, học viên được giới thiệu:

     Trước đây, người dân nơi này chủ yếu trồng ớt, trồng ngô, khoai lang để tăng thêm thu nhập. Xác định phát triển cây ăn quả trên đất đồi, vườn là hướng đi mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã khuyến khích người dân xóa bỏ vườn tạp, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, hầu hết các hộ đều trồng các loại cây ăn quả, trong đó có nhiều vườn cây ăn quả quy mô lớn, rộng từ 1 - 3 ha, bước đầu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, trên địa bàn xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao nhiều hộ gia đình đã cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành nhiều trang tại, gia trại với quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu cho người dân. Tới thăm trang trại trồng nho Hạ đen của Hợp tác xã Lâm Thao, diện tích đất 23ha đã trồng 25.000 gốc nho. Anh Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Giống nho Hạ đen được nhập khẩu từ Mỹ, là cây dây leo nên tốc độ phát triển rất nhanh, Hợp tác xã đang có 20 lao động, vào giai đoạn cao điểm phải tỉa quả, chọn quả sẽ cần nhân công nhiều hơn. Hạ Đen khó ra hoa đậu quả một cách tự nhiên mà phải có biện pháp xử lý. Yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt bởi cây tương đối mẫn cảm, thu hút nhiều loại sâu bệnh nên phải phòng trừ đúng thời điểm, đúng liều lượng”. Với những kinh nghiệm có được, chăm sóc đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, nho của gia đình anh có vị ngọt đậm, thơm và mọng nước, mỗi năm mang lại lợi ích kinh tế cho Hợp tác xã khoảng 5 tỷ đồng/năm. Hiện anh đang hướng đến việc vừa bán sản phẩm vừa thúc đẩy du lịch bằng cách cho khách đến tham quan, chụp ảnh và thưởng thức nho tại vườn”.

     Chuyến tham quan nghiên cứu thực tế đã giúp học viên thu được nhiều kết quả bổ ích, được tham quan thực tế các mô hình phát triển kinh tế trang trại của địa phương. Đồng thời, học viên có thời gian giao lưu, học hỏi được kinh nghiệm trong công tác, củng cố những kiến thức đã được học trong chương trình, gắn lý luận với thực tiễn, nhằm đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng nâng cao chất lượng học tập góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong tình hình mới.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=lop-boi-duong-ngach-chuyen-vien-chinh-khoa-4-tham-quan-nghien-cuu-thuc-te-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-trang-trai-o-dia-phuong
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com